“Chia khó - cộng bùi” cùng doanh nghiệp
Đã có một bước chuyển rất ý nghĩa trong nhận thức về mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, người gắn bó với Diễn đàn Doanh nghiệp và cùng tham gia 8 giải Báo chí viết về doanh nhân, doanh nghiệp và môi trường kinh doanh cho biết.
Ông Huỳnh nhấn mạnh, nếu như trước đây chúng ta vẫn thường nói “báo chí là diễn đàn của doanh nghiệp” để nhấn mạnh đến chức năng, nhiệm vụ của báo chí thì thời gian qua các báo thường nhấn mạnh “báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp”, nghĩa là đã tiến thêm một bước trong vai trò chủ động, “chia ngọt, sẻ bùi” giữa báo chí và doanh nghiệp.
- Bước chuyển đó có ý nghĩa như vậy, thưa ông?
Theo tôi, trước hết đó chính là do sự thay đổi trong thực tiễn, vai trò của doanh nghiệp từ chỗ chỉ là một cộng đồng nhỏ bé, yếu thế, thậm chí bị coi thường, doanh nhân bị dè bửu, bây giờ đã trở thành cộng đồng trung tâm của xã hội, lực lượng quyết định sự thành bại trong cuộc đua tranh kinh tế ngày càng khốc liệt và dữ dội ở qui mô toàn cầu, góp phần quan trọng nhất trong việc làm cho quốc gia hưng thịnh, vẻ vang sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ mong muốn.
Báo chí phản ánh thực tiễn, không thể không chuyển hướng nhận thức và hành động về cộng đồng này. Thế giới đang biến đổi chóng mặt với qui mô, tốc độ, tính chất chưa từng có trong lịch sử, vừa là cơ hội trời cho, ai biết khai thác nó vừa là ngọn sóng nhấn chìm bất kỳ ai không theo kịp sự biến động đó, mà nhất là doanh nghiệp, ở trung tâm của các đợt sóng trùng điệp này.
Báo chí, với ý nghĩa là đồng hành với doanh nghiệp, không thể không thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh, lấy doanh nghiệp là đối tượng để khai thác thông tin, phản ánh thực tiễn sôi động đồng thời qua doanh nghiệp để cùng cộng sinh, phát triển, khi các nguồn lực khác đều đang bị hạn chế.
Cách thức tuyên truyền để chính sách đi vào cuộc sống hay phản biện chính sách của báo chí cũng cần phải sáng tạo và liên tục đổi mới.
- Sự “đồng hành” đó thể hiện thế nào trong sự hỗ trợ của báo chí với cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc xây dựng và hoàn thiện môi trường kinh doanh, thưa ông?
Trên bình diện báo chí đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc góp ý xây dựng và thi hành pháp luật thời gian qua nổi lên mấy điểm lớn.
Với đường lối đổi mới, chuyển nhanh sang cơ chế thị trường hiện đại và chủ động hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đòi hỏi phải xây dựng một hệ thống pháp luật toàn diện với các tiêu chuẩn cao về tính minh bạch, thống nhất, hợp lý, khả thi và hiệu quả, cộng đồng doanh nghiệp đã có một bước tiến dài xắn tay cùng chính quyền để làm công việc phức tạp, khó khăn và thiết thực này với ba đặc điểm nổi bật khác trước: quyết tâm cao, tổ chức tốt, phương pháp hiệu quả.
Đã qua rồi một thời “cha chung không ai khóc”, việc làm luật đơn thuần là của Nhà nước, nay thì từ sáng kiến chính sách, các đạo luật đến tận từng thông tư, quyết định đều được doanh nghiệp hoặc đề xuất xây dựng hoặc phản bác, họ theo đuổi đến cùng để bảo đảm sáng kiến tốt không bị biến dạng. Ở phương diện này cộng đồng doanh nghiệp đã nhìn thấy ở báo chí như là một phương tiện, công cụ có hiệu quả, là cầu nối ngắn nhất giữa những người phải tuân thủ pháp luật với những người ban hành và thực thi pháp luật. Về phần mình, báo chí nhìn thấy từ doanh nghiệp là nguồn thông tin cực kỳ có ý nghĩa, sống động, tươi mới, hữu ích, là tiếng nói thực tiễn thông qua báo chí, chuyển thẳng đến các “phòng lạnh” làm luật hạn chế được tính chất quan liêu vốn có.
Trong việc thi hành pháp luật (mảng việc đang yếu hơn nhiều so với xây dựng pháp luật) báo chí đã tự mình hoặc cùng doanh nghiệp biểu dương đúng lúc các qui định có hiệu quả, phát hiện kịp thời các bất hợp lý, thẳng thắn lên tiếng để bảo vệ các doanh nghiệp bị oan sai. Thành công bãi bỏ hơn nửa số lượng các điều kiện kinh doanh cũng như hạn chế tối đa các bất hợp lý trong kiểm tra chuyên ngành là một trong nhiều thành quả nhằm giúp Việt Nam thăng hạng trên bản đồ cạnh tranh quốc giacó công không nhỏ từ báo chí.
- Cuối cùng, nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, ông có nhắn nhủ gì đến đội ngũ những người làm báo?
Bên cạnh nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật, tôi mong báo chí tăng cường phản ánh các tấm gương tốt trong cộng đồng, tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Mỗi Nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí nói chung và các cơ quan báo chí của VCCI nói riêng phải phấn đấu là những nhà báo vì công lý, vì nhân dân phụng sự, thực hiện sứ mệnh của mình một cách khách quan, trung thực, chuyên nghiệp.
Ngoài ra, cách thức tuyên truyền để chính sách đi vào cuộc sống hay phản biện chính sách của báo chí cũng cần phải liên tục đổi mới, sáng tạo. Tôi mong báo chí, nhất là các tờ báo trực thuộc VCCI tiếp tục phát huy hiệu quả tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, phản biện chính sách một cách sáng tạo.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội đặc biệt của báo chí
13:00, 21/06/2021
Cuộc chiến báo chí và mạng xã hội
10:05, 21/06/2021
Thắt chặt mối quan hệ đồng hành giữa báo chí và doanh nghiệp
09:40, 21/06/2021
Xu hướng báo chí trong kỷ nguyên số
09:30, 21/06/2021
Báo chí cùng doanh nghiệp "vượt bão" COVID-19
05:30, 21/06/2021
Báo chí giúp doanh nghiệp soi sửa lại mình
05:05, 21/06/2021
Báo chí là tuyến đầu “truyền lửa”
02:30, 21/06/2021