Đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học: Triệt tiêu "bệnh" hình thức, lãng phí!

SÔNG HÀN 03/06/2021 05:15

Bằng cấp, chứng chỉ là một nền tảng để đào tạo nhưng bằng cấp, chứng chỉ cũng không hoàn toàn phản ánh năng lực thực chất của mỗi người.

Đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với công chức, viên chức

Bộ Nội vụ đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ và tin học đối với công chức, viên chức

Mới đây, Bộ Nội vụ vừa đề xuất lên Thủ tướng về việc bỏ quy định bắt buộc chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong công tác tuyển dụng và bổ nhiệm, nâng ngạch công chức, thăng hạng viên chức. Đề xuất này đang nhận được nhiều sự ủng hộ từ dư luận, trong đó có bộ phận cán bộ công-viên chức.

Trong báo cáo Bộ Nội vụ gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ này đề xuất bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức. Đồng thời, bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức.

Đề xuất trên không phải là sẽ bỏ hết quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên mà là điều chỉnh giảm số lượng chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên, giảng viên. Nhưng nếu làm được thì cũng là một điều đáng mừng vì nó giảm thiểu những thủ tục hành chính rườm rà, không cần thiết.

Mặc dù nâng cao năng lực, trình độ là nhu cầu quan trọng về năng lực cần đầu tư từ bậc học phổ thông. Tuy nhiên, không hẳn ngành nghề nào cũng yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Do đó mới dẫn đến thực tế đang tồn tại cái gọi là bồi dưỡng nhưng rất hình thức, không đem đến ích lợi gì cho người được bồi dưỡng. Công chức, viên chức tiếp cận việc bồi dưỡng là đối phó, để có chứng chỉ, để đủ một “hồ sơ nhãn mác” cán bộ, không phải là nhu cầu học tập thực sự. Câu chuyện loạn bằng cấp, chứng chỉ ở Đại học Đông Đô hồi cuối năm 2020 là một ví dụ điển hình. 

gggg

Nhiều giáo viên gặp khó khăn về đầu vào khi nhà trường yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ.

Riêng đối với giáo viên, nhiều giáo viên cho rằng yêu cầu phải có bộ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ, hoặc chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp… tồn tại bao nhiêu năm đã thực sự trở thành một cái vòng kim cô đeo trên đầu mỗi giáo viên và những người dự định thi tuyển vào ngành giáo dục.

Đáng buồn hơn, tại thời điểm này chỉ cần gõ vài dòng trên Google sẽ thấy xuất hiện hàng trăm, thậm chí hàng ngàn lời chào mời mua bán chứng chỉ ngoại ngữ tin học như bán rau muống ngoài chợ. Có người còn đặt câu hỏi vấn đề vô lý này liệu Bộ trưởng, các Thứ trưởng, Vụ trưởng các chuyên gia đầu ngành có biết không? Và câu trả lời chắc chắn là có.

Nhưng có một điều lạ vì một điều gì đó mà không ai dám lên tiếng. Sự im lặng của ngành giáo dục trong suốt thời gian dài qua, dù có một chút tích cực là buộc giáo viên phải tự học nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ dù biết chẳng để làm gì ở một số cấp.

Không chỉ câu chuyện yêu cầu về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp trong việc xếp hạng giáo viên đang được dư luận quan tâm, mà vừa qua còn xuất hiện câu chuyện hàng triệu viên chức của nhiều ngành nghề khác cũng ồ ạt đi thi, đi học để bổ sung các loại chứng chỉ vào hồ sơ của mình theo yêu cầu của các bộ chuyên ngành

Dĩ nhiên, trong Luật Viên chức không quy định chứng chỉ là tiêu chuẩn mà chỉ yêu cầu phải có văn bằng, chứng chỉ phù hợp khi tuyển dụng. Như vậy không có vấn đề gì vướng mắc ở luật với câu chuyện quy định yêu cầu hay không yêu cầu chứng chỉ của các bộ ngành. Nhưng ở đâu cũng thế, làm bất kể việc gì cũng phải có những tiêu chí, tiêu chuẩn. Muốn vào công tác ở một vị trí nào thì phải có một tiêu chuẩn nhất định.

Đáng mừng ở chỗ, Bộ GD-ĐT hoàn toàn thống nhất và đồng tình với nội dung báo cáo và các ý kiến mà Bộ Nội vụ đã đề xuất. Tại thời điểm này, việc rà soát và có những điều chỉnh quy định về công tác bồi dưỡng, cấp và sử dụng chứng chỉ bồi dưỡng đối với công chức, viên chức của tất cả các ngành, lĩnh vực là việc làm cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển và đòi hỏi của thực tiễn.

Có thể thấy, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc của các Bộ, ngành thời gian vừa qua cũng khẳng định cơ quan quản lý nhà nước các cấp đã thực sự cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến phản biện của dư luận xã hội, cũng như của các đối tượng trực tiếp chịu tác động của chính sách để xây dựng, điều chỉnh các chính sách đảm bảo vừa đúng quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn cuộc sống.

Và đây thật sự là một đề xuất hợp lòng cán bộ nói riêng và cả dư luận nói chung. Bởi suy cho cùng, bằng cấp, chứng chỉ là một nền tảng để đào tạo nhưng bằng cấp, chứng chỉ cũng không hoàn toàn phản ánh năng lực thực chất của mỗi người.

 “Một chiếc áo không làm nên thầy tu” là vì thế, quan trọng nhất vẫn là năng lực thực chất của mỗi người ở mỗi ngành nghề.

Có thể bạn quan tâm

  • Bộ Nội vụ đề nghị bỏ quy định bắt buộc về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học

    16:01, 01/06/2021

  • Sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên

    00:00, 03/12/2020

  • Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học sắp kết thúc "sứ mệnh lịch sử" sau 27 năm?

    03:00, 02/12/2020

  • Bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học: Chờ "cam kết" của Bộ trưởng Nhạ!

    05:00, 01/12/2020

SÔNG HÀN