Nghĩ về “công chức tinh hoa”
Để cải cách thể chế, cần người đứng đầu có tầm, có tâm, và đội ngũ cán bộ, công chức phải tinh thông, chuyên nghiệp.
“Cải cách thể chế, cải cách thể chế và cải cách thể chế” đang là khẩu hiệu hành động được nhiều nhà lãnh đạo đưa ra. Để làm được điều đó thì đòi hỏi những người đứng đầu phải có tâm, có tầm, có quyết tâm chính trị rất cao. Bên cạnh đó, cũng đòi hỏi phải có được đội ngũ cán bộ, công chức tinh thông, thạo việc, chuyên nghiệp.
Câu chuyện về “công chức tinh hoa” đang nhận được sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh Việt Nam đang cần được “cởi trói” mạnh mẽ về mặt thể chế để hội nhập phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời thay đổi được lề lối, tác phong làm việc chuyên nghiệp với mục tiêu “cái gì có lợi cho dân, cho nước thì làm, cái gì có hại thì hết sức tránh”.
Từ Đại hội VI của Đảng, chúng ta đã thật sự từ bỏ mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, mà đi theo mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Đảng và Nhà nước đã đề ra đường lối công nghiệp hóa đất nước, đã công nhận cơ chế thị trường, nhưng vẫn coi trọng vai trò quản lý của Nhà nước.
Tất cả các phần cấu thành quan trọng của một nhà nước kiến tạo phát triển đều đã được khẳng định trong đường lối phát triển của chúng ta. Có lẽ, chính vì thế, kinh tế nước ta đã có sự phát triển khá ngoạn mục trong thời gian vừa qua. Sau 35 năm đổi mới, quy mô nền kinh tế, cũng như thu nhập bình quân đầu người ở nước ta đã tăng đến hàng chục lần.
Tuy nhiên, vì sao Việt Nam vẫn chưa trở thành hổ, thành rồng như các nước Đông Bắc Á? Đó là những trăn trở, băn khoăn nhận được nhiều sự quan tâm của giới chuyên gia kinh tế, nhà nghiên cứu, khoa học từ trước tới giờ.
Trong một lần trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã cho rằng, do không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa nên không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển, nhằm hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa đất nước.
Một nguyên nhân cơ bản khác được ông Nguyễn Sĩ Dũng chỉ ra là chúng ta đã không có được một bộ máy hành chính, công vụ chuyên nghiệp và tài giỏi để hiện thực hóa chương trình công nghiệp hóa.
“Không có đội ngũ công chức hành chính tinh hoa, không thể vận hành hiệu quả mô hình nhà nước kiến tạo phát triển. Chủ trương cắt giảm bộ máy hiện nay là cơ hội để chúng ta loại bỏ bớt những công chức năng lực hạn chế ra khỏi bộ máy hành chính”, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói.
Hiện chúng ta có hai hệ thống do thuế của dân nuôi: Một là cán bộ, hai là công chức. Chúng ta cũng có hai hệ thống luật Cán bộ, Công chức quy định là hệ thống cán bộ và hệ thống công chức đều được dân nuôi giống nhau. Và quy trình lựa chọn dù có nhiều thay đổi tích cực nhưng vẫn để lại nhiều dấu hỏi, bất cập, nên khái niệm “công chức tinh hoa” như Tiến Sĩ Nguyễn Sĩ Dũng nói đến nay vẫn khó mà rạch ròi.
Từ đây cũng đặt ra một vấn đề: Để có “công chức tinh hoa” thì chúng ta phải làm gì? Xuyên suốt vấn đề là câu chuyện tuyển chọn cán bộ tài đức và quy trình của nó. Từ trước giờ và cả sau này cũng thế, tiêu chuẩn cán bộ vẫn cô đọng trong 2 chữ Tài Đức.
Các cụ xưa vẫn dạy nôm na: “Người có tài mà không đức là tiểu nhân”. Người có đức không tài vẫn là quân tử. Ở đời phải tập hợp được quân tử và phải tránh tiểu nhân. Đức vua Lê Thánh Tông nêu ra 5 tiêu chuẩn để chọn Lý trưởng cũng bao hàm đầy đủ 2 tiêu chí Đức và Tài, là: “Học lực sinh đồ. Gia tư hảo túc. Vật lực khả kham. Đức hạnh ôn hòa. Ngôn ngữ khả tín”.
Ở một xã hội hiện đại với nền dân chủ và dân trí ngày càng được nâng cao thì việc quản lý công không thể áp đặt công cụ cai trị cực đoan mà cần đề cao sứ mệnh phục vụ công chúng. Quan điểm “Nhà nước phục vụ, kiến tạo” được khái quát trong mô hình tương tác: nhà nước (người cung ứng) – công dân (khách hàng tiêu dùng).
Dẫu vậy, quan trọng nhất vẫn là phải lựa chọn cho được những người tài giỏi nhất vào bộ máy hành chính. Phải tiến hành thi tuyển nghiêm khắc nhất vào bộ máy hành chính nhà nước để chọn ra được đội ngũ cán bộ tinh hoa nhất.
Ở tầm chiến lược, nếu những người đảm nhiệm chức năng lãnh đạo và quản lý đất nước ở các cấp, nhất là cấp cao nhất, mà không tài giỏi thì sẽ dẫn dắt đất nước đi nhầm đường, tạo ra cơ chế làm việc phi khoa học, không xây dựng được môi trường làm việc phù hợp, không thể nhận biết được nhân tài, không biết đãi ngộ nhân tài đúng mức… Hậu quả là đất nước bị chậm phát triển so với các quốc gia khác, thu nhập của người dân thấp, đất nước không phát triển tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
Còn ở hệ thống vận hành, để có được “công chức tinh hoa”, điều quan trọng đầu tiên là phải xác lập môi trường chính trị pháp lý cần thiết, sau đó là môi trường làm việc tương thích với khả năng của nhân tài. Nếu không có môi trường phù hợp thì nhân tài không những không thể phát huy được khả năng, mà còn dần bị thui chột.
Điều này cũng có nghĩa, công chức tinh hoa là chỉ những người ưu tú nhất, thạo việc nhất, giỏi nhất thuộc giới công chức. Nhưng công chức vẫn là công chức, là người thừa hành, thực hiện những nhiệm vụ cụ thể.
Nên nhớ rằng, tinh hoa cũng là con người, không thể không phạm sai lầm, nhưng một hệ thống cầm quyền mà thiết kế không chuẩn, không phù hợp với quy luật phổ quát của xã hội thì “tinh hoa” mấy cũng hỏng.
Có thể bạn quan tâm
Tân Thủ tướng Phạm Minh Chính: Hoàn thiện thể chế, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng
16:40, 05/04/2021
Dấu ấn của Chính phủ về cải cách thể chế và chính phủ điện tử mở
10:35, 26/03/2021
Phát triển kinh tế thị trường và hoàn thiện thể chế
06:00, 12/03/2021
Thủ tướng “đối thoại 2045”: Chính phủ xây thể chế, tạo bệ đỡ cho doanh nghiệp phát triển
16:25, 06/03/2021
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc: Cần môi trường công bằng, thể chế thuận lợi để doanh nghiệp yên tâm "lớn"
15:44, 05/03/2021
Vận hội mới của đất nước nhìn từ Nghị quyết XIII: (Kỳ 3) Tạo đột phá thực sự về thể chế
11:00, 26/02/2021
VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG: Cải cách thể chế để chính sách đi vào lòng người
06:00, 13/02/2021
TS Nguyễn Đình Cung: Cải cách thể chế kinh tế là điều kiện tiên quyết
05:30, 09/02/2021
Đại hội XIII: Đại biểu Vũ Tiến Lộc đánh giá cao khái niệm xây dựng thể chế phát triển bền vững trong Văn kiện
14:03, 29/01/2021