Bàn giao những gì tốt đẹp nhất cho nhiệm kỳ Chính phủ mới

THANH BÌNH 24/03/2021 09:34

Dù đã có một nhiệm kỳ Chính phủ rất thành công, nhưng công cuộc cải cách hành chính (CCHC) cần thực hiện một cách quyết liệt hơn nữa.

Đó chính là điều mà người đứng đầu Chính phủ trăn trở đối với nhiệm kỳ Chính phủ sắp tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Chỉ còn thời gian ngắn nữa là cuộc chuyển giao nhiệm kỳ Chính phủ mới sẽ diễn ra. Và Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn được dư luận đánh giá cao bởi tính cầu thị, hành động, kiến tạo, nhất là những nỗ lực trong CCHC. Tuy nhiên, vẫn còn đó một nỗi niềm trăn trở của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về nỗ lực CCHC.

Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng giai đoạn 2021 – 2030 vừa qua, Thủ tướng nói: “Phải tiếp tục CCHC quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; lấy người dân làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo về đánh giá chất lượng hoạt động bộ máy nhà nước”.

Người đứng đầu Chính phủ còn đặt vấn đề: “Nhà nước chỉ làm những việc người khác không làm được chứ không phải các bộ ngành ôm hết, bộ máy phình ra. Tôi đề nghị Bộ Nội vụ và các bộ ngành xem lại mô hình tổng cục với nhiều tầng nấc hiện nay”.

Thực tế, người dân và doanh nghiệp không quan tâm nhiều tới quá trình triển khai CCHC, giảm bớt bộ này, thêm bộ kia, sửa luật này, luật kia, bộ phận một cửa được trang bị hiện đại hơn… Mà cái được quan tâm nhất chính là kết quả, tác động của CCHC tới họ.

Vì thế, Thủ tướng yêu cầu từng thành viên Chính phủ, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương đều phải vào cuộc, có sự thay đổi trong nhận thức và hành động, thống nhất quan điểm: “Nghĩ lớn, nhìn tổng thể, hành động nhanh, bắt đầu từ những việc cụ thể”. 

Bên cạnh đó, thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai Chính phủ điện tử; Gắn kết CCHC với xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách dẫn dắt, ứng dụng công nghệ thông tin là công cụ, lấy người dùng làm trung tâm, có phương pháp, cách làm khoa học, chú trọng truyền thông… cũng là các bài học được rút ra.

Có thể nói, thông điệp và chủ trương xuyên suốt của Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV chính là CCHC, loại bỏ những “rào cản”. Những ghi nhận từ thực tiễn cho thấy, đã có những những thành tựu rất xuất sắc và đáng trân trọng trong nỗ lực CCHC của Chính phủ  được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng DVCQG. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu thực hiện nghi thức khai trương Cổng dịch vụ quốc gia. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

Một trong những dấu ấn đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử là khai trương Cổng dịch vụ công quốc gia. Một số hệ thống về xây dựng Chính phủ điện tử đã được xây dựng, đi vào vận hành, bước đầu có những kết quả tích cực: Trục liên thông văn bản quốc gia giúp tiết kiệm được hơn 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Với Cổng Dịch vụ công quốc gia, tổng chi phí xã hội tiết kiệm được khi thực hiện Dịch vụ công trực tuyến là khoảng 6.700 tỷ đồng/năm, trong đó, riêng Cổng Dịch vụ công quốc gia đóng góp 3.036 tỷ đồng/năm.

Bên cạnh đó là Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet giúp tiết kiệm chi phí khoàng 169 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiết kiệm khi vận hành Hệ thống này khoảng 460 tỷ đồng/năm.

Ngoài ra, đến nay, cả nước có 59/63 trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, chất lượng giải quyết thủ tục hành chính được nâng lên, tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hẹn đạt 95,8%. 

Tình trạng “quyền anh, quyền tôi” từng bước đã được chấn chỉnh, khắc phục. Tư duy xây dựng chính sách, pháp luật được đổi mới, cải cách, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch để hướng tới sự thống nhất, đồng bộ, tháo gỡ để phát triển. Từ quản lý thắt chặt sang tạo hành lang pháp lý thuận lợi, khuyến khích phát triển, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư, sản xuất, kinh doanh..v..v.

Nói cách khác, công chức tiếp dân cũng đã thay đổi lớn từ thái độ, lời nói đến hành vi. Sự cởi mở, thân thiện của chính quyền với doanh nghiệp đã phần nào được tạo lập. Nhiều vị lãnh đạo chính quyền đã ý thức được chính doanh nghiệp mới là động lực quyết định cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các quyết sách của Chính phủ về cơ bản được giới doanh nghiệp hoan nghênh.

Có thể nói, mỗi hoạt động lớn hay nhỏ của chính quyền từ cấp Trung ương cho đến cấp cơ sở luôn được soi rọi dưới con mắt “vì ai, mang lại lợi ích cho ai”. Thông qua CCHC, bước đầu đã tạo lập được cơ sở cho bước chuyển mình của nền hành chính thực sự sang phục vụ.

Điều này phần nào minh chứng, Chính phủ nhiệm kỳ khóa XIV đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp và điểm nhấn là CCHC. Từ dư luận, doanh nghiệp, các chuyên gia ghi nhận, cho tới cộng đồng quốc tế đánh giá cao.  Như lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ: “Đây là những ngày cuối cùng của, chúng tôi muốn bàn giao những điều tốt đẹp nhất cho các đồng chí nhận nhiệm vụ mới”.

Phải nói rằng, trong suốt nhiệm kỳ qua, chúng ta ghi nhận được ở Chính phủ là một tinh thần lăn lộn không mỏi mệt. Thời gian tới đây dù ở cương vị nào chúng ta vẫn tin vị lãnh đạo ấy sẽ luôn sâu sát, mạnh mẽ, quyết liệt, làm đến nơi đến chốn, hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân.

Có thể bạn quan tâm

  • Lần đầu Việt Nam bầu đương kim Thủ tướng làm Chủ tịch nước

    09:31, 23/03/2021

  • Ông Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử Quốc hội ở khối Chính phủ

    10:37, 18/03/2021

  • Đã giới thiệu 205 người ứng cử Đại biểu Quốc hội ở Trung ương

    16:01, 18/03/2021

  • Quốc hội bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng tại kỳ họp tới

    12:15, 15/03/2021

  • Hội nghị Trung ương 2: Giới thiệu nhân sự ứng cử Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội

    10:00, 08/03/2021

  • Quốc hội bầu lãnh đạo nhà nước vào cuối tháng 3

    13:06, 23/02/2021

THANH BÌNH