Để không còn “F0 lang thang”
Dù chúng ta đã có những biện pháp thắt chặt, kiểm soát tình hình, nhưng tại sao số ca mắc mỗi ngày vẫn tăng lên?
Đó là vấn đề Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt ra và nói đây là ngày thứ 9, thành phố có số ca nhiễm tính bằng 3 con số… tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM diễn ra vào chiều 25/6.
Đặc biệt trong 24 giờ, từ 6h ngày 24/6 đến 6h ngày 25/6, thành phố ghi nhận 667 trường hợp mới với 538 người từ khu cách ly, 99 ca nhiễm ở nơi phong tỏa. Do đó, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các quận, huyện, TP Thủ Đức tập trung xem xét, rà soát biện pháp thực hiện trên địa bàn để sau ngày 30/6, thành phố sẽ có bước đánh giá lại tình hình. Từ đó đưa ra quyết định có cần tiếp tục giãn cách xã hội hay không.
Ngoài ra, Chủ tịch TP.HCM còn nói, đối với khu tập trung đông người như công viên, bến xe… tại thành phố cũng cần giải tán. Đồng thời, địa phương phải có biện pháp mạnh hơn để quản lý, không để tụ tập, ảnh hưởng công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng nhận định sau thời gian áp dụng Chỉ thị 10, diễn biến dịch tại TP.HCM có chuyển biến nhưng còn phức tạp. Ông đề nghị thành phố cân nhắc cho dừng hoạt động chợ truyền thống để kiểm soát dịch.
Thực tế cho thấy, TP.HCM chấp nhận giãn cách xã hội cả tháng 6/2021, nhưng F0 lang thang thực sự là một nỗi ám ảnh cho đô thị tập trung cư dân đông đúc. Một tài xế Grab tình cờ đi lấy mẫu xét nghiệm cũng là một ca nhiễm mới, khiến cộng đồng hoang mang. Và đáng âu lo hơn là dịch bệnh đang len lỏi vào các cơ sở y tế.
Đến ngày 22/6, Bệnh viện đa khoa Sài Gòn phát hiện 5 ca mắc Covid-19 thông qua khám sàng lọc trong vòng 4 giờ. Tức là, F0 không lang thang ngoài đường nữa, mà F0 được phát hiện khi đi khám bệnh cũng là một hiện tượng phải quan tâm.
Như vậy, rõ ràng là virus corona khi lây nhiễm trong cộng đồng đã có những diễn biến khó lường hơn, với các triệu chứng không dễ xác định bằng những chẩn đoán thông thường.
Vì vậy, giãn cách xã hội chỉ là biện pháp trước mắt, còn giải pháp căn cơ là phải có vaccine đầy đủ cho đại bộ phận cư dân. Với Covid-19, vaccine là vũ khí hữu hiệu để đẩy lùi đại dịch. Được sự chấp thuận của Chính phủ và Bộ Y tế, TP HCM triển khai chiến dịch tiêm ngừa Covid-19 quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Liên quan đến vấn đề này, PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nói: “Đến nay vaccine Covid-19 được đánh giá là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh. Vaccine cũng có hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm cho người được tiêm chủng và những người xung quanh. Vaccine này đã giúp nhiều nước có tỷ lệ bao phủ cao mở cửa trở lại nền kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội”.
Liên quan đến phương thức chống dịch bằng cách sử dụng vaccine, ngoài các nước Châu Âu, một trong những bài học mà chúng ta rút ra được từ Bhutan và Thái Lan (những quốc gia gần Việt Nam nhất) là kết quả tích cực của việc lắng nghe hướng dẫn và tuân thủ chỉ thị đối với chương trình tiêm chủng. Hành động nhanh nhạy, quyết đoán của chính phủ cũng đóng vai trò quan trọng.
Cụ thể, mặc dù có biên giới với Trung Quốc và Ấn Độ – 2 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19, Bhutan đến giờ vẫn kiểm soát tốt đại dịch và đang trên đà tiêm chủng cho hơn 90% dân số trưởng thành.
Còn Thái Lan đang tăng tốc phủ sóng vaccine Covid-19 và tính đến ngày 16/6, quốc gia này đã tiêm hơn 7 triệu mũi. Theo dữ liệu của Trung tâm Quản lý tình huống Covid-19 Thái Lan (CCSA), hơn 2,9 triệu liều vaccine đã được tiêm kể từ khi chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn bắt đầu vào 10 ngày trước đó, nâng tổng số người được tiêm liều đầu tiên lên 5,1 triệu người, tương đương 7,3% dân số.
Điều này cũng có nghĩa, để khống chế dịch Covid-19, cần tạo được miễn dịch cộng đồng đủ lớn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến trong năm 2021 mục tiêu mà khu vực Tây Thái Bình Dương đặt ra là 40% dân số được tiêm chủng vắc xin Covid-19 và hướng tới 80% dân số trong năm 2022 được tiêm đủ mũi vắc xin này.
Tại Việt Nam, ngày 26/2/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vaccine phòng Covid-19, trong đó dự kiến mua 150 triệu liều để tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên. Mục tiêu này của nước ta cho thấy quyết tâm và nỗ lực của Chính phủ, Bộ Y tế trong việc ngăn chặn đại dịch, bảo vệ sức khỏe người dân và duy trì sản xuất, phát triển kinh tế
Vấn đề đáng bận tâm hiện nay là số lượng vaccine từ các nguồn cung cấp trên thế giới khá chặt chẽ. Dự kiến đến cuối năm 2021, thì TP.HCM mới có thêm 10 triệu liều vaccine được phân bố từ Bộ Y tế, và có thể mua thêm 5 triệu liều vắc xin thông qua đàm phán trực tiếp từ nhà sản xuất.
Nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng đã lên tiếng hỗ trợ vaccine cho Việt Nam, nhưng ngồi yên chờ đợi lòng tốt thiên hạ không thể không sốt ruột. Vì thế, Việt Nam cần phải nhanh tiến bộ sản xuất vaccine nội địa – đó là yếu tố quyết định đến cuộc chiến “không tiếng súng” này.
Việt Nam đã đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng phòng bệnh trong năm nay với việc tổ chức chiến dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến triển khai từ tháng 7 tới.
Chính vì vậy, việc sớm được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 là quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng, là cách hiệu quả nhất để trị F0 lang thang ngoài cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vaccine mà chờ đợi và bỏ đi cơ hội nếu được tiêm chủng sớm.
Có thể bạn quan tâm
Khơi thông chuỗi giá trị du lịch: Hộ chiếu vaccine chưa đủ
11:00, 26/06/2021
Cần một đạo luật về vaccine: Phải có cơ chế ba bên
04:00, 26/06/2021
Cần một đạo luật về vaccine: Nhà nước với tài sản công đặc biệt
13:19, 25/06/2021
TP HCM nỗ lực đẩy tiến độ tiêm vaccine COVID-19
11:00, 25/06/2021
Chậm tiêm vaccine, Việt Nam sẽ mất lợi thế tiềm năng
09:24, 25/06/2021
Đặt niềm tin vào vaccine COVID-19 nội
05:00, 25/06/2021
Việt Nam không phân biệt đối xử trong việc tiêm vaccine COVID-19
16:00, 24/06/2021
Đa dạng nguồn vaccine, tránh tâm lý chờ đợi
15:03, 24/06/2021
Đừng định kiến với vaccine Sinopharm
05:00, 24/06/2021
Kiến nghị cấp phép vaccine Nano Covax: Bộ Y tế nói gì?
10:41, 23/06/2021
Kiến nghị cấp phép khẩn cho vaccine "make in Vietnam" Nano Covax
15:40, 22/06/2021