Phải giữ nguồn sinh khí sống
TP.HCM giãn cách, lao động tự do ùn ùn đổ về tỉnh gia tăng nguy cơ lây nhiễm lan rộng (nếu có). Nhưng mất việc rồi, đói, phải về thôi!
Hiện nay, nhiều tỉnh thành đồng loạt cách ly người về từ TP.HCM 21 ngày. Vậy hàng chục ngàn công nhân đang làm việc chính thức tại các KCN ở TP.HCM nhưng sinh sống lại ở Đồng Nai và Long An..., thì sẽ làm việc và nghỉ ngơi, chăm sóc gia đình như thế nào? Nếu phải nghỉ việc vì cách ly, công nhân sẽ đói, còn doanh nghiệp sản xuất thêm khó khăn.
Phố cách ly phố, thành cách ly thành, kỳ thị nhau mất nghĩa đồng bào, diệt tình tương trợ. Dường như chúng ta đang thiếu vắng một giải pháp chiến lược chống dịch và tăng trưởng kinh tế một cách đồng bộ, tổng thể để đạt được "mục tiêu kép".
Bắc Giang đóng cửa các KCN một ngày mất 2000 tỷ, một tháng mất 2 tỷ USD. Vậy, nếu phải đóng cửa thêm cả Hà Nội, TP.HCM... cùng thời gian tương tự có thể mất vài điểm % GDP.
Nhà hàng xơ xác, khách sạn vắng tanh
Theo số liệu cách đây vài năm, TP.HCM có khoảng 500 ngàn hộ kinh doanh, chiếm 10% cả nước. Với tỷ trọng 30% GDP cả nước, hộ kinh doanh đóng góp khoảng 102 tỷ USD; TP.HCM chiếm 10% tương đương 10.2 tỷ / 61.4 tỷ ~ 16.6% GRDP của TP.HCM. Dẫu tính toán chỉ là tương đối, thì nếu TP.HCM cách ly theo Chỉ thị 16, một ngày sẽ mất khoảng 27.9 triệu đô la; còn giãn cách theo Chỉ thị 15 có thể mất mãi lực đến 80% ~ 22.3 triệu đô la / ngày; 669 triệu đô la (15.387 ngàn tỷ) một tháng.
Hộ kinh doanh không chỉ tạo ra nhiều làm lao động phổ thông (tự do) mà còn là lưới an sinh xã hội tự nhiên (phi chính thức) tốt nhất. Sự sôi động hay ảm đạm thường nhật trong kinh doanh của các hộ kinh doanh mặt tiền là biểu hiện sinh khí sống của xã hội.
Bình thường mới là giải pháp. Nhưng "bình thường mới" là gì?
Bình thường mới là làm ăn bình thường dưới chế độ 5K, không phong toả cho đến khi đời sống xã hội trở lại bình thường.
Chỉ thị 15 thôi đã khiến thành phố ảm đạm, mất hết sinh khí. Tuân thủ nghiêm 5K thì vẫn có thể duy trì được các hoạt động kinh tế nội địa, dù có một số ngành vẫn phải chịu nhiều mất mất như du lịch, hàng không…, nhưng nó giúp kinh tế không suy giảm nhiều đến suy thoái. Các quán cafe trước 20 bàn giờ có thể chỉ còn 10, nhưng bù lại bằng bán mang đi.
Dẫu không được như lúc bình thường nhưng vừa giữ được lao động, vừa duy trì được việc kinh doanh. Các khách sạn, rạp chiếu phim, công viên… phải có khách ra vô hàng ngày mới thấy được nguồn sinh khí tích cực, kinh tế du lịch nội địa nhờ vậy từng bước được phục hồi cho đến khi được tiêm vác-xin toàn dân, mở cửa an toàn với thế giới.
Các khu công nghiệp có sự quản lý tập trung nên thực thi 5K sẽ thuận lợi hơn, kinh nghiệm ở Bắc Giang nếu được chia sẻ cho các tỉnh thành học hỏi sẽ vô cùng quý giá.
Giải pháp triệt để là tiêm vaccine toàn dân?
Nhưng trước khi đạt được điều đó thì tuân thủ nghiêm ngặt 5K sẽ giúp hạn chế tối đa thiệt hại kinh tế và nhân mạng do lây nhiễm và phong toả, cũng như chi phí dập dịch. Hiệu quả hay không là ở chỗ chính quyền, trách nhiệm của chính quyền. Lãnh đạo làm gương và hành pháp thực nghiêm thì mới được.
Thương nhất người tuyến đầu. Chẳng phải cách ly mà vẫn ly cách; Mẹ xa con, vợ xa chồng, ngày đêm đối diện mới mọi áp lực, rủi ro. Nếu không giữ được 5K nghiêm ngặt, đuổi theo dịch hoài nguồn lực sẽ dần suy cạn, đặc biệt là nhân lực tuyến đầu sẽ không còn chịu đựng nổi mà sụp đổ.
TP.HCM gần đây mới có chính sách tiếp tục hỗ trợ người lao động tự do mất thu nhập do dịch tái bùng phát, vậy là tốt, nhưng chậm. Lẽ ra, chính sách phải có tính chủ động và đi trước, như vậy mới hạn chế dịch chuyển của người dân từ tâm dịch về các tỉnh thành khác. Và các tỉnh thành khác cũng phải có chính sách tương trợ lẫn nhau, vậy chiến lược chống dịch "4 tại chỗ" mới trọn vẹn, không chỉ là mặt trận y tế, mà còn là xã hội, kinh tế và an ninh.
Người nhiễm không triệu chứng, các chốt kiểm dịch chỉ tăng thêm lãng phí nhân lực và tài lực, trong khi hiệu quả không cao còn gây thêm ức chế tâm lý. Những trường hợp nhẹ, nghi nhiễm thì cách ly tại nhà, mới là "giãn cách" xã hội. Việc cách ly tập trung cả người nhiễm lẫn chưa nhiễm liệu có gia tăng nguy cơ lây chéo?
Đeo khẩu trang đúng cách và giữ khoảng cách. Chưa có lựa chọn nào tốt hơn thì tạm chấp nhận Bluezone và gia tăng khai báo y tế điện tử. Một người đang mang vi rút (gọi là F 0 dấu mặt) sẽ không lây cho ai nếu mang khẩu trang đúng và đặc biệt là người đối diện cũng mang khẩu trang đúng (trích lời bác sĩ Trương Hữu Khánh).
Như vậy, thực hiện nghiêm 5K sẽ giảm thiểu tối đa nguy cơ phải áp dụng các chỉ thị khắt khe hơn. Chìa khoá nằm trong tay chính quyền, bắt đầu từ chính quyền. Bộ Y tế phải điều chỉnh lại chính sách phân quyền-trách nhiệm, cũng như tăng đầu tư nguồn lực cho các tuyến viện địa phương thì mới đáp ứng được phương châm "tại chỗ".
Chính phủ có thể sẽ phải điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh lan rộng. Động lực tăng trưởng chính cho 6 tháng còn lại đến từ đâu, sẽ quyết định mức an toàn tài chính quốc gia và lạm phát, ngay trong 2 năm kế tiếp.
Một vài phân tích thiệt hại kinh tế trên đây để thấy, khoảng thời gian 2 tuần đến 1 tháng, hy vọng là mức tối đa cho phép các địa phương dập dịch thành công, nhằm giảm thiểu tối đa thiệt hại kinh tế và nhân mạng, cũng như duy trì được mức tăng trưởng dương cho nền kinh tế.
Nếu để kinh tế rơi vào khủng hoảng, doanh nghiệp tốt suy yếu sẽ dễ dàng bị nước ngoài thâu tóm, những thị trường trọng yếu như phân phối, bán lẻ, logistics... sẽ bị người ngoài chi phối.
"Chỉ còn 10 này nữa là hết giãn cách xã hội. Còn lấy gì để ăn trong mười ngày tới, thì không nghe ai nói?" (4/6/2021).
Đọc được câu cảm thán này của một chủ quán bình dân trên MXH, bạn có thấy đúng không?
Có thể bạn quan tâm
Hộ kinh doanh: 30% GDP và lưới an sinh xã hội tự nhiên
11:00, 02/06/2021
Việt Nam cần tiếp tục tính lại GDP
11:00, 31/05/2021
20h tối nay, chính thức ra mắt Quỹ vaccine phòng COVID-19
09:22, 05/06/2021
Sau phản ánh của DĐDN, doanh nghiệp vận tải Hải Phòng được xem xét tiêm vaccine COVID-19
05:13, 05/06/2021
Cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng chiến lược vaccine của Chính phủ
18:41, 04/06/2021