Tư duy khác biệt để ứng phó tương lai bất định
Covid là một phép thử rất tàn nhẫn nhưng cũng rất thực tế về mức độ linh hoạt và sự chuẩn bị nội lực đúng mức cho tất cả mọi người, từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp.
THẾ HỆ ĐẶC BIỆT, TƯ DUY CẦN KHÁC BIỆT
Covid là một phép thử rất tàn nhẫn nhưng cũng rất thực tế về mức độ linh hoạt và sự chuẩn bị nội lực đúng mức cho tất cả mọi người, từ cá nhân đến tổ chức, doanh nghiệp. Và Covid không có chế độ ưu tiên cho bất kỳ ai, người dù trẻ dù già đều bị đẩy vào phép thử này, một cách công bằng nhất. Người có thể vượt qua phép thử, hội nhập tương lai, là những người cần có 3 điều kiện: kiến thức cập nhật về sự hình thành của thế giới mới, kỹ năng hội nhập, và phẩm chất mở cửa tương lai.
Kiến thức của thế kỷ 21 không chỉ đến từ nhà trường. Học của thế kỷ 21 là học đa kênh, từ nhiều nguồn, trong đó trường học là một kênh. Những kênh còn lại là qua online, hội thảo hội nghị, đọc sách, đọc thông tin hàng ngày trên mạng, tham gia các dự án thực tế.... Ai chỉ vin vào những gì học được ở trường, sẽ trở nên cực kỳ lạc hậu. Kỹ năng hội nhập là những kỹ năng mềm quan trọng nhất của thế kỷ 21 bao gồm tư duy phản biện, khả năng sáng tạo, khả năng cộng tác và kỹ năng giao tiếp mới đa kênh. Riêng về phẩm chất mở cửa tương lai, đặc biệt trong bối cảnh Covid, thì những phẩm chất người nhất chính là chìa khoá dẫn dắt như khả năng linh hoạt, phẩm chất kiên cường không bỏ cuộc, khả năng thấu cảm, khả năng tự startup... Tất cả đều quay về với sự chịu trách nhiệm của bản thân dành cho bản thân. Thế kỷ 21 là thế kỷ của tự thân vận động.
“Cơn bão đa chiều và phép thử thế kỷ 21 không từ một ai cả. Bạn chỉ có 2 lựa chọn: một là nhấn F5 tái tạo lại bản thân, hai là để mặc cho bản thân bị mắc kẹt vào quá khứ. Lựa chọn là của bạn. Trách nhiệm là ở bạn. Đừng bao giờ đổ thừa ai” .
Nguyễn Phi Vân
Tôi đặc biệt thích Gen Z* - thế hệ trẻ. Họ là một thế hệ đặc biệt, vì các bạn không ngại là mình, không sợ khác người, và do đó bày tỏ quan điểm cá nhân rất mạnh mẽ về những vấn đề chung của cộng đồng, xã hội. Các bạn là những công dân số nên rất thành thạo mạng xã hội, internet và công nghệ. Các bạn có xu hướng thích theo đuổi những đam mê, mong muốn, ý tưởng cá nhân bằng trải nghiệm cá nhân chứ không nghe lời rập khuôn như các thế hệ trước. Đây là thế mạnh để các bạn dám sáng tạo, dám làm, dám thử dám sai và qua đó xây dựng cho bản thân những trải nghiệm cá nhân rất phong phú. GenZ vì vậy cũng sẽ dễ dàng hội nhập tương lai và thế giới, vì các bạn chính là những người tạo dựng nên tương lai và thế giới ấy theo cách của mình.
Tuy nhiên, khoảng cách thế hệ giữa GenZ và các thế hệ khác là rất xa, dễ dẫn đến mâu thuẫn lớn trong cách hợp tác và đồng hành. GenZ với lợi thế công nghệ rất tức thì mọi lúc mọi nơi cũng khiến cho các bạn thiếu đi những phẩm chất mở cửa tương lai như khả năng thấu cảm, khả năng kiên cường không bỏ cuộc, khả năng cộng tác hiệu quả…. Đối với GenZ, việc tập trung rèn luyện phẩm chất mở cửa tương lai cho các bạn sẽ là vấn đề quan trọng hàng đầu nếu muốn các bạn vững tin và thành công bước vào tương lai.
ĐỂ ỨNG PHÓ VỚI TƯƠNG LAI BẤT ĐỊNH
Nhưng tất cả chúng ta đang đối diện với một tương lai vô cùng bất định. Nếu trước đây tôi hay nhắc đến chuyển động toàn cầu hoá và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như những lực đẩy chính thì giờ đây chúng ta lại còn phải đối diện với một trong những đại dịch khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người.
Trong bối cảnh đầy rủi ro, không ai biết trước chuyện gì sẽ xảy ra, tương lai thế giới sẽ đi về đâu này, điều duy nhất mỗi người chúng ta nên làm là chuẩn bị nội lực để đối diện với những điều chưa biết, chưa từng có tiền lệ, đôi khi không liên quan gì với quá khứ và hiện tại.
Trong bối cảnh tương lai bất định như thế, không ai có khả năng đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra. Tương lai bất định bỏ qua tất cả mọi sự hiểu biết của con người trong quá khứ và hiện tại. Nó mang tính gián đoạn, tái định nghĩa, thay thế một cách khá tàn nhẫn. Và tại thời điểm giao thoa này, nó chỉ cho phép tất cả chúng ta một cơ hội duy nhất, và rất giới hạn về thời gian, để tái tạo bản thân, chuẩn bị để hội nhập vào một tương lai rất khác.
Do đó, những ai còn kẹt vào hiện tại hay quá khứ, còn loay hoay với những hiểu biết và kinh nghiệm đã lỗi thời, còn khư khư vác lấy cái tôi hào quang của một thời đã qua, đã tự mình loại mình khỏi cuộc chơi của tương lai. Chỉ có những người linh hoạt nhất, khiêm tốn nhất, có khả năng re-start (tái khởi động) với tinh thần beginner (kẻ bắt đầu) mới có thể học hỏi và hội nhập vào tương lai phía trước.
Có 3 điều tôi thấy bạn trẻ và cả bạn không còn trẻ tại Việt Nam hay mắc phải, khiến họ không có sự chuẩn bị cần thiết hay không trở tay kịp với những thay đổi tương lai.
Điều đầu tiên phải kể đến tư duy. Chúng ta được sinh ra và lớn lên, được giáo dục trong môi trường mà mọi thứ đã bị đóng khung, theo bài mẫu và giới hạn định danh một hay vài cách tiếp cận. Điều này khiến cho người Việt dễ bị rơi vào cái bẫy "phải như vậy mới là đúng", hay "không có cách nào khác đâu". Khi tư duy bị đóng khung, ta không thể làm khác, nghĩ khác, và vì vậy mất luôn khả năng sáng tạo và cộng tác. Thử hỏi một con người với tư duy đóng như thế làm sao có thể hội nhập vào một tương lai của kinh tế sáng tạo và một hành trình đầy bất định?
Hai là tôi nhận thấy người Việt thường có xu hướng nghĩ nhỏ và nghĩ ngắn hạn. Cái gì có lợi trước mắt thì làm. Cái gì kiếm tiền nhanh thì làm. Cái gì cân đo ngay bằng thóc thì làm. Chúng ta thiếu đi sự đầu tư dài hạn cho những giá trị to lớn hơn, vĩ đại hơn, bùng nổ hơn. Chính vì suy nghĩ ngắn hạn nên tất cả mọi thứ tạo dựng xung quanh cuộc đời và tương lai cũng ngắn hạn; xây dựng quan hệ ngắn hạn, lợi dụng ngay, lợi dụng nhanh; hợp tác ngắn hạn, kiếm chác nhanh rồi bỏ chạy... Cách tiếp cận này làm cho chúng ta không đầu tư hay bỏ qua những chuẩn bị cho tương lai rất khác. Và khi tương lai đó hiện diện bằng sự xuất hiện với bộ mặt đầy khủng hoảng, chúng ta bàng hoàng, trở tay không kịp, tự loại mình khỏi cuộc chơi có hai chữ tương lai.
Cuối cùng, tôi thấy người Việt thiếu khả năng học cả đời. Chúng ta có thể dành trọn sự tập trung buôn chuyện lá cải trên mạng xã hội vài ba tiếng một ngày, nhưng lại không có thời gian để học một kỹ năng mới, kiến thức mới, hay đơn giản chỉ là đọc tin mới nhất về khoa học công nghệ để cập nhật bản thân. Chính sự thiếu quan tâm đầu tư vào bản thân này là nguyên do dẫn đến sự thiếu chuẩn bị cho tương lai. Và chính sự thiếu chuẩn bị cho tương lai sẽ là rủi ro lớn nhất cho mỗi cá nhân trong hành trình hội nhập.
Cơn bão đa chiều và phép thử thế kỷ 21 không từ một ai cả. Bạn chỉ có 2 lựa chọn: một là nhấn nút F5 tái tạo lại bản thân, hai là để mặc cho bản thân bị mắc kẹt vào quá khứ. Lựa chọn là của bạn. Trách nhiệm là ở bạn. Đừng bao giờ đổ thừa ai.
Không ai là không thay thế được, nhưng quan trọng là giá trị của bạn
Nhiều bạn nghĩ rằng chẳng ai có thể thay thế được mình, rằng ta là irreplaceable – không thể thay thế được, vì ta giỏi, vì thiếu ta thì cả thế giới này sụp đổ, rằng họ chẳng thể nào sống được nếu chẳng có ta, rằng ta tạo ra họ và họ sẽ không bao giờ làm nên trò trống gì nếu không có bàn tay ảo thuật của ta. Cái đó gọi là ngạo mạn. Và người giỏi thường chết vì ngạo mạn.
Ngạn ngữ có câu, “núi cao luôn có núi cao hơn”, người giỏi luôn có người giỏi hơn. Cuộc đời vốn dĩ là như thế, và chẳng ai trên đời này mà không thể thay thế cả. Trong cuộc đời đi làm của mình, có lẽ thành công nhất của tôi không phải là lương bao nhiêu và địa vị thế nào. Mà tự hào nhất là luôn luôn tạo ra giá trị unexpected - không ai ngờ tới.
Khi nhận một công việc, vị trí, nhiệm vụ, tôi luôn tự hỏi mình, giá trị một người bình thường sẽ tạo ra, theo mong muốn tiêu chuẩn của tổ chức khi nhận công việc này là gì, và giá trị có đóng mộc thương hiệu cá nhân của tôi là gì. Câu hỏi này, tôi hỏi mình khi bắt đầu, và lặp đi lặp lại.
Trong suốt quá trình làm dự án. Chưa một ngày, tôi nghĩ là giá trị mình tạo ra đã đủ. Trên đời luôn luôn có những cách tiếp cận hay hơn, hiệu quả hơn, hào hứng hơn, chỉ là cá nhân thiển cận của mình chưa chạm được đấy thôi. Và vì vậy, tôi luôn giữ cho đầu óc mình thật mở, để tiếp nhận thêm cái hay, cái mới, và không ngừng sáng tạo giải pháp mới, giá trị mới cho tổ chức mà không chờ ai yêu cầu hay mong đợi gì từ mình cả.
Còn nếu bạn biến mất, mà một ngày vẫn cứ trôi qua như mấy vạn ngày, thì bạn lăn lông lốc trong trần gian này để làm gì nhỉ? Đi, có hay không có bạn cũng chả sao. Vậy, giá trị của bạn nằm ở đâu? Hay bạn là người vô giá trị? Hay bạn dành hẳn 1/3 cuộc đời mình chỉ để trôi vật vờ cho có? Hay ta “fast forward” cuộc đời mình cho rồi vì nó chẳng có nội dung gì đáng để dừng lại mà xem?
(*)- Những người sinh từ 1995 đến 2012