Đồng khởi giáo dục
Hơn lúc nào hết, Việt Nam cần một cuộc đồng khởi giáo dục mà theo tôi hiện nay không chỉ cần thiết mà còn rất thuận lợi.
Khát vọng hùng cường của dân tộc chỉ có thể thành công trên nền tảng một cuộc đồng khởi giáo dục.
Thật ra, chính xác hơn phải gọi là cách mạng giáo dục. Cách mạng, vì trong bối cảnh thế giới đang chuyển động như vũ bão và sự phát triển kinh tế xã hội năng động của đất nước với những kỳ vọng lớn lao chưa từng có của nhân dân, những điều chỉnh, cải cách mang tính tình thế không có nhiều tác dụng. Nền giáo dục không thể vận hành theo lối cũ, cũng không thể chậm chạp lâu hơn nữa. Chính vì nhận thức được điều đó, hội nghị Trung ương 8 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 29, ngày 4 tháng 11 năm 2013 về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”. Đổi mới căn bản và toàn diện là gì nếu không phải là cách mạng?
Đồng khởi trước hết là đồng lòng
Nhưng hãy tạm dùng từ đồng khởi. Cuộc đồng khởi giáo dục đầu tiên và thành công nhất chính là phong trào xóa nạn mù chữ và bình dân học vụ ở giai đoạn đầu tiên trong lịch sử ngành giáo dục hiện đại còn khá non trẻ của chúng ta. Nhìn lại cái mốc 3/9/1945, khi Hồ Chủ Tịch, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam mới, kêu gọi diệt giặc dốt cùng với giặc đói và giặc ngoại xâm, ta sẽ thấy thành tích thật đáng tự hào. Từ một quốc gia trên 90% mù chữ, chúng ta hiện nay là quốc gia có trên 90% dân số biết chữ, một chỉ số ngang với những quốc gia phát triển nhất. Từ chỗ chỉ có một trường đại học với số sinh viên ít ỏi, chúng ta hiện có hàng trăm trường đại học, hàng triệu người tốt nghiệp đại học và hàng vạn thạc sĩ, tiến sĩ.
Những thành tích này còn đáng khâm phục hơn nếu ta nhớ lại những khó khăn khi đó. Trong cuộc họp giữa Hồ Chủ Tịch với Bộ Giáo dục, Bộ trưởng Vũ Đình Hòe đưa ra bài toán: “Cứ dạy cho một người biết đọc, biết viết trong ba tháng phải tốn ít ra là 6 đồng. Dạy cho 10 triệu người trong một năm phải tiêu hơn 60 triệu đồng tiền sách vở, giấy bút. Nếu trả lương giáo viên thì phải thêm 10 triệu đồng nữa vì phải cần đến 10 vạn giáo viên, mỗi giáo viên có thể dạy 100 học sinh trong một năm”.
Ông Vũ Đình Hoè kể lại: sau khi bàn bạc, hội nghị cùng bàn bạc "đi đến thống nhất: về khoản chi cho giáo viên thì không phải tốn vì phong trào sẽ không ai nhận tiền lương. Còn về con số 10 vạn giáo viên thì tính ra cả nước có 57 tỉnh, mỗi tỉnh phải tự tổ chức 2.000 giáo viên, mỗi tỉnh có khoảng 800 làng, mỗi làng phải tự túc lo bảy giáo viên... Căng nhất vẫn là khoản chi 60 triệu đồng để mua sách vở, ông Hòe đề nghị: “Trong lúc ngân sách còn eo hẹp, các lớp bình dân học vụ có thể dùng phấn hay gạch để viết xuống đất, chi phí sẽ rút xuống còn 2 đồng chứ không phải 6 đồng như trước đây, vậy Chính phủ có thể trả 5 triệu đồng cho khoản đó không?”. Bộ trưởng Tài chính Phạm Văn Đồng đang ngồi bên dưới trả lời ngay: “được!”. Cả hội trường vỗ tay hoan nghênh. Ông Hòe thừa thắng xông lên: “Còn 15 triệu nữa, chi phí này ta không nhờ Chính phủ mà sẽ trông vào nhân dân, mỗi làng tự lo 1.000 đồng một năm có được không?” Các đại biểu từ khắp nơi về dự đều hô to: được... được...".
Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí
Người biết nhiều giúp người biết ít, người biết ít biết người chưa biết, nền giáo dục của chúng ta bắt đầu bằng một cuộc đồng khởi với ý chí và sức mạnh của cả dân tộc như thế. Về bản chất, đó là một cuộc giúp nhau học tập vĩ đại, không chỉ ở những lớp học bổ túc, không chỉ qua hoạt động của Nha bình dân học vụ, mà ở mọi ngành, mọi cấp. Tôi còn nhớ, khi tôi lên 5, đi học lớp vỡ lòng ở Vĩnh Phú, cô giáo tôi mới tốt nghiệp lớp 4. Khi tôi học lớp 5, cố giáo chủ nhiệm của tôi mới tốt nghiệp "7+2". Khi tôi học lớp 8, cô giáo tôi tốt nghiệp hệ "10+3".
Hình thức cuốn chiếu này còn tiếp tục ở bậc đại học khi đại đa số các giảng viên đại học chỉ là những người tốt nghiệp đại học được giữ lại dạy tại trường. Tình hình hiện nay về thực chất vẫn chưa thay đổi nhiều lắm, mặc dù nhiều giảng viên đã được tạo điều kiện "chuẩn hóa" để có bằng cấp trên đại học.
Sự phát triển "cuốn chiếu" như vậy đã góp phần quyết định vào việc đào tạo nhân lực và nâng cao dân trí, nhưng cũng tiềm ẩn những mặt tiêu cực. Ngày nay, khi con người Việt Nam không còn quanh quẩn ở làng xã với cây đa bến nước, mà phải đối mặt, phải cạnh tranh với các đồng nghiệp trên thế giới, những yêu cầu cao hơn về kỹ năng lao động, quản lý và hưởng thụ đang được đặt ra. Xã hội Việt Nam đã trưởng thành đáng kể, không còn bằng lòng với nền giáo dục truyền thụ thông tin đơn thuần, với những chương trình "cuốn chiếu", trong đó người thầy chỉ là người học trước. Đó là một trong những nguyên nhân của sự khủng hoảng giáo dục hiện nay mà để giải quyết, theo tôi, cần có một cuộc đồng khởi giáo dục mới.
Đồng khởi giáo dục dĩ nhiên là khó khăn, nhưng theo tôi, thuận lợi lớn hơn rất nhiều. Thử hỏi, có lĩnh vực nào được xã hội quan tâm và được đầu tư nhiều như giáo dục? Có thể nói rằng mọi gia đình đều sẵn sàng đầu tư, thậm chí là đầu tư phần lớn nguồn lực của mình, cho giáo dục. Chúng ta đang ở thời điểm chín muồi của một cuộc đồng khởi – hay cách mạng – giáo dục, khi yêu cầu thời đại trở nên bức thiết, khi toàn dân mong muốn và sẵn sàng đầu tư cho sự đổi thay, khi tiềm lực của tổ quốc đã lớn hơn rất nhiều, khi nền giáo dục cũ không còn có thể vận hành như cũ nữa.
Vậy chúng ta cần gì? Câu trả lời: cần những nhà lãnh đạo giáo dục xứng đáng với công cuộc vĩ đại này.
Có thể bạn quan tâm
Vén màn “mảng xám” giáo dục
09:22, 22/04/2021
“Mòn mỏi” chờ hướng dẫn, giáo dục nghề nghiệp “kêu cứu” Thủ tướng
16:33, 29/03/2021
Google nhăm nhe “làm cách mạng” giáo dục
05:08, 20/03/2021
Một góc nhìn về giáo dục thời COVID-19
05:30, 01/03/2021
Bàn về sự tôn nghiêm trong giáo dục
11:00, 19/02/2021