Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài cuối)

NGUYỄN THANH SƠN 25/03/2021 13:20

Cuộc sống hôm nay còn biết bao chuyện xấu xa, tồi tệ, nhưng cái đẹp; lòng tốt của con người và niềm tin yêu cuộc sống vẫn luôn hiện hữu như cây táo vẫn luôn nở hoa!

Bởi vậy, những truyện ngắn của ông, với lời văn thâm trầm và ngắn gọn như cổ sử, dẫu chua chát hay tàn nhẫn, vẫn không gây cho chúng ta niềm tuyệt vọng, mà trái lại, vẫn khiến tâm hồn chúng ta tràn lên bao nỗi xót thương đối với những người xung quanh.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp qua đời lúc 16h45 hôm nay, ngày 20/3 tại nhà riêng, hưởng thọ 72 tuổi.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Ông cảnh báo mọi người “Bản tính người Việt là hay trông ngóng, nhiều khi quên gốc ở ngay chính tim óc mình” (Chút thoáng Xuân Hương), và luôn luôn muốn vun xới cho cái gốc ấy. Ông đặt niềm tin của mình vào những thầy giáo Triệu (Những bài học nông thôn), sư Huệ (Hoa sen nở ngày 29 tháng 4)... “những người khai hoá vĩ đại của nhân dân”, những người ông hi vọng sẽ đem đến cho những người dân bình thường ngọn lửa ấm áp bao dung của tôn giáo, của tri thức làm người. Và ở đây, ông tỏ ra gần gũi với vị bá tước râu bạc ở Iliana Polianskoe, với những người dân túy:

"Anh sẽ dạy chúng, phải không, anh sẽ dạy chúng

Tay phải thì vung cao

Còn tay trái đặt lên trái tim

Anh sẽ dạy chúng, phải không, anh sẽ dạy chúng:

Đây là số không, đây là số một

Còn mẹ thì không bao giờ được quên

Phía trước là chân lý

Rất có thể có nạn hồng thuỷ

Mà ngoài trái đất là thiên hà

Đây là chữ a...”

(Những bài học nông thôn)

Những gì có thể giúp con người vượt lên trên cái vô nghĩa của cuộc sống và sự trống rỗng của tâm hồn? Đối với Nguyễn Huy Thiệp, con người không thể trở nên tốt hơn, thánh thiện hơn nếu họ thiếu quan tâm đến cái “xó tối tăm lương tri ngày đêm khản tiếng khóc thầm” ấy.

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một lần giao lưu cùng độc giả lúc sinh thời NGUYỄN ĐÌNH TOÁN

Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong một lần giao lưu cùng độc giả lúc sinh thời. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chính những giây phút day dứt của tâm hồn, những dằn vặt của lương tâm “tâm càng lớn càng nhục” (Tướng về hưu), “Khổ lắm. Nhục lắm. Vừa đau đớn, vừa chua xót. Nhưng thương lắm.” (Không có vua) đã làm cho con người trở thành người hơn.

Và khi đó, họ có thể kiêu hãnh ngẩng cao đầu: “Nghĩa tình lại chuộc nghĩa tình. Vô sự với tạo hóa, trung thực đến đáy, dù có sống giữa bùn, chẳng sợ không xứng là người” (Những người thợ xẻ).

Alfred Ardler, một trong những học trò xuất sắc của Freud nói: “Tất cả ý nghĩa của cuộc sống chúng ta là ở chỗ chúng ta luôn luôn cảm thấy chúng ta thiếu mất một cái gì và mong muốn làm tất cả để bù đắp lại sự thiếu thốn đó”.

Box: Mỗi một người cảm thấy thiếu thốn một cái riêng, cũng như họ có cách của riêng mình để thoả mãn nỗi khát khao đi tìm phần cái “tôi” còn trống vắng của mình.

Những con người như Nguyễn Huy Thiệp chỉ tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống trên con đường không có tận cùng hướng tới chân lý. Và vì bản thân sự hướng tới chân lý còn quí giá hơn cả chân lý, ông sẽ vẫn tiếp tục cuộc chiến đấu vô vọng của ông chống lại những chiếc cối xay gió khổng lồ. Cuộc đấu tranh vô vọng, nhưng không thể không đấu tranh...

(Hết)

Có thể bạn quan tâm

  • Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 3)

    05:20, 25/03/2021

  • Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 2)

    05:13, 24/03/2021

  • Giá trị thời đại trong các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp (Bài 1)

    10:05, 23/03/2021

NGUYỄN THANH SƠN