Vì sao cần phải có Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội?
Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nêu rõ người sử dụng mạng xã hội không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tung tin giả…
Mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội. Bộ quy tắc này nhằm tạo điều kiện phát triển lành mạnh mạng xã hội tại Việt Nam, đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do kinh doanh, không phân biệt đối xử nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước, phù hợp với chuẩn mực, thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Theo đó, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội nêu rõ người sử dụng mạng xã hội không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, xúc phạm danh dự, sử dụng ngôn ngữ phản cảm, tung tin giả…
3 nhóm đối tượng được áp dụng gồm: Cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam.
Không phải ngẫu nhiên “Bộ quy tắc ứng xử” này ra đời. Bởi vấn đề văn hóa, đạo đức hiện nay, nhất là văn hóa ứng xử đang có nhiều bất cập, để lại nhiều bức xúc trong cộng đồng xã hội, nếu không có biện pháp chấn chỉnh kịp thời thì sẽ gây không ít hệ lụy xấu.
Nói về văn hoá ứng xử giữa người với người, nguyên tắc tối thiểu là sự tôn trọng. Con đường chính đạo là lấy thiện để trấn áp cái ác, lấy chính để diệt tà, phần “người” phải át được phần “con”, dùng ánh sáng để xua tan bóng đêm.
Quyền tự do ngôn luận của cá nhân đều phải trong khuôn khổ của pháp luật. Bất cứ người dân nào chưa bị toà án kết tội thì đều có quyền công dân, quyền con người, không một ai được thay toà phán xét, luận tội, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người khác.
Tức là, những gì thuộc về bản năng hoang dã thì được chế ngự bởi các quy tắc chuẩn mực trong cộng đồng và bởi các bộ luật. Thể chế Nhà nước nào cũng đều thống nhất rằng, thượng tôn pháp luật là đường ray để đất nước phát triển, xã hội trong sạch, công bằng, văn minh.
Thế nhưng, không phải ai cũng kiềm chế được bản năng, hướng bản năng của mình tới điều tốt đẹp hơn. Chẳng hạn, thời gian qua mạng xã hội “ồn ào” với cái gọi là “đại hội vạch mạch”; Hay một cô người mẫu liên tục livestream với ngôn từ thô tục; Một nam ca sĩ có lượng fan tôn sùng làm thần tượng số 1 ở Việt Nam cũng có những video chửi bới không thương tiếc; Thậm chí, một nghệ sĩ nổi tiếng là phó hiệu trưởng trường cao đẳng nghệ thuật cũng viết Facebook với câu từ mang tính thoá mạ..v..v.
Trong trường hợp này, nhìn danh sách với những tên tuổi nói trên thôi, sẽ thật khó hiểu khi đó đều là những con người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá, kinh doanh, là có học thức, có địa vị, có quyền lực và có vật chất. Trí tuệ và tài năng trời phú đã giúp những con người đó thành công và được nhiều người ngưỡng mộ.
Vấn đề ở chỗ, trên không gian mạng, phải chăng vì sự ngộ nhận của cái gọi là tự do ngôn luận, họ đã đánh mất chính mình? Và rồi, chính họ đang là nạn nhân của chính mình. Chửi người rồi người chửi mình. Gậy ông lại đập lưng ông.
Có người nói: “Mạng xã hội tại Việt Nam nhiều điều tiêu cực hơn tích cực. Có những người được ví rằng, “hắn vừa lướt bàn phím vừa chửi, cứ mỗi lần vào “phây” là hắn chửi. Tiếng chửi tạo ra một không gian thiếu văn hóa, thiếu lòng nhân ái, tinh thần nhân văn”.
Vì lẽ đó, một lần nữa người viết xin nhắc lại một thống kê là, chúng ta không ngạc nhiên khi Việt Nam là một trong 5 nước có Chỉ số văn minh Internet thấp nhất trong số 25 nước được khảo sát, đó là kết quả được Microsoft công bố năm 2020.
Người ta nói, đôi môi đẹp là đôi môi chỉ nói những điều tử tế, đôi mắt đẹp là đôi mắt chỉ nhìn ngắm cái đẹp. Và hình như có ai đó đã nói, mang trong đầu chiếc búa thì nhìn đâu cũng thấy đinh. Nên chúng ta phải đối mặt với sự thật khách quan này để thay đổi, không còn cách nào khác.
Đồng thời nhìn nhận rõ cái mất của sự vô văn hóa trên mạng xã hội là một hình ảnh xã hội vô pháp, người với người đối xử với nhau tàn độc, giá trị sống bị đảo lộn. Không gian mạng trở nên ô nhiễm, một sự ô nhiễm đến mức báo động đỏ.
Công cuộc làm trong sạch không gian mạng là cấp thiết. Niềm tin xã hội phải được củng cố để xã hội vận hành một cách lành mạnh nhất. Cơ quan công quyền với cây gậy pháp lý phải liêm chính và phát huy hiệu lực thực sự của mình.
Chính vì vậy, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, mỗi người phải tuân thủ quy tắc để chính bản thân mình có được sự ứng xử trên không gian mạng văn hóa để cùng xây dựng một cộng đồng văn minh.
Có thể bạn quan tâm
Cuộc chiến báo chí và mạng xã hội
10:05, 21/06/2021
“Chống độc” trên mạng xã hội!
05:30, 21/06/2021
GÓC NHÌN: “Dọn rác” mạng xã hội
06:00, 20/06/2021
PHÁP LUẬT CUỐI TUẦN: "Dọn rác” mạng xã hội, cần quy tắc và chế tài nghiêm khắc
04:50, 20/06/2021