Chiến lược vaccine thần tốc và phép thử năng lực quản trị của nhà nước (Bài 2)
Đẩy nhanh tốc độ tiếp cận cũng như triển khai chiến lược tiêm chủng vaccine là ưu tiên hàng đầu hiện nay trong phòng chống dịch Covid--19.
Để tiêm chủng đại trà trên diện rộng với tốc độ nhanh chóng trong tình huống khẩn cấp, Việt Nam phải cân nhắc một số vấn đề quan trọng để đảm bảo thành công.
Bốn tiêu chí lựa chọn vaccine
Tiến sĩ Nguyễn Thu Anh, Giám đốc Quốc gia của Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, Giảng viên lâm sàng cao cấp của ĐH Syney (Úc) nhấn mạnh 4 tiêu chí của một chương trình tiêm chủng thành công: thứ nhất là an toàn, thứ hai là hiệu quả, thứ ba là đạt được miễn dịch cộng đồng trong thời gian ngắn nhất và thứ tư là duy trì được miễn dịch cộng đồng.
Theo bà, nếu trong điều kiện cho phép, Việt Nam nên lựa chọn loại vaccine an toàn và hiệu quả, phù hợp với từng nhóm dân cư. Để đạt miễn dịch cộng đồng trong một thời gian ngắn nhất, Việt Nam cần phải huy động một hệ thống tiêm chủng rộng khắp cả nước.
“Ngoài các điểm tiêm chủng cố định, có thể nghiên cứu thiết lập các điểm tiêm chủng di động nhưng phải đảm bảo được an toàn cho người dân. Bộ Y tế có trách nhiệm tập huấn và hướng dẫn cho các cán bộ tiêm chủng về cách xử lý các biến cố bất lợi trong quá trình tiêm đồng thời thiết lập một hệ thống hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng tuyến dưới. Ví dụ như bố trí các cái xe cấp cứu di động trong một khu vực, đi qua hỗ trợ nhiều điểm tiêm chủng di dộng trong khu vực đó” – Tiến sĩ Thu Anh gợi ý.
Để đảm bảo duy trì miễn dịch cộng đồng trong một thời gian dài, theo chuyên gia Thu Anh, việc sống còn là phải có vaccine hiệu quả trong khoảng thời gian dài. Theo dự báo phân tích của nhiều nhà dịch tễ thế giới, miễn dịch từ vaccine Covid có thể không duy trì được cả đời và sẽ phải tiêm nhắc lại hằng năm. Do đó, Việt Nam cần có một chiến lược để đảm bảo nguồn vaccine lâu dài và các vaccine này phải được lựa chọn dựa theo biến chủng đang lưu hành trên thế giới chứ không chỉ căn cứ vào biến chủng đang lưu hành ở Việt Nam. Bởi lẽ, khi mở cửa trở lại, Việt Nam sẽ đối diện nguy cơ “nhập khẩu” các biến chủng Covid bên ngoài và làm phát tán dịch mới trong cộng đồng.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Thạc sĩ Chính sách Công cho rằng, tỉ lệ 98% người dân Việt Nam sẵn sàng tiêm chủng khi có vaccine – nước có tỉ lệ sẵn sàng tiêm chủng cao nhất thế giới (theo khảo sát của tạp chí Lancet, tạp chí nổi tiếng về y khoa trên toàn cầu) có thể được xem là một tài sản lớn. Nó phản ánh người dân tin vào vaccine, tin vào Nhà nước. Tuy nhiên, niềm tin này sẽ không thể giữ mãi nếu công tác truyền thông giữ lửa niềm tin của dân chúng không được củng cố liên tục. Không chỉ có việc phổ biến lợi ích tiêm chủng, sự an toàn của các chủng loại vaccine được lưu hành, cần phải đảm bảo một quy trình y tế thực sự an toàn, kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành tất cả các vaccine, không thể tiêm vaccine giả hay hết hạn.
Những “ưu tiên” bỏ sót
Do tình huống dịch bệnh khẩn cấp và vaccine không đủ nguồn lực phân bổ cùng lúc nên việc triển khai tiêm chủng được thực hiện theo thứ tự ưu tiên. Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành nhắc tới Nghị quyết số 21 của Chính phủ xác định danh sách 9 nhóm đối tượng ưu tiên như cán bộ ở tuyến đầu chống dịch, lực lượng vũ trang,quân đội, công an, giáo viên, người già, người có bệnh nền….Nhưng thực tiễn trong đợt dịch thứ 4 bùng phát đã khiến tinh thần quy định của Nghị quyết 121 xáo trộn, phải linh hoạt điều chỉnh bổ sung đối tượng ưu tiên là công nhân sản xuất trong khu công nghiệp.
Nhưng ông Thành chỉ ra thực tiễn chống dịch cho thấy sự cần thiết phải bổ sung vào trình tự ưu tiên của Nghị quyết 121 hai yếu tố dù có thể “gây tranh cãi” đó là ưu tiên địa phương và ưu tiên về kinh tế. Thậm chí, đây phải là những ưu tiên hàng đầu. Trong đó, những trung tâm kinh tế lớn, tập trung đông dân của cả nước phải trong diện ưu tiên tiêm chủng như Hà Nội, TP. HCM. Ông cho rằng, có sự đánh giá chủ quan dựa khi cho rằng, với nội lực kinh tế của những thành phố lớn như TP.HCM nếu thuộc diện ưu tiên sẽ ảnh hưởng đến cả nước. Nhưng dịch bùng phát tại TP.HCM đã đặt cả hệ thống lâm vào tình thế lúng túng trong phản ứng, an ninh kinh tế xã hội bị ảnh hưởng lớn, không chỉ đối với riêng thành phố. Nó cho thấy, yêu cầu ưu tiên về mặt địa phương là xác đáng.
“Sắp tới sẽ hình thành 2 luồng để đưa vaccine về Việt Nam: thứ nhất vẫn theo các kênh chính thức của Nhà nước và thứ hai là luồng của tư nhân. Vaccine theo kênh của Nhà nước vẫn phân phối theo trình tự ưu tiên. Nhưng vaccine do tư nhân bỏ tiền túi đưa về sẽ tạo ra trạng thái bất bình đẳng. Những doanh nghiệp có nguồn lực, quan hệ, khả năng tiếp cận sẽ mua được vaccine và ưu tiên tiêm cho doanh nghiệp, người lao động của họ và tự chịu trách nhiệm với việc đó. Để tránh những tranh cãi sau này, phải rõ ràng chuyện vaccine của tư nhân mua không cạnh tranh với nguồn chính thức của Nhà nước. Nguồn lực vaccine do tư nhân xoay sở phải được coi là kênh bổ sung, dù có hay không cũng không ảnh hưởng chương trình phân phối vaccine đại trà nhằm đạt miễn dịch đa số cộng đồng của Nhà nước.” – ông Thành phân tích.
Bình luận về quan điểm trên, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright cho rằng việc phân định không cạnh tranh giữa hai luồng vaccine Nhà nước và tư nhân rất quan trọng. Việc các doanh nghiệp tự lo vaccine cho người lao động sẽ làm cho Chính phủ rảnh tay hơn và có thêm nguồn lực để dành cho các đối tượng ưu tiên theo chính sách của Nhà nước. Hai luồng vaccine này không loại trừ mà bổ sung lẫn nhau, với điều kiện phải có sự tách biệt. Ngoài ra, ông cũng lưu ý bổ sung đối tượng ưu tiên là những người lao động mà sinh kế đòi hỏi buộc phải có mặt tại hiện trường như những người giao hàng, lái xe công cộng, xe taxi và xe công nghệ v.v.
“Những đối tượng nêu trên phải được ưu tiên không đơn thuần vì họ chịu rủi ro cao, mà thể hiện trách nhiệm của Nhà nước bảo vệ sinh kế của họ. Họ không ra ngoài đường được là đói. Đây là một ưu tiên rất quan trọng từ góc độ chính sách.” – Tiến sĩ Tự Anh phân tích.
Phép thử năng lực quản trị Nhà nước
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa phân tích, công văn 4433 của Bộ Y tế ban hành ngày 31/5 truyền đi một thông điệp mở rộng tất cả các cửa tiếp cận vaccine và giải thích không độc quyền tiếp cận vaccine, kêu gọi sự tham gia của tất cả địa phương và doanh nghiệp giúp Nhà nước tiếp cận vaccine. Nhiều doanh nghiệp hay địa phương nhảy vào hỗ trợ Nhà nước trong cuộc “mua tranh vaccine” trên toàn cầu này làm nên một khái niệm quản trị nhà nước mới. Đó là Nhà nước dẫn dắt và điều tiết, các nguồn lực khác tham gia ở vai trò đóng góp.
Ông Phạm Duy Nghĩa cho rằng, Bộ Y tế buộc phải đóng vai trò điều tiết bởi có thể xảy ra những nguy cơ hàng giả, kém chất lượng hoặc hàng hết hạn. Bộ sẽ phải áp dụng những quy định hết sức chặt chẽ về kiểm soát và cấp phép nhập khẩu từng lô vaccine. Nguyên nhân là do các điều kiện đàm phán thương vụ vaccine được giữ kín bí mật trong khi các nhà sản xuất được miễn trách nhiệm do vaccine được sản xuất trong tình trạng khẩn cấp.
Các Chính phủ cũng muốn giữ bí mật đàm phán mua vaccine nên dẫn đến việc ban hành luật xác định nếu doanh nghiệp không có lỗi nghiêm trọng thì tất cả những phản ứng phụ và không may mắn xảy ra khi tiêm, từ doanh nghiệp đến đại lý, quản lý và phân phối của họ được miễn trách nhiệm. Lúc này rủi ro bồi thường do Chính phủ nước nhập vaccine chịu.
Theo Nghị định 104/2016, nếu những thiệt hại xảy ra cho người tiêm nằm ngoài dự kiến mong muốn thì Chính phủ Việt Nam chịu trách nhiệm bồi thường Nhà nước. Như vậy, khi doanh nghiệp tận dụng vốn quan hệ xã hội để tiếp cận vaccine, thì Bộ Y tế bắt buộc phải kiểm soát từng lô hàng để tránh hàng giả, rủi ro.
“Ở góc độ thương mại, đây là một bối cảnh đàm phán vaccine đặc biệt khó, ở chỗ anh lấy thì lấy, không lấy thì thôi (“take it or leave it”). Tức là không cho người mua cơ hội đàm phán” – PGS Phạm Duy Nghĩa nhấn mạnh.
Như vậy, chương trình tiêm chủng vaccine Covid trên diện rộng sẽ là một phép thử quan trọng đối với năng lực quản trị, quản lý điều hành của Nhà nước đồng thời là phép thử quan trọng thực chứng quyền tự do của người dân cũng như những quyền lợi hợp pháp của họ được bảo vệ ra sao.
*Nội dung bài viết từ Toạ đàm: Mở rộng nguồn tiếp cận vaccine và Trách nhiệm của Nhà nước do Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright tổ chức, Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh chủ trì dẫn dắt thảo luận.
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược vaccine thần tốc và phép thử năng lực quản trị của nhà nước (Bài 1)
11:26, 28/06/2021