Người Việt Nam và ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ

BẢO LAM 08/04/2021 05:00

Động thái của cư dân mạng Việt Nam, nhất là giới trẻ trước vụ đường lưỡi bò "núp bóng" hàng hiệu cho thấy ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người dân ngày càng được nâng cao.

PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho biết khi nói về vụ việc cư dân mạng Việt Nam phản đối hành động của H&M. 

H&M hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội tại Việt Nam vì nghi vấn chèn ‘đường lưỡi bò’ phi pháp vào bản đồ theo ý Trung Quốc

H&M hứng chịu làn sóng chỉ trích dữ dội tại Việt Nam vì đã chèn "đường lưỡi bò" phi pháp vào bản đồ theo một ứng dụng phổ biến tại Trung Quốc.

Mọi chuyện bắt đầu từ tối 2/4, H&M trở thành từ khóa bùng nổ, gây bàn tán trên các diễn đàn trực tuyến Việt Nam. Khi đó, nhiều người lan truyền thông tin hãng thời trang đến từ Thụy Điển đăng tải bản đồ Trung Quốc có “đường lưỡi bò”.

Hãng tin AP dẫn thông báo của chính quyền Thượng Hải nói rằng người dùng mạng internet đã báo cáo về "bản đồ có vấn đề" trên trang web của H&M. Vì vậy, Sở Quy hoạch và Tài nguyên Thượng Hải yêu cầu công ty Thuỵ Điển nhanh chóng sửa chữa bản đồ đó. Sau khi được triệu tập, H&M "đồng ý với yêu cầu của nhà chức trách Trung Quốc". 

Các công ty nước ngoài cũng bị Trung Quốc bắt thay đổi bản đồ vẽ biên giới của Trung Quốc với Ấn Độ và các khu vực tranh chấp trên biển Đông.

Trong khi vụ việc vẫn đang trong giai đoạn cao trào và thu hút sự chú ý từ phía dư luận quốc tế, một số người dùng, hội nhóm trên mạng xã hội cho rằng H&M (tại Trung Quốc) đã thay đổi hình bản đồ có chứa “đường lưỡi bò” phi pháp. Đây được cho là động thái nhằm làm dịu dư luận Trung Quốc, nhưng đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam và vi phạm các quy định của luật biển quốc tế về vạch đường cơ sở.

Ngay lập tức, tại một số hội nhóm trên mạng xã hội, đông đảo người dùng Việt Nam đã kêu gọi chia sẻ bài viết phản đối, hashtag #hmgetoutofvietnam, #taychayHM, #HoangSaTruongSabelongtoVietNam trên Facebook, Twitter và instagram. 

Trên trang fanpage chính thức của hãng thời trang H&M, nhiều người tiêu dùng đã kêu gọi mọi người Việt Nam đoàn kết và tẩy chay nhãn hiệu thời trang Thụy Điển, sau khi có thông tin hãng thời trang này chấp nhận thay đổi bản đồ theo yêu cầu từ giới chức Trung Quốc.

Tất cả các bài đăng của H&M đều nhận được hàng chục nghìn ý kiến phẫn nộ, yêu cầu thương hiệu thời trang Thụy Điển tôn trọng sự thật, tôn trọng luật pháp quốc tế. Bên cạnh kêu gọi tẩy chay H&M, cư dân mạng còn đề nghị các hacker Việt Nam cùng đánh sập fanpage H&M, chung tay report hoặc làm cho trang fanpage “bay màu”;...[1]

Liên quan đến vụ việc này, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho biết, động thái của cư dân mạng Việt Nam, nhất là giới trẻ rất đáng hoan nghênh, cho thấy ý thức bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của người dân ngày càng được nâng cao.

Cũng theo ông Thắng, trong thương mại quốc tế hiện nay, mối liên hệ giữa kinh tế, thương mại với chính trị ngày càng thể hiện rõ nét. Bằng chứng là cuộc chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ đơn thuần là cuộc chiến thương mại mà đã leo thang sang lĩnh vực khác. Hay cuộc chiến giữa Trung Quốc và Úc ban đầu xuất phát từ những cáo buộc về chính trị, sau đó Trung Quốc đã áp đặt trừng phạt kinh tế đối với quốc gia này khi khi hạn chế nhập khẩu 13 ngành công nghiệp Úc, trong đó than, đồng, gỗ, thịt bò, lúa mạch và rượu vang cùng hàng loạt biện pháp trừng phạt khác.

Và để đảm bảo cho lợi ích của mình, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã phải thuận theo đòi hỏi của các nước sở tại. Ví dụ, muốn kinh doanh ở thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc thì các doanh nghiệp nước ngoài, kể cả các "ông lớn", phải tuân thủ theo các yêu cầu của Trung Quốc, trong đó có cả các yêu cầu về mặt chính trị. "Để dung hòa được điều này tùy thuộc vào cách ứng xử khôn khéo của các doanh nghiệp", PGS.TS Phạm Tất Thắng chỉ rõ.

"Giới trẻ đi đầu, phản ứng với thông tin nhãn hàng ủng hộ đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc là rất đáng hoan nghênh. Nó đòi hỏi các doanh nghiệp, nhãn hàng phải có ứng xử thông minh để thoát ra khỏi sự ảnh hưởng quá mức của chính trị trong quá trình kinh doanh trong thời đại ngày nay", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Khi ồn ào của H&M chưa ngã ngũ thì hàng loạt thương hiệu thời trang đẳng cấp thế giới như: Chanel, Louis Vuitton, Gucci, UNIQLO, YSL… bị phát hiện công khai đăng bản đồ có "đường lưỡi bò" phi pháp trên website phiên bản tiếng Trung.

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, động thái của các hãng thời trang là vì lợi ích của chính họ, họ muốn kinh doanh trên thị trường 1,4 tỷ dân của Trung Quốc. Động thái này có thể làm hài lòng Trung Quốc nhưng  lại xem nhẹ vấn đề chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của các quốc gia khác ở Biển Đông, trong đó có Việt Nam.

"Việc này xảy ra ở quốc gia khác nhưng Việt Nam có thể thông qua các kênh ngoại giao bày tỏ sự phản đối đối với hành vi nói trên, đồng thời yêu cầu các hãng phải loại bỏ bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp. Doanh nghiệp luôn đặt lợi ích lên hàng đầu, nhưng cũng không thể vì thế mà xem nhẹ công lý, luật pháp quốc tế...", ông Thắng nêu rõ.

Trong trường hợp các hãng thời trang đặt cơ sở kinh doanh tại Việt Nam và tại cơ sở này có sử dụng/đăng tải bản đồ có đường lưỡi bò phi pháp, ông khẳng định người dùng ở Việt Nam sẽ tẩy chay sản phẩm của họ trên đất nước Việt Nam bởi sức mạnh của người tiêu dùng là rất lớn.

Phía cơ quan quản lý của Việt Nam ngoài việc nhắc nhở, tuyên truyền, cũng sẽ có biện pháp xử lý thích đáng. "Các doanh nghiệp kinh doanh trên đất nước Việt Nam không được phép vi phạm các vấn đề thuộc về chủ quyền lãnh thổ, quan điểm chính trị, nguyên tắc về ngoại giao của Việt Nam. Nếu doanh nghiệp có hành vi không tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Việt Nam thì cơ quan quản lý hoàn toàn có quyền yêu cầu họ rời khỏi Việt Nam, không được kinh doanh trên đất nước Việt Nam", PGS.TS Phạm Tất Thắng nhấn mạnh.[2]

V

TS. Võ Trí Thành: Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ để các tập đoàn quốc tế hiểu rõ vấn đề, việc lợi dụng sản phẩm toàn cầu để cài cắm những yêu sách phi pháp là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

Mặc dù sau đó, đã có nhiều ý kiến cho rằng, do Trung Quốc không chấp nhận các phần mềm, các nền tảng công nghệ của phương Tây, bao gồm cả Google. Vì thế,  bất cứ công ty quốc tế nào có hoạt động kinh doanh ở Trung Quốc đều phải sử dụng các sản phẩm công nghệ của nước này, trong đó có cả phần mềm về bản đồ, mạng xã hội... 

Các phần mềm của Trung Quốc đã thể hiện những nội dung tuân theo các quan điểm chính trị của Trung Quốc và do đó, nếu sử dụng các phần mềm này thì đồng nghĩa với việc là chấp thuận các nội dung mà họ quy ước, ví dụ như bản đồ có thể hiện "đường lưỡi bò" phi pháp.

“Việc Trung Quốc kiểm soát các phần mềm thuộc bản quyền của họ như vậy dẫn đến việc bản đồ H&M đưa lên trang web của Baidu thì phải sử dụng bản đồ Trung Quốc vẽ. Trong trường hợp này, không chỉ H&M mà gần như tất cả các công ty hoạt động tại Trung Quốc chỉ cần chấp thuận việc sử dụng Baidu thì đều sử dụng bản đồ như vậy”. - ThS. Hoàng Việt - giảng viên ĐH Luật TPHCM, nhà nghiên cứu chuyên về biển Đông giải thích.

Có thể thấy, mặc dù Tòa trọng tài quốc tế (PCA) năm 2016 đã phán quyết bác bỏ bản đồ “đường lưỡi bò” do Trung Quốc đưa ra để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nhưng Trung Quốc vẫn dùng mọi thủ đoạn để tiếp tục tuyên truyền bản đồ phi pháp này. Điển hình mới đây nhất là việc gây áp lực lên các hãng du lịch, thời trang, các doanh nghiệp hoạt động trong nước, buộc họ phải hiển thị trên bản đồ các khu vực lãnh thổ mà nước này đơn phương tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.

"Các thương hiệu quốc tế đang đứng ở lựa chọn khó khăn nhưng họ cần được biết thị trường Việt đang là thị trường tiêu thụ khá lớn cùng với ASEAN, chúng ta lại được nhiều nước khác ủng hộ". TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu, Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho biết và cho rằng, Việt Nam cần lên tiếng mạnh mẽ để các tập đoàn quốc tế hiểu rõ vấn đề, việc lợi dụng sản phẩm toàn cầu để cài cắm những yêu sách phi pháp là hành vi vi phạm luật pháp quốc tế.

"Ngay về mặt xúc cảm, nhiều nước đang ủng hộ Việt Nam. Bản thân người tiêu dùng ở nước khác họ cũng phản ứng khá tiêu cực đối với nhãn hiệu đấy. Đứng về mặt chính trị, các lãnh đạo châu Âu, Mỹ cũng rất nhạy cảm đối với vấn đề đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ phi pháp của Trung Quốc. Vì vậy, chúng ta cần tận dụng điều này để đưa ra đối sách", TS. Võ Trí Thành nói.[3]

“Đường lưỡi bò” được xem là một dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông. Tháng 5/2009, Trung Quốc tiếp tục lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông với việc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc tấm bản đồ “đường 9 đoạn” (hay còn gọi là đường lưỡi bò).

Theo đó, Trung Quốc đưa ra yêu sách chủ quyền đối với khoảng 2 triệu km2 diện tích biển và 13 km2 diện tích đất trên Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.

Và Trung Quốc đã cố gắng tìm cách hợp thức hóa “đường lưỡi bò” đó bằng các văn bản chính thức, gửi lên các cơ quan tổ chức Liên Hợp Quốc.

Mặt khác, họ tìm cách tiến hành trên thực địa các hoạt động nhằm dành lấy sự công nhận yêu sách phi lý đó. Họ xúc tiến ngày càng mạnh mẽ, đây cũng là một bằng chứng hết sức rõ ràng Trung Quốc đang có tham vọng độc chiếm Biển Đông.

----------------------------------------

Tham khảo

[1] https://enternews.vn/vu-h-m-dang-anh-co-duong-luoi-bo-lan-song-keu-goi-tay-chay-h-m-dang-lan-rong-194532.html

[2]https://datviet.trithuccuocsong.vn/kinh-te/doanh-nghiep/phan-doi-hanh-dong-cua-hampm-suc-manh-nguoi-dung-3430130/

[3] https://enternews.vn/duong-luoi-bo-nup-bong-hang-hieu-chieu-thuc-tham-hiem-cua-trung-quoc-194684.html 

Có thể bạn quan tâm

  • Đường lưỡi bò "núp bóng" hàng hiệu: Chiêu thức thâm hiểm của Trung Quốc!

    05:00, 07/04/2021

  • Chuyện các thương hiệu thời trang đăng tải “đường lưỡi bò”

    06:34, 05/04/2021

  • Nghi vấn H&M đăng ảnh có "đường lưỡi bò": Làn sóng kêu gọi tẩy chay H&M đang lan rộng!

    14:37, 03/04/2021

  • Chiến lược “đường lưỡi bò” vẫn âm ỉ

    05:28, 22/03/2021

  • Trung Quốc nên từ bỏ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông

    05:00, 21/09/2020

  • Vụ Netflix chiếu phim có "đường lưỡi bò": Sẽ xử lý nếu còn vi phạm!

    05:00, 15/09/2020

  • Cần sớm đập bỏ “vũ khí mới” trong chiến lược “đường lưỡi bò” của Trung Quốc

    04:07, 01/08/2020

  • Phát tán “Đường lưỡi bò” bị phạt 30 triệu đồng: Có đủ sức răn đe?

    14:20, 22/05/2020

  • “Đường lưỡi bò” liên tiếp xuất hiện: Đừng chủ quan, hãy hành động ngay!

    02:02, 11/11/2019

  • CGV, trách nhiệm xã hội & đường lưỡi bò

    09:21, 10/11/2019

BẢO LAM