Tan rã “Hiệp ước bầu trời mở”, dấu hiệu chiến tranh lạnh ngày một rõ!

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 10/06/2021 10:00

"Chiến tranh lạnh" sẽ bắt đầu khi các cường quốc dần rút khỏi những thỏa thuận mang tính quốc tế.

Hiệp ước bầu trời mở trên đà tan rã

Hiệp ước bầu trời mở trên đà tan rã

Hiệp ước bầu trời mở có hiệu lực năm 2002. Nội dung chủ yếu là cho phép các nước thành viên thực hiện các chuyến bay khảo sát vào lãnh thổ của nhau để do thám các nguy cơ quân sự tiềm tàng.

Ý tưởng của Hiệp ước là củng cố lòng tin, sự minh bạch trong các hoạt động quân sự, qua đó loại bỏ nguy cơ từ một quốc gia nào đó có âm mưu xâm phạm lãnh thổ của đối phương.

Xa hơn, Hiệp ước tạo không gian hoạt động cần thiết cho các chuyến bay phi vũ trang, là nỗ lực quốc tế trên phạm vi rộng nhất cho đến nay nhằm thúc đẩy tính công khai và minh bạch của các lực lượng và hoạt động quân sự.

Hơn 20 năm qua, Hiệp ước bầu trời mở đã hạn chế tối đa các “hiểu nhầm” trong hoạt động vũ trang, giảm leo thang căng thẳng. Bởi thành viên của tổ chức này rải rác khắp châu Âu, Bắc Mỹ.

Tháng 5/2020, Tổng thống D. Trump tuyên bố rút khỏi Hiệp ước vì lý do mà Washington đưa ra là “Nga vi phạm trầm trọng quy tắc”. Nhà trắng cho rằng, Nga liên tục vi phạm thỏa thuận như ngăn cản chuyến bay của Mỹ trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga.

Động thái này của Mỹ, có vẻ chỉ để phục vụ xu hướng chính trị bài trừ toàn cầu hóa của ông Trump - “nước Mỹ trên hết”. Bởi không chỉ Hiệp ước này mà nhiều cam kết quốc tế quan trọng cũng bị cựu Tổng thống Mỹ “đặt vấn đề”.

Ngày 7/6, Tổng thống V. Putin ký đạo luật rút Nga ra khỏi Hiệp ước bầu trời mở, vì lý do “Quyết định của Mỹ đã phá hỏng cân bằng lợi ích giữa các thành viên trong hiệp ước. Điều này sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng với quá trình xây dựng lòng tin và minh bạch, đồng thời đe dọa an ninh quốc gia Nga”.

Như vậy, một trụ cột đảm bảo an ninh, hòa bình thế giới sau thời kỳ chiến tranh lạnh đang trên đà sụp đổ. Đây có thể là dấu hiệu mào đầu của chạy đua vũ trang, bí mật do thám, kiểm soát lẫn nhau.

Mỹ - Nga đã cạn kiệt niềm tin lẫn nhau

Mỹ - Nga đã cạn kiệt niềm tin lẫn nhau

Nhưng trước hết, sự đổ vỡ thỏa thuận này cho thấy niềm tin giữa Mỹ và châu Âu không còn nhiều; đặc biệt khoét sâu hố ngăn cách truyền đời giữa Moscow và Washington.

Đương kim Tổng thống Joe Biden - một người Dân chủ ưa thích đa phương hóa ngỏ ý muốn nối lại các mối quan hệ quốc tế rường cột, trong đó có Hiệp ước bầu trời mở.

Tuy nhiên, điều này không dễ bởi nước Nga không còn trong tổ chức này. Vì, nếu tái gia nhập Hiệp ước chẳng khác nào tự mua dây buộc mình trong khi đối phương không chịu bất cứ chế tài nào về do thám, trinh sát!

Đặc biệt trong bối cảnh các cường quốc chạy đua không ngừng để kiểm soát tất cả không gian từ hệ thống thông tin liên lạc, điều hướng, kiểm soát mảnh vỡ không gian, viễn thám Trái Đất,...

Từ các biểu hiện trong kinh tế, chính trị, ngoại giao, quốc phòng - đang cho thấy hàng loạt dấu hiệu tái phát sinh “chiến tranh lạnh 2.0” giữa các siêu cường. Điều này xem ra chỉ là vấn đề thời gian.

Khi mà, hầu hết các cam kết về kiểm soát vũ khí, quân sự xuyên quốc gia bị vô hiệu hóa, đặc biệt là giữa các quốc gia sở hữu loại vũ khí chiến lược như Nga, Mỹ, Trung Quốc, Iran.

Đồng thời, đã xuất hiện những hành động quân sự đơn phương. Ví dụ, Trung Quốc sửa luật hải cảnh cho phép lực lượng này được nổ súng khi có tác nhân xâm phạm cái gọi là “lãnh hải” của họ; vấn đề hạt nhân Triều Tiên dường như tồn tại ngoài tất cả các cam kết.

Và, bây giờ chính những “ngòi nổ chiến tranh” là Nga và Mỹ đã cạn kiệt niềm tin lẫn nhau!

Có thể bạn quan tâm

  • Putin và thông điệp của nước Nga

    Putin và thông điệp của nước Nga

    05:43, 23/04/2021

  • Putin sẽ đưa nước Nga về đâu?

    Putin sẽ đưa nước Nga về đâu?

    06:00, 17/01/2020

  • Quyền lực Putin và sự hồi sinh mạnh mẽ của nước Nga

    Quyền lực Putin và sự hồi sinh mạnh mẽ của nước Nga

    06:40, 06/11/2019

  • Quan hệ Mỹ - Nga sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Biden?

    Quan hệ Mỹ - Nga sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Biden?

    05:09, 04/03/2021

  • Có một

    Có một "tấm áo choàng" che phủ quan hệ Mỹ - Nga?

    13:00, 14/01/2019

TRƯƠNG KHẮC TRÀ