Ngày của Mẹ nghĩ về tình mẫu tử
Tình mẫu tử - thứ tình cảm thiêng liêng ấy không hữu hình như cơm ăn áo mặc hằng ngày nhưng thiếu nó, ắt hẳn không đứa con nào có thể lớn lên toàn vẹn.
Con người sống trong xã hội luôn bị ràng buộc bởi các mối quan hệ. Nhưng trong đó mối quan hệ đẹp nhất, ý nghĩa nhất chính là mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Nếu cha thường được gợi nhớ đến những hình ảnh có phần cứng nhắc và nghiêm khắc thì hình ảnh người mẹ thường được nhớ đến với những hình ảnh thân thương nhất hiền dịu nhất, với tên gọi thiêng liêng: Tình mẫu tử!
Chín tháng cưu mang ta từ khi ta chưa nên dáng nên hình. Rồi đến khi mẹ phải chịu bao nhiêu đau đớn để mang ta đến thế giới này một cách bình yên nhất. Khi con còn bé thơ, chập chững tập đi tập nói, thì mẹ sẽ đứng ra chở che cho con, cản lại những sóng gió cuộc đời, tặng con một tuổi thơ yên bình, ấm áp. Nhìn thấy gương mặt trẻ thơ của ta là mọi đau đớn đều tan biến đi.
Công lao sinh thành đã đáng quý thì công lao dưỡng dục còn đáng quý hơn. Khi con lớn lên từng bước vào đời, mẹ vẫn luôn ở phía sau âm thầm dõi theo con. Mẹ vẫn làm việc vất vả, lo lắng cho gia đình, cho thằng con trai đang học xa trên thành phố với bao khó khăn, lo lắng cho đứa con gái xa nhà dễ bị nhiều cám dỗ nó...
Tình mẫu tử còn đồng nghĩa với tình bao dung vô hạn. Dù con có phạm sai lầm điều gì đi nữa, dù cả thế giới có quay lưng với con, dù con có đi xa đến đâu… chỉ cần quay đầu lại, mẹ vẫn luôn ở đó vì mẹ là nhà, là yêu thương, mẹ vẫn sẵn sàng ôm con vào lòng, tha thứ cho con tất cả.
Vì thế, đâu đó trong cuộc sống này chúng ta có thể dễ dàng thấy hình ảnh những người mẹ tóc bạc phơ, tấm lưng còng xuống vẫn cần mẫn tay xách nách mang các thứ vào trại giam thăm những đứa con lầm lỡ.
Tình mẫu tử còn là sự hy sinh. Chúng ta có thể thấy những tấm gương vượt khó, những học sinh vùng nông thôn nghèo đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học, nhưng mấy ai thấy rằng phía sau đó là những người mẹ chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chắt chiu từng đồng để nuôi con ăn học.
Còn có bao nhiêu người phụ nữ ngoài kia, vốn có thể hưởng thụ một cuộc sống an nhàn, sung túc nhưng vẫn lao vào lam lũ kiếm tiền để cho con có một tương lai tốt đẹp hơn. Sự hy sinh của mẹ chẳng ai có thể diễn tả hết bằng lời, nó đi vào tục ngữ Việt Nam: Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá. Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi!
Tình mẹ thiêng liêng là thế, nó không phải thứ tình cảm giản đơn, mềm yếu mà là sức mạnh, là phép nhiệm màu của loài người. Thế nhưng xung quanh ta vẫn có nhiều câu chuyện đáng buồn. Chẳng hạn:
Khi thơ dại, ta đã từng làm phiền mẹ hàng chục lần chỉ với một câu hỏi lặp đi lặp lại nhưng mẹ vẫn sẵn sàng trả lời… nhưng khi khôn lớn một chút, ta lại thấy mẹ thật phiền phức vì điều đó.
Rồi cũng có khi ta kiếm tiền để xây đắp gia đình, nhưng rồi chính mục đích ấy lại khiến cuộc sống mưu sinh đẩy ta dần xa gia đình hơn. Bên cạnh đó, có những đứa con khi trưởng thành nhưng lại không báo hiếu cha mẹ. Họ xem việc báo hiếu ấy là một gánh nặng và đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão. Thay vì những suy nghĩ chăm sóc và báo hiếu mẹ cha thì lại tống khứ “cái rắc rối không gỡ ra được” ấy vào những nơi “cô đơn đến tận cùng”.
Đó là những câu chuyện buồn trong thế giới hiện đại. Con người đang dần xa rời nhau, họ sống hưởng thụ ích kỷ chỉ quan tâm cho riêng mình mà quên mất những giá trị cốt lõi, quên đi tình mẫu tử thiêng liêng dường nào, quên đi cần phải báo hiếu mẹ cha…v..v.
Dừng ở đây, hẳn trong mỗi chúng ta cũng thấy bản thân và người mẹ của mình thấp thoáng đâu đó đằng sau mỗi câu chuyện mà người viết đề cập ở đây. Vâng! Có thể nói, con cái có thể lãng quên cha mẹ nhưng cha mẹ không bao giờ lãng quên hay bỏ rơi chúng ta, bởi “nước mắt có bao giờ chảy ngược”.
Không biết ngoài mùng 8/3 và 20/10 ra còn một “Mother’s day” như thế này nữa đâu mẹ nhỉ? Dù trong những ngày quan trọng với mẹ, con có mua hoa, mua quà tặng thì mẹ cũng sẽ cười rồi bảo: “Cha bố anh, tiền đâu mà vẽ”. Mẹ là thế, không bao giờ nghĩ cho mình mà luôn dành những điều tốt đẹp nhất cho chúng con.
Cảm ơn cuộc đã cho con được làm con của mẹ, cảm ơn vì con còn có mẹ để được yêu thương và cảm ơn vì tất cả những tình yêu thương, chăm sóc, công lao nuôi nấng to lớn của mẹ đã dành cho con. Tình mẹ lúc nào cũng đong đầy, bao la như biển Thái Bình, không bao giờ ngừng nghỉ.
Vậy nên xin hãy nhớ: Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không?
Có thể bạn quan tâm
"Món quà" của Mẹ...
05:30, 09/05/2021