Bản sắc và bản sao trong kiến trúc du lịch ven biển

LÊ VIỆT AN 27/05/2021 05:00

Các khu vực du lịch ven biển có thể tạo nên sức hấp dẫn từ nhiều sắc màu khác nhau.

Quê tôi nằm ở một xã ven biển ở miền Trung. Những năm gần đây, khi du lịch phất lên, với lợi thế có bờ biển cùng cảnh quan đẹp, chính quyền địa phương đã rất nhanh nhạy trong việc chuyển đổi để tạo sức hút trong du khách.

Họ khuyến khích các gia đình, trước mắt là các hộ làm du lịch, chọn tông màu sơn chính cho ngôi nhà là xanh dương và trắng, trước cổng được bao phủ bởi dàn hoa giấy.

Ngay đầu con đường lớn dẫn vào xã, có một nhà hàng vừa mới hoàn thiện cũng với 2 sắc xanh dương - trắng cùng mái vòm cong tròn và những cái cửa sổ đặc trưng của biển Địa Trung Hải.

Rất quy mô, rất đẹp, nhưng tôi thấy hụt hẫng vì cảm giác nơi đây khá giống nhiều điểm du lịch ven biển khác ở Việt Nam và cả trên thế giới.

Tôi phân vân không biết việc sao chép ý tưởng kiến trúc đó sẽ tạo nên điểm nhấn hay là làm mờ dần đi bản sắc văn hóa địa phương.

Mang theo thắc mắc đó, tôi đi tìm hiểu màu sắc thường được dùng trong kiến trúc của các làng du lịch ven biển.

Từ tông màu chủ đạo...

Đến các xứ sở du lịch nổi tiếng như Santorini (Hy Lạp) hoặc làng Sidi Bou Said (Tunisia), du khách sẽ bị mê hoặc bởi sắc màu nơi đây. Đó là sự kết hợp hài hòa giữa những mái nhà, cửa sổ, cổng vòm màu xanh dương nổi bật trên các bức tường quét vôi trắng, đan xen trong sắc hoa giấy đủ màu rực rỡ. Vì sao các vùng đất này lại có 2 màu xanh - trắng đặc trưng?

Xứ sở du lịch Santorini (Hy Lạp). Ảnh: Vân Hồ

Nhiều người nghĩ đây là tông màu nhã nhặn và rất hợp với biển. Nhưng thật ra, gác lại sự hòa hợp của kiến trúc nhân tạo với thiên nhiên, câu chuyện đằng sau nó mang ý nghĩa sâu sắc hơn nhiều.

Ở đất nước Tunisia, theo quan niệm của người Ả rập, màu trắng tượng trưng cho đất, màu xanh lục tượng trưng cho thiên đường, màu xanh lam tượng trưng cho sự may mắn hạnh phúc. Do đó, làng Sidi Bou Said tổng hòa các sắc màu trên với mong muốn mang lại một sự tốt lành cho người dân.

Trong khi đó, cư dân địa phương Santorini bảo rằng, hòn đảo này từng bị tranh chấp giữa Hy Lạp và đất nước láng giềng. Chính vì thế, toàn bộ dân trên trên đảo chỉ sơn nhà với hai màu xanh và trắng để khẳng định chủ quyền quốc gia mình (xanh và trắng là màu quốc kỳ Hy Lạp).

Điểm nổi bật nữa là cứ nửa năm, mọi người sẽ sơn lại một lần nên nhà cửa, giúp cho không gian luôn mới mẻ và đồng bộ. Chưa kể về các dịch vụ rất chuyên nghiệp ở đây, thì sự đồng nhất về quy hoạch như thế này cũng là cách thức để họ giữ được vẻ đẹp và hấp dẫn trong mắt du khách, xứng đáng là thiên đường du lịch.

Một số khu vực khác lại có lựa chọn đa dạng hơn nhiều. Du khách đến vùng Tây Bắc nước Ý hẳn không thể bỏ qua cụm 5 ngôi làng chài bên bờ Địa Trung Hải - làng Cinque Terre. Nơi đây gây ấn tượng bởi những ngôi nhà nằm cheo leo trên vách đá dựng đứng, hoang sơ, với đủ màu sắc sặc sỡ: vàng, hồng, cam, xanh, đỏ… hòa quyện với nhau.

UNESCO đã công nhận khu vực này là Di sản thế giới từ năm 1997. Ghé sang “bờ biển hoang dã” Costa Brava ở Tây Ban Nha, người ta lại dễ lóa mắt trước sắc trắng của các tường nhà và mái ngói cam vàng.

Gần đây nhất là hiện tượng một ngôi làng màu tím ở Hàn Quốc trở nên nổi bật trên nhiều trang báo lữ hành. Ngôi làng này nằm trên đảo Banwol-do thuộc tỉnh Nam Jeolla - còn gọi là đảo Trăng khuyết - một địa điểm thú vị cho các cặp đôi.

Nơi đây phủ kín một màu tím khắp mái nhà, ban công, lan can, một số đoạn vỉa hè, quán cà phê, bốt điện thoại… đủ các tông từ nhạt đến đậm. Chính quyền địa phương còn tiến hành trồng 40.000 cây oải hương và nhiều cây màu tím khác để lấp đầy không gian mộng mơ đó. Thậm chí, đồ dùng trong nhiều nhà hàng, nhà dân… cũng đồng bộ sắc màu này.

Như vậy, rõ ràng các khu vực du lịch ven biển có thể tạo nên sức hấp dẫn từ nhiều sắc màu khác nhau chứ không chỉ 2 màu trắng và xanh dương.

... nghĩ về bản sắc du lịch xứ ta

Quay lại với câu chuyện quê tôi. Trắng và xanh là màu của biển, của mây trời, có lẽ vì vậy tông màu mát mắt này được nhiều người lựa chọn để trang trí ở các ngôi nhà ven biển. Tuy nhiên, bê nguyên xi phong cách Địa Trung Hải, từ thiết kế đến màu sắc, vào kiến trúc địa phương thì lại trở thành một sự bắt chước. Con số đầu tư bỏ ra không nhỏ, tâm huyết của các vị lãnh đạo địa phương cũng lớn, nhưng tôi cứ đắn đo giữa 2 chữ bản sắc và bản sao.

Một số góc chụp tại Quy Nhơn, Bình Định. Ảnh: Lê Việt An

Giữ bản sắc là giữ lại mái ngói nâu đỏ, khoảng sân nhỏ có mẹ ngồi đan lưới câu. Nếu không thì có thể tạo ra bản sắc mới bằng cách đi tìm một gam màu khác. Còn làm bản sao có vẻ dễ dàng và an toàn vì độ thành công của phong cách ấy đã được chứng thực ở nhiều nơi. Với vẻ ngoài đẹp đẽ, chắc chắn các điểm du lịch này sẽ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, check in.

Tuy nhiên, về lâu dài, điều này không giúp ngành du lịch phát triển chiều sâu; thậm chí bản sao còn che lấp và làm mờ đi những nét bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. Người ta có thể sẽ quen với tên gọi so sánh “tiểu Địa Trung Hải” hoặc “tiểu Santorini ở miền Trung” hơn là một danh xưng riêng có, không phải dựa dẫm vào ai của làng chài thuở ban đầu.

Vân Hồ, cô bạn trẻ chuyên nghiên cứu về marketing và từng đi chu du nhiều nơi trên thế giới bày tỏ: “Sức quyến rũ của du lịch nằm ở sự khác biệt. Khách trong nước có thể hào hứng lúc đầu, nhưng sẽ nhanh chóng tìm đến điểm mới lạ hơn. Còn khách nước ngoài đến Việt Nam chắc hẳn sẽ thích thưởng thức những thứ mang đậm tính Việt Nam hơn là gặp lại một châu Âu, hay một Santorini ở đây”.

Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, một người nổi tiếng trong lĩnh vực thiết kế farmstay, nhận xét rằng việc giữ lại bản sắc là điều rất cần thiết đối với du lịch. Du khách châu Âu luôn trầm trồ thán phục trước những thửa ruộng bậc thang, những mái nhà sàn đơn sơ hay cảnh ngư dân giăng lưới đánh cá trên biển. Họ có thể ngạc nhiên khi bắt gặp kiến trúc Pháp được xây mới tại một quốc gia khác, nhưng không mấy hứng thú với việc quay lại lần sau.

Du lịch luôn đòi hỏi sự sáng tạo, tuy nhiên phải dựa trên nền tảng văn hóa vốn có. Việc bắt chước lẫn nhau, trở thành bản sao trong du lịch chỉ giúp tiết kiệm thời gian suy nghĩ ban đầu, nhưng dần dà sẽ làm mất đi tính sáng tạo.

Câu hỏi cuối cùng là những người làm du lịch có muốn phát triển bền vững, giữ được bản sắc hay chấp nhận ăn xổi ở thì với bản sao?

Có thể bạn quan tâm

  • Hạ Long (Quảng Ninh): Những con tàu du lịch “chìm dần”

    16:06, 23/05/2021

  • Đà Nẵng: Khách du lịch hủy tour, doanh nghiệp cần làm gì?

    16:00, 14/05/2021

  • Khách du lịch chuẩn bị gì khi đến Đà Nẵng vào dịp nghỉ lễ?

    00:25, 02/05/2021

  • Gần 40% số người trong ngành du lịch bị mất việc làm

    11:00, 27/04/2021

  • Miền Tây và Miền Trung "bắt tay" phục hồi du lịch

    04:19, 25/04/2021

  • Mong các ngành cùng vào cuộc để thúc đẩy ngành du lịch phát triển

    01:33, 24/04/2021

  • Đà Nẵng tìm cách "gỡ nút thắt" cho sản phẩm du lịch đêm

    07:02, 21/04/2021

LÊ VIỆT AN