Nguy cơ “chiến tranh nóng” trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc

SÔNG HÀN 18/05/2021 05:30

Không có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ và Trung Quốc thực sự muốn tình huống xấu xảy ra. Tuy nhiên, với căng thẳng gia tăng, mọi tính toán sai lầm có thể dẫn đến những hậu quả khó lường.

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (trái), tàu tấn công đổ bộ USS Boxer và các tàu liên quan của Mỹ hoạt động ngày 6/10/2019 trên Biển Đông. (Nguồn: AFP)

Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan (trái), tàu tấn công đổ bộ USS Boxer và các tàu liên quan của Mỹ hoạt động ngày 6/10/2019 trên Biển Đông. Nguồn: AFP

Mới đây, “Baoquocte.vn” dẫn từ trang mạng Politico ngày 13/5 đăng bài phân tích của cựu Đô đốc Hải quân Mỹ James Stavridis, từng là Tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang NATO, trong đó nhận định rằng hiện không có nguy cơ xảy ra chiến tranh trên bộ ở châu Á, song khả năng xảy ra một trận chiến trên Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc đang tăng lên.

Những hành động đơn phương của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua là minh chứng không thể chối cãi. Nhất là sau khi quan chức và truyền thông Philippines công bố thông tin về việc tàu Trung Quốc tập kết với số lượng lớn tại Đá Ba Đầu vào tháng 3/2021. Hành động này đã và đang đẩy căng thẳng gia tăng trên Biển Đông.

Thực tế, đã có rất nhiều cơ chế để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc giữa Mỹ và Trung Quốc. Hai quốc gia này cùng 19 nước khác đã tham gia Bộ Quy tắc ứng xử cho những cuộc chạm trán ngoài ý muốn trên biển (CUES) với một giao thức đã được chuẩn hóa về quy trình đảm bảo an toàn. Các quan chức Hải quân Mỹ cho biết họ đã liên lạc chặt chẽ hơn với quân đội Trung Quốc, đảm bảo CUES được thực thi.

Tuy nhiên, những quy tắc này không áp dụng với lực lượng bảo vệ bờ biển hoặc dân quân biển, vốn đang được Trung Quốc sử dụng rộng rãi để áp đặt yêu sách chủ quyền phi pháp đối với 80% diện tích của Biển Đông. Đó là cơ sở để Trung Quốc đẩy mạnh phát triển lực lượng này.

Vì thế, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc leo thang căng thẳng trên nhiều vấn đề, từ thương mại, dịch bệnh COVID-19,… đến vấn đề Hồng Kông, Đài Loan, thì hai cường quốc càng có nguy cơ cao rơi vào tình thế đối đầu quân sự. Đã có nhiều sự cố xảy ra giữa các lực lượng của Mỹ và Trung Quốc. Và không nơi nào tàu chiến, máy bay chiến đấu của họ lại “chạm trán” với tần suất nhiều như ở Biển Đông.

Bộ Quốc phòng Mỹ phản đối Trung Quốc tập trận trên Biển Đông. (Nguồn: SCMP)

Mỹ phản đối Trung Quốc tập trận trên Biển Đông. Ảnh: SCMP

Hẳn dư luận ai cũng nhận thấy rằng, với Mỹ, dù không phải là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông – tuyến hàng hải quan trọng đối với thương mại và vận chuyển quốc tế, nhưng nước này luôn khẳng định quyền tự do hàng hải ở khu vực biển quốc tế và hỗ trợ một số quốc gia nhỏ hơn đối phó với sự tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Theo đó, bên cạnh các tuyên bố ngoại giao, Mỹ cũng đã triển khai hiện diện quân sự liên tục tại Biển Đông trong cùng thời gian với hai nhóm tàu do tàu USS Theodore Roosevelt và Makin Island dẫn đầu. Hai nhóm tàu này ngày 9/4 cũng diễn tập  chung ở Biển Đông. Trước đó, ngày 6/4, tàu Theodore Roosevelt cũng tập trận chung với Malaysia trên Biển Đông..v..v.

Còn với Trung Quốc, bằng cách tuyên bố Biển Đông là lãnh hải, về mặt lý thuyết, Bắc Kinh có quyền kiểm soát giao thương, hạn chế sự hiện diện của tàu chiến và khai thác tài nguyên thiên nhiên theo ý muốn. Để củng cố tuyên bố này, Trung Quốc đang xây các đảo nhân tạo trên khắp khu vực để yểm trợ các sân bay, tên lửa, radar và căn cứ hậu cần.

Đồng thời, tư tưởng không ngừng “lấy thịt đè người”, gây áp lực đối với các nước mà Trung Quốc tranh chấp chủ quyền một cách bất hợp pháp như  Philippines, Việt Nam, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Singapore và các nước khác. Với chiến thuật mới là “dân quân biển và điều tàu bảo vệ bờ biển được trang bị vũ khí giống như một tàu hải quân tiêu chuẩn để hộ tống các tàu đánh cá.

Đáng chú ý, sự gia tăng các hoạt động trên Biển Đông được đẩy mạnh sau khi Bắc Kinh kiểm soát được dịch bệnh COVID-19. Trong đó, có việc hải quân Trung Quốc quay trở lại cảng ở đảo Hải Nam,  nối lại các cuộc tập trận trong khu vực. Giới quan sát cho rằng, quân đội hai nước đang tham gia vào một trò chơi “đuổi bắt” với những tình huống cận kề nguy hiểm.

Liên quan đến vấn đề này, ông Trịnh Vĩnh Niên - giáo sư Viện Nghiên cứu Đông Á (thuộc Đại học Quốc gia Singapore), từng bày tỏ quan ngại rằng: “Mối quan hệ Mỹ -Trung đang rơi tự do, được thúc đẩy bởi những nhân vật cứng rắn từ cả hai phía. Không còn nghi ngờ gì nữa, "chiến tranh lạnh" mới giữa 2 bên đang leo thang. Bây giờ mọi người bắt đầu lo lắng về nguy cơ “chiến tranh nóng” giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Có thể nói, quy mô và tầm quan trọng của Biển Đông là khó có thể tranh cãi. Biển Đông lớn hơn cả Vịnh Mexico và Biển Caribe cộng lại. Trong khi đó, Bắc Kinh đang vươn lên nhanh chóng và vào cuối thập kỷ hoặc sớm hơn sẽ ở vị thế thực sự thách thức Mỹ trên Biển Đông.

Vì vậy, những nghi ngại của cộng đồng quốc tế và các chuyên gia về nguy cơ “chiến tranh nóng” trên biển giữa hai cường quốc Mỹ - Trung là hoàn toàn có cơ sở và  có khả năng xảy ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Quốc tiếp tục công khai mưu đồ bá chủ Biển Đông

    05:00, 04/05/2021

  • Trung Quốc lại tập trận ở Biển Đông

    11:00, 26/04/2021

  • EU bất ngờ cảnh báo Trung Quốc về vấn đề biển Đông

    05:08, 26/04/2021

  • Philippines sẽ điều "tàu vỏ xám" đối phó Trung Quốc trên Biển Đông

    05:04, 21/04/2021

  • Bức ảnh hạm trưởng và vai trò của Mỹ ở Biển Đông

    05:26, 20/04/2021

  • Đang có quan hệ hữu hảo, vì sao Nhật Bản vẫn “nắn gân” Trung Quốc ở Biển Đông?

    04:50, 15/04/2021

  • Mỹ tiếp tục phản đối Trung Quốc đe dọa các nước ở Biển Đông

    14:40, 07/04/2021

  • Mỹ và các đồng minh "hợp lực" ngăn Trung Quốc thống trị Biển Đông

    11:00, 07/04/2021

  • Trung Quốc đang tổng lực chiếm Biển Đông!

    06:15, 07/04/2021

  • Trung Quốc tiếp tục “khiêu khích” ở Biển Đông

    04:00, 01/04/2021

  • Sách lược mềm dẻo ở Biển Đông

    05:30, 30/03/2021

SÔNG HÀN