Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 3)
Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không ngừng suy tư về ý nghĩa của cuộc sống, của tình yêu, của cái chết...
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 ngày 20/3/2021 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.
Có thể những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp cực đoan. Có thể cuộc đời không toàn những bức tranh đen tối như thế. Có thể “trên đời này vẫn còn những điều thơ mộng cho những ai xứng đáng với nó” nói như Andre Moroa trong Hoa violet ngày thứ Tư.
Nhưng khổ nỗi ông lại thuộc loại người muốn dùng sắt nung để chữa vết thương, muốn dùng lửa để đốt tan đi tảng băng vẫn đang ngự trị trong văn học hiện tại, muốn đánh thức con người khỏi “thái độ không hiểu biết vô tình, bóng ma của một kết cục tận thế trong tương lai mà bây giờ chưa ai nhận thấy, chưa làm ai hoảng sợ” (Vladimir Tendriacov).
Điều đó cũng giải thích tại sao chàng Trương Chi của ông “bốn nghìn năm trước chàng đã đau đớn thế này, chàng đã căm giận thế này”. Trương Chi căm giận “mọi ước lệ của cuộc đời đã lướt qua chàng không để dấu vết” vì nhận thức được cả thế giới chúng ta đang sống trong một sự ước lệ khổng lồ, khủng khiếp. Và chúng ta sẽ lướt qua nó, cũng “không dấu vết”, không gì chứng tỏ chúng ta từng hiện hữu trên đời.
Nguyễn Huy Thiệp không thích “vẻ sạch sẽ gớm ghiếc của người đời” vì nó “trái lẽ tự nhiên”, ông muốn bắt người đọc phải đối diện với những gì “vừa tàn nhẫn, vừa phi lý”, bởi vì như ông nói: “Lẽ đời là thế” (Trương Chi).
Ông muốn gạt bỏ tất cả những lớp sơn hào nhoáng và không hào nhoáng mà người ta không ngừng tô vẽ lên sự thật. Cuộc sống không cần bất cứ một sự tô vẽ nào, nó đẹp chính vì nó là cuộc sống, vậy thôi! “Điều ấy thật giản dị và đẹp. Nhưng điều ấy lại đầy xót xa”.
Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một lần giao lưu cùng độc giả lúc sinh thời. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Ông muốn gọi sự vật bằng đúng tên gọi của nó, không màu mè, không đạo đức giả:
"Tôi biết một thứ ngôn ngữ giản dị như đất
Thứ ngôn ngữ mộc mạc, thẳng băng
Tựa như tiếng tù và
Như tiếng kèn đồng
Như tiếng chuông vọng
Có một thứ ngôn ngữ thức tỉnh con người
Buộc họ soi vào lòng mình
như soi mặt xuống lòng hồ”
(Mưa Nhã Nam)
Nhưng liệu đó có phải là sai lầm không nhỉ, liệu có nên phơi bày tất cả những xấu xa trong tâm hồn con người lên trang giấy, cướp đi niềm tin ngây thơ vào những ước lệ vốn làm nên cuộc sống của họ?
Sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp sẽ chẳng có gì khác biệt với một số nhà văn khác, những người đã chuyển rất nhanh từ cực này sang cực kia, từ những bức tranh toàn mầu hồng sang toàn màu đen. Nếu như trong bức màn tối đó ông không nhìn thấy và chăm chút cho những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kỳ diệu của thiên lương, những thứ ông tin rằng sẽ có đủ sức mạnh cần thiết để đương đầu với bóng tối đang ngự trị trên thế giới, cải tạo lại và làm trong sạch cuộc sống của con người.
Người ta bảo trên đời này có hai loại điều thiện. Điều thiện chỉ đơn giản là điều thiện và điều thiện sinh ra để đương đầu với cái ác.
Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp chỉ nối tiếp đề tài vô tận của những nhà văn đi trước và sẽ của cả những nhà văn đến sau: Cuộc đấu tranh vĩnh cửu giữa cái thiện và cái ác để giành quyền kiềm soát tâm hồn con người. Nhưng cuộc đấu tranh lần này không hề đơn giản vì mầm ác nằm ngay trong lòng mỗi người, “ma quỉ nằm ngay trong lòng ta” (J. P Sartre).
Người ta làm điều ác thật dễ dàng bởi điều ác chính là một phần cuộc sống của họ. Vấn đề là họ có nhận thức được mình đang làm điều ác hay không, bởi vì như Bielinsky đã nói: “Người cao thượng không phải là người không bao giờ đê tiện. Người cao thượng là người biết mình có những lúc đê tiện”. Nhận thức được cái ác có nghĩa là đã chiến thắng được cái ác.
Một trong những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Huy Thiệp, Muối của rừng, chính là bài ca trữ tình ca ngợi cho sức mạnh kỳ diệu đó của thiên lương. Tâm trạng ông Diểu, từ khi nẩy ra ý định vào rừng săn thú cho tới khi cay đắng hiểu ra rằng “hóa ra ở đời trách nhiệm đè lên từng mỗi sinh vật quả thật nặng nề” và “buồn tê tái đến tận đáy lòng” đã đi qua cả một chặng đường dài trong sự thức tỉnh của lương tâm con người trước cái đẹp.
Và khi đó, ông đã gặp hoa tử huyền, biểu tượng của hạnh phúc, của cái Thiện. “Loài hoa tử huyền cứ ba chục năm mới nở một lần. Người nào gặp hoa tử huyền sẽ may mắn. Người ta vẫn gọi hoa này là muối của rừng. Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc”.
Con người ra đi với ý định huỷ hoại thiên nhiên, hủy hoại cuộc sống, khi trở về lại đi như nhập vào lòng thiên nhiên, vào lòng cuộc sống: “mưa xuân dịu dàng nhưng rất mau hạt. Ông cứ trần truồng như thế, cô đơn như thế mà đi. Chỉ một lát sau, bóng ông đã nhòa vào màn mưa.”
Những truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp không ngừng suy tư về ý nghĩa của cuộc sống, của tình yêu, của cái chết... Ông không bao giờ tìm ra lời giải đáp trọn vẹn cho những câu hỏi đó. Có lẽ chính vì vậy nên những nhân vật trong các truyện ngắn của ông luôn luôn cô đơn “như một hành tinh, như ngọn gió”.
Họ luôn luôn day dứt bởi câu hỏi: “Liệu con người có hiểu được con người không, có thể tôn trọng và yêu mến con người không... Tại sao những người tốt lại thường đau khổ, bất hạnh?” Đôi lúc họ cũng muốn buông trôi tất cả, phó mặc tất cả để mong có một cuộc sống thanh thản, cái thanh thản nhẹ dạ của người đời, bởi vì “day đi dứt lại mãi mà làm gì”.
Nhưng họ không thể biến đổi con người mình, trái tim mình, tâm hồn mình. Như một số phận, như một lời nguyền... Và những con người ấy, như những sa mạc cô đơn, cứ suốt đời đi tìm “con gái thuỷ thần” của cuộc đời mình. Bản chất của tình yêu, của nghệ thuật là luôn hướng tới cái tuyệt đối, bởi vì chỉ có nó mới vượt cao hơn thời gian, cao hơn cái chết.
Và mặc dù “tất cả mọi sự thanh cao hoang tưởng vẫn chết trong cõi dung tục như thường” (Chút thoáng Xuân Hương), nhưng các nhân vật của ông vẫn luôn luôn tin vào những điều kỳ diệu của cuộc sống. Họ luôn luôn theo đuổi cái điều không thể có, cũng như Trương Chi đã yêu Mị Nương “rỗng tuyếch và tẻ nhạt” chỉ vì “tình yêu của chàng hướng về tuyệt đối”, còn nàng là “cái bẫy của số phận chàng”.
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 2)
05:13, 24/03/2021
Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 1)
10:05, 23/03/2021