COVID-19: Mất cảnh giác sẽ phải trả giá đắt!

BẢO LAM 04/05/2021 04:30

Tính đến sáng 4/5, cả thế giới đã có 154.132.930 ca mắc COVID-19, trong đó 3.225.870 ca tử vong. Tại Việt Nam, cũng đã xuất hiện hàng loạt ca mắc COVID-19 lây lan trong cộng đồng.

Đáng chú ý, nhiều biến chủng của SARS-CoV-2 đã có mặt ở Việt Nam, trong đó có cả biến chủng COVID-19 “đột biến kép” tại Ấn Độ.

Người dân tắm biển tại Vũng Tàu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Người dân tắm biển tại Vũng Tàu trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5.

Trong những ngày qua, người dân trên cả nước “đứng ngồi không yên” vì dịch COVID-19 lại bùng phát trong cộng đồng.

Nguyên nhân khởi phát từ bệnh nhân COVID-19 số 2899 tại Hà Nam đã không tuân thủ quy định cách ly tại nhà, vẫn tiếp xúc với người khác để dịch bệnh lan mạnh tới nhiều người.

Các chuyên gia y tế cho rằng, bệnh nhân này không chỉ vi phạm các quy định về phòng dịch, mà còn không thực hiện đúng các quy định trong thời gian cách ly.

Như vậy, sau hơn 100 ngày không có ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng (kể từ ngày 27/1/2021), tính từ 27/4 đến 18h ngày 03/5, Việt Nam đã có 37 ca mắc COVID-19 mới.

Để bùng phát dịch COVID-19 tại Việt Nam không thể không thừa nhận do sự chủ quan của nhiều cá nhân, tập thể, trong đó trách nhiệm lớn hơn thuộc về các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương.

Mặc dù trong thời gian qua, Ban Bí thư đã có Công điện chỉ đạo; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã luôn tập trung lãnh đạo, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành quyết liệt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy tại nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn có tâm lý lơ là, mất cảnh giác, không thực hiện đúng các quy định về phòng chống dịch, nhất là trong khâu quản lý, giám sát y tế trong và sau cách ly tập trung đối với bệnh nhân mắc COVID-19.

Tụ tập đông người chính là đang "tiếp tay", "cánh tay nối dài" cho dịch COVID-19 lây lan xa hơn.

Cụ thể, trước kỳ nghỉ lễ dài ngày, trong cộng đồng đã có ca mắc COVID-19 mới, các cơ quan chức năng của cả trung ương và địa phương liên tục cảnh báo nhưng rất đông người dân không nêu cao cảnh giác.

Cứ nhìn những bãi biển, những nơi vui chơi giải trí, quán ăn nhà hàng đông nghẹt người trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua mà hoang mang, lo sợ. Trong cả biển người ấy, có bao nhiêu người không đeo khẩu trang, có bao nhiêu người là F đều có thể có nguy cơ lây nhiễm COVID-19.

Không lo sợ sao được khi mà chính Vũng Tàu ngày 2/5 cũng phải đi tìm F1, còn Sầm Sơn thì thìm người tham gia Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn. Tức là, không cần tưởng tượng là “nhỡ có F” mà thực tế, hoàn toàn có thể có F ngay trong đám đông ào ạt du lịch kia.

Mặc dù thông điệp 5K của Bộ Y Tế là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung – Khai báo y tế. Nhưng với “thác người” đổ đến các bãi biển, các khu du lịch trong mấy ngày vừa qua, thử hỏi trong 5K trên, có bao nhiêu K các điểm du lịch nơi tập trung đông người có thể đạt được, trong khi đó 2K khá quan trọng là khoảng cách và không tập trung đã bị phá vỡ.

ffff

Người nhập cảnh vào Việt Nam dù có "hộ chiếu vaccine" vẫn bắt buộc phải cách ly theo quy định. Ảnh: Quốc Tuấn

Hãy nhìn bài học ở các nước đang có dịch bùng phát mạnh, cụ thể là Ấn Độ để thấy, chỉ một sự kiện tập trung đông người khi có ca lây nhiễm đã gây thiệt hại đến tính mạng con người, của cải vật chất cho đất nước như thế nào.

Việc người dân lơ là, mất cảnh giác đã rất nguy hiểm rồi, còn các cơ quan chức năng thì sao?

Còn nhớ, cách đây vài ngày, khi Hà Nội phát hiện ca mắc COVID-19 nhưng lãnh đạo TP không liên lạc được với lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội).

Cụ thể, tại cuộc họp vào chiều 30/4, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội - bức xúc: "Liên hệ với anh (lãnh đạo CDC Hà Nội) rất khó. Lúc "dầu sôi lửa bỏng" thế này mà không gọi được. Thấy có cuộc gọi nhỡ không gọi lại. Rất là lạ!".

Nói lại để thấy, đây không phải là lần đầu tiên có những việc vô trách nhiệm, thờ ơ và tai tiếng như trên ở CDC Hà Nội.

Hẳn nhiều người vẫn chưa quên, ngày 12/12/2020, sau 3 ngày xét xử và nghị án, TAND thành phố Hà Nội đã đưa ra phán quyết đối với 10 bị cáo trong vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại CDC Hà Nội.

Theo đó, hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên phạt bị cáo Nguyễn Nhật Cảm (cựu Giám đốc CDC Hà Nội) 10 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Nhắc lại vụ việc vi phạm quy định đấu thầu ở CDC Hà Nội để nhấm mạnh rằng, lãnh đạo TP Hà Nội và Bộ Y tế cần chấn chỉnh công tác nhân sự, công tác tổ chức ở CDC Hà Nội, một cơ quan quan trọng trong hệ thống phòng, chống dịch bệnh ở Thủ đô.

Đất nước đã trải qua 3 đợt dịch bệnh bùng phát trong cộng đồng. Tuy nhiên, trong những tháng ngày gian nan ấy, chúng ta vẫn kiên trì thực hiện mục tiêu kép là vừa phòng chống dịch COVID-19 vừa khôi phục, phát triển sản xuất.

Chính vì thế, số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ít, số ca tử vong do COVID-19 cũng rất ít. Kinh tế đất nước chẳng những không bị gãy đổ, ngược lại vẫn tăng trưởng dương 2,91%. Đó là thành tựu hết sức tự hào, là cơ sở vững chắc để năm 2021 này sẽ đạt được mức tăng trưởng GDP 6,5%.

Để giữ được thành tựu này, kiên quyết đẩy lùi bệnh dịch trong đợt bùng phát thứ 4 này, ý thức tự đề phòng của từng người dân Việt Nam được coi là "nền tảng", còn vaccine là “vũ khí” hiệu quả để tạo miễn dịch cộng đồng và cũng là để dập dịch.

Ý thức tự vệ và những giải pháp y tế dự phòng đúng đắn cùng với vaccine là hai gọng kìm kiềm chế, tiêu diệt virus. Thiếu một trong hai yếu tố đó thì chống dịch sẽ rất khó khăn.

Với Việt Nam, từ một nền y tế dự phòng tốt cộng với tạo được ý thức phòng chống dịch của người dân cả nước, chúng ta đã nhanh chóng phong tỏa, khống chế và dập dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng và cũng không kéo dài. 

Tuy nhiên, chúng ta biết rằng, vẫn phải có vaccine, vì đó là vũ khí hiệu quả quyết định thắng lợi cuối cùng của trận chiến chống dịch. Nhất là trong bối cảnh thế giới vẫn rơi vào khủng hoảng do dịch bệnh.

Chính vì thế, Nhà nước đã quyết định nhanh chóng nhập khẩu vaccine ngừa Covid-19 đồng thời khuyến khích và đẩy nhanh tiến độ phát triển vaccine của chính chúng ta.

Dự kiến vào tháng 9/2021, Việt Nam sẽ “cho ra lò” lô vaccien đầu tiên. Điều đó cho thấy quyết tâm của Việt Nam cũng như năng lực y học của Việt Nam.  

Trong lúc chờ vaccine made in Vietnam "ra lò", tại thời điểm này, các địa phương cần nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Y tế.

Theo đó, các tỉnh, thành phố phát hiện có trường hợp nhiễm bệnh khẩn trương, thần tốc truy vết nhanh, khoanh vùng gọn, cách ly ngay, điều trị tích cực và dập dịch triệt để, sớm ổn định tình hình và tâm lý cho nhân dân. Đồng thời, tổ chức tiêm phòng, lấy mẫu, xét nghiệm trên diện rộng, kiên quyết không để dịch lây lan nhanh.

Về phía người dân, cần hạn chế tham dự các sự kiện đông người, áp dụng thông điệp 5K, của Bộ Y tế, đây là việc làm có ý nghĩa quyết định trong phòng, chống dịch COVID-19 cũng như duy trì thành quả phòng, chống dịch. 

Đặc biệt, tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch; không được bao che, tiếp tay cho những người nhập cảnh trái phép, phát hiện sớm, thông báo ngay cho chính quyền cơ sở để có biện pháp ngăn chặn.

Việc lơ là, chủ quan, mất cảnh giác chắc chắn sẽ phải trả giá đắt. Bài học này chúng ta từng trải qua rất vất vả khi đợt dịch lần thứ 2 bùng phát liên quan đến các ca mắc COVID-19 nhập cảnh nhưng không khai báo y tế và đi du lịch, tiếp xúc rất nhiều người.

Do đó, có thể khẳng định, hành động có trách nhiệm của người dân trong thời điểm này sẽ góp phần vào chiến thắng dịch COVID-19. Xin hãy nhớ, giữ an toàn cho cộng đồng cũng chính là giữ an toàn cho bản thân, gia đình mỗi người và cho xã hội, đất nước. 

Mọi người hãy nâng cao ý thức “chống dịch COVID-19 như chống giặc”, để đất nước được bình yên nhé!

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng ra công điện chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19

    03:30, 03/05/2021

  • Đà Nẵng tạm dừng nhiều hoạt động dịch vụ để phòng dịch COVID-19

    01:16, 03/05/2021

  • COVID-19 khiến Pháp sắp thiếu… rượu vang

    13:08, 02/05/2021

  • Đà Nẵng khẩn trương truy vết các trường hợp liên quan đến chuyên gia Trung Quốc mắc COVID-19

    12:31, 02/05/2021

  • Thủ tướng yêu cầu làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân gây ra "ổ dịch COVID-19" ở Hà Nam

    02:15, 02/05/2021

  • COVID-19: Thủ tướng kêu gọi toàn thể nhân dân tự giác thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch

    15:51, 01/05/2021

  • COVID-19: Hơn 20 F1 tại Hà Nội đang "nghỉ lễ" ở nhiều tỉnh thành

    10:17, 01/05/2021

  • Thêm 14 ca mắc COVID-19, dịch bệnh phức tạp hơn tại Hà Nội và Hà Nam

    19:40, 30/04/2021

  • 4 khả năng khiến ca "siêu lây nhiễm" ở Hà Nam mắc Covid-19

    14:15, 30/04/2021

  • Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp khẩn về phòng chống dịch COVID-19

    09:22, 30/04/2021

  • Bộ trưởng Bộ Y tế: Dịch COVID-19 ở Hà Nam mức độ tấn công, lây nhiễm nhanh

    02:00, 30/04/2021

BẢO LAM