Giải kiến tạo trong ngôn ngữ
Giải kiến tạo (Deconstruction) là khái niệm trung tâm trong toàn bộ tư tưởng và sự nghiệp của nhà triết học Pháp Jacques Derrida.
Đồng thời cũng là một trong những khái niệm quan trọng nhất của trào lưu tư tưởng hậu hiện đại cuối thế kỷ XX.
Sâu xa mà nói, "Deconstruction" được hình thành từ khái niệm "social construct" (Kiến tạo xã hội), một khái niệm thực ra đã thấy có ở Marx trong câu nói nổi tiếng "Con người là tổng hòa các quan hệ xã hội". Các nhà triết học Pháp hậu 1968 như Jacques Lacan, Luis Althusser, Roland Barthes, Michel Foucault… và chính Derrida (xin lưu ý rằng tất cả các tác giả vừa kể trên đều chịu ảnh hưởng sâu sắc của chủ nghĩa Marx) đã phát triển khái niệm này và cho rằng toàn bộ đời sống xã hội, bao gồm không chỉ triết học, luật pháp, khoa học... mà cả chủng tộc, giới tính và thậm chí ham muốn của con người cũng chỉ là sản phẩm do xã hội kiến tạo ra (social construct).
Hệ quả của xã hội nam quyền
Chẳng hạn, quan niệm rằng đàn ông là mạnh mẽ và sâu sắc, còn đàn bà là yếu ớt, nông cạn (“đàn ông nông nổi giếng thơi/ Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”) chẳng qua là hệ quả của xã hội nam quyền. Tương tự như vậy, chúng ta cũng có thể nói rằng các cặp đối lập như văn minh/dã man, dân gian/bác học, chuyên nghiệp/nghiệp dư… chỉ là kết quả của những quan hệ quyền lực trong những bối cảnh lịch sử nhất định. Nói tóm lại, toàn bộ xã hội loài người chỉ là tập hợp các kiến tạo xã hội hoặc đôi khi cũng được gọi là kiến tạo văn hoá (cultural constructs).
Nhận ra rằng toàn bộ đời sống tinh thần của xã hội loài người chỉ là tập hợp các kiến tạo xã hội tưởng chừng đơn giản nhưng lại có một ý nghĩa nhận thức sâu sắc.
Theo các nhà tư tưởng Giải kiến tạo (Deconstructionists) ở Hoa Kỳ, như J. Hillis Miller, Barbara Johnson, Geoffrey Hartman, và đặc biệt là Paul de Man (de Man sinh tại Bỉ), để nghiên cứu thực tại xã hội (kiến trúc, tôn giáo, đạo đức, văn bản…), chúng ta cần phải thoát khỏi cái nhà tù của các kiến tạo xã hội, tức là phải “de-construct” - giải kiến tạo. Trong văn học, họ đề xuất cách đọc giải kiến tạo (deconstructive readings). Theo họ, văn bản không thể được coi là sản phẩm của một tác giả duy nhất với thông điệp duy nhất, mà chỉ là nơi gặp gỡ, tranh chấp của vô số các mối quan hệ xã hội.
Paul de Man cho rằng mọi văn bản đều dựa trên các ẩn dụ và vì thế luôn luôn tự giải kiến tạo thông qua việc làm sai lệch ý nghĩa của chính nó. Paul de Man viết trong Tín hiệu học và tu từ học (Semiology and Rhetoric): “Văn bản văn chương đồng thời khẳng định và phủ nhận thẩm quyền của hình thái tu từ của chính nó, còn khi đọc văn bản như chúng ta vẫn làm chúng ta chỉ cố gắng tiệm cận đến mức cao nhất, với tư cách là độc giả, đến trạng thái nghiêm túc mà tác giả đã phải có để viết ra câu văn trong trạng thái ban đầu của nó.”
Chỉ số đo lường tình trạng bình đẳng nam - nữ trên toàn cầu (WBL) đã cải thiện đáng kể trong 10 năm qua.
Nhưng Giải kiến tạo theo Derrida không hoàn toàn giống khái niệm “Giải kiến tạo” theo cách hiểu của các tác giả Hoa Kỳ. Derrida nhiều lần phản đối việc đồng nhất Giải kiến tạo với một cách phân tích, một sự phê phán hay một phương pháp. Chính Derrida viết trong Thư gửi một người bạn Nhật (Letter to a Japanese Friend): “Giải kiến tạo không phải là một phương pháp và cũng không thể biến thành một phương pháp. Nhất là khi nhấn mạnh ý nghĩa kỹ thuật và trình tự của từ này. Sự thật là trong một số nhóm (đại học hoặc văn hoá, đặc biệt là ở Hoa Kỳ), cái “ẩn dụ” kỹ thuật hoặc phương pháp luận có vẻ như đương nhiên gắn với từ giải kiến tạo vẫn có sức cuốn hút và đánh lạc hướng”.
Mặc dù Derrida thường được coi là nhà triết học Hậu cấu trúc (Post-structuralist), khái niệm "Deconstruction" của ông triệt để hơn là một thái độ giải cấu trúc. Nếu như "Cấu trúc luận" quan tâm đến quan hệ của các thành tố bên trong một đối tượng, thì "Deconstruction" nhằm vào không chỉ các quan hệ và thành tố bên trong đối tượng, mà cả chính sự tồn tại của đối tượng. Chẳng hạn, Judith Butler, một nhà triết học Nữ quyền tiếp nhận tư tưởng của Foucault, phê phán Simone de Beauvoir coi sự khác biệt giới tính là tự nhiên. Bà tuyên bố rằng giới tính chỉ là hiên thân của những ý nghĩa xã hội và "chính khái niệm tự nhiên cũng cần phải được nhận thức lại."
Giải kiến tạo, theo Derrida, là cả một quá trình đang tự diễn ra trong xã hội, ngược với quá trình Kiến tạo. Quá trình này không do ai chủ động tạo ra, cũng không do ai thực hiện. Ông viết trong Thư gửi một người bạn Nhật: “Giải kiến tạo đang diễn ra, sự kiện đó không đợi sự giải phóng, sự ý thức hay sự tổ chức của một chủ thể hoặc thậm chí là của tính hiện đại. Giải kiến tạo tự nó diễn ra. Tự thân giải kiến tạo. Ça se deconstruit”.
Lý do khiến Giải kiến tạo thường được quan niệm như là một phương pháp nghiên cứu, theo Derrida, là bối cảnh lịch sử thập niên 1960, khi Chủ nghĩa cấu trúc đang thịnh hành.
Ông viết: “Đó là lý do tại sao, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, chủ đề quán xuyến (motif) của Giải kiến tạo vẫn thường được liên hệ với “hậu cấu trúc” (một từ chỉ được biết đến ở Pháp khi nó “trở về” từ Hoa Kỳ). Nhưng việc dỡ ra (undoing), tháo rời (decomposing), và giải trầm tích (desedimenting) các cấu trúc - mà theo nghĩa nào đó còn mang tính lịch sử hơn cả trào lưu cấu trúc luận mà nó thách thức – không quả là một hành động tiêu cực. Không hẳn là phá hủy, nó nhất thiết còn phải là hiểu một tổng thể (“ensemble”) đã được tạo nên như thế nào và tái kiến tạo nó…”.
Giới tính là hiện thân của những ý nghĩa xã hội và "chính khái niệm tự nhiên" cũng cần phải được nhận thức lại.
Giải phóng tư duy
Chúng ta có thể quan sát hiện tượng giải kiến tạo thông qua vấn đề định kiến về giới trong ngôn ngữ. Trong nhiều thứ tiếng, sự phân biệt nam nữ thể hiện ở cả từ vựng, ngữ pháp lẫn những cách biểu đạt thông dụng. Chẳng hạn, “Man” trong tiếng Anh và “Home” trong tiếng Pháp vừa chỉ “Đàn ông” vừa chỉ “Con người” nói chung. Từ “Guy” trong tiếng Anh có nghĩa là “Anh chàng” khi để số ít, nhưng lại có nghĩa là “Mọi người” khi để ở số nhiều. Trong tiếng Pháp trước đây, nhiều từ chỉ ngành nghề như “Giáo sư” (Professeur), Giám đốc (Directeur), Écrivain (Nhà văn), Médecin (thầy thuốc), Peintre (Họa sĩ) chỉ có giống đực, nhưng dùng cho cả nam lẫn nữ. Một số danh từ khi dùng ở giống cái lại mang nghĩa tiêu cực, chẳng hạn “Un gars” có nghĩa là “Cậu bé”, còn “Une garce” lại có nghĩa là “Đàn bà hư hỏng”.
Gần đây, có một xu hướng ngày càng mạnh mẽ chống lại sự phân biệt giới tính như vậy. Trong tiếng Anh, thay cho “He” (Anh ta) người ta dùng “He/She” hoặc “S/he” (Anh/Chị ta). Nhiều người Pháp ủng hộ trào lưu “Nữ hóa” các danh từ nghề nghiệp, tạo thêm các từ giống cái: Professeure/Professeur, Médecine/Médecin…
Giải kiến tạo cũng có thể quan sát thấy trong tiếng Việt. Một ví dụ là cách đặt tên: Từ xu hướng bỏ “Thị” trong tên phụ nữ và “Văn” trong tên nam giới, đến việc lựa chọn những cái tên phi giới tính như “Thắng”, “Chiến”… Gần đây, các cặp vợ chồng trẻ dường như cảm thấy có gì không ổn khi con sinh ra luôn luôn mang họ bố: Ngày càng nhiều trẻ em mang cả họ cha và mẹ trong tên mình: Trần Đỗ Bảo Hương, Nguyễn Hoàng Hoài Văn… Một nhạc sĩ bạn tôi chọn bút danh có cả họ cha và mẹ: Nguyễn Lê Tâm. Khi mở đầu những bài diễn văn, người ta cũng có xu hướng bắt đầu bằng phụ nữ: “Thưa các cô, các thầy”, “Thưa các quý bà, quý ông”…
Âm thầm, giải kiến tạo đang đồng hành với sự giải phóng phụ nữ.