Chống dịch kiểu Việt Nam
Kết quả chống dịch tốt là nhờ Việt Nam đã áp dụng nhất quán những giải pháp cơ bản, chi phí thấp đối với các cá nhân và toàn xã hội.
Việt Nam đang có được mục tiêu kép. Kết quả chống dịch rất tốt (so với mặt bằng chung toàn thế giới) và các hoạt động kinh tế được duy trì.
Kết quả này có được là nhờ cách chống dịch rất Việt Nam. Các quy định hay chính sách bằng văn bản là rất nghiêm ngặt, nhưng cách triển khai linh hoạt, tùy vào đối tượng và sự tuân thủ linh hoạt và hợp lý của người dân.
Hôm qua (29/6) Tổng cục Thống kê đã công bố số liệu kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm với tốc độ tăng trưởng GDP 5,64%. Dựa vào thông tin trên truyền thông và các trend trên mạng xã hội thì có thể có người nghi ngờ hay đặt dấu hỏi về con số này.
Tuy nhiên, tôi cho rằng con số này phản ánh đúng thực chất của nền kinh tế Việt Nam vì những hoạt động kinh tế không khác nhiều so với thời điểm trước khi có dịch. Có ba dấu hiệu dưới đây phản ánh điều này.
Thứ nhất, các hoạt động ngoại thương vẫn rất sôi động mà nó thể hiện ở tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu 28,4% và nhập khẩu tăng 36,1%.
Thứ hai, thu ngân sách đạt đến 57,7% dự toán (6 tháng đầu năm các năm trước thường thấp hơn 50%) và thu nội địa đạt 55,5% dự toán. Có hoạt động kinh tế thì mới có thể thu được ngân sách. Thực tế tôi đi một số địa phương thấy các hoạt động kinh tế rất sôi động.
Thứ ba, các hoạt động của người dân và mức tiêu dùng trong xã hội vẫn bình thường. Tôi thấy sức mua tại chợ Tân Mỹ, Quận 7, TP HCM gần đây không khác nhiều so với hai năm trước đây và các hoạt động mua bán ở chợ Đồng Xoài, Bình Phước hôm chủ nhật tuần trước vẫn rất sôi động. Tôi thấy nó bình thường như rất nhiều chợ trung tâm ở các tỉnh lỵ trước đó.
Những sai số về tính toán luôn là chuyện muôn thuở trong thống kê, nhất là ở Việt Nam, nhưng các hoạt động dịch vụ (toàn bộ) có lẽ không bị ảnh hưởng quá nhiều.
Việt Nam đạt được kết quả kinh tế như hiện nay và kết quả chống dịch vẫn hết sức tích cực (cho dù ở giai đoạn khó khăn nhất, nhưng so với nhiều nước khác thì mức độ nghiêm trọng của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều) là do cách chống dịch rất Việt Nam, thấy vậy mà không phải vậy.
Nếu chỉ đọc tin tức trên truyền thông và các trend trên mạng xã hội thì sẽ thấy rằng trong hơn một năm qua, nhiều thời điểm nền kinh tế Việt Nam dường như phải dừng lại vì ưu tiên chống dịch. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy.
Kết quả chống dịch COVID-19 tốt là nhờ Việt Nam đã áp dụng nhất quán những giải pháp cơ bản, chi phí thấp đối với các cá nhân và toàn xã hội gồm: (1) đeo khẩu trang (điều này được thực thi hết sức nghiêm ngặt); (2) giãn cách xã hội và hạn chế tụ tập đông người; và (3) truy vết và cách ly các đối tượng F có nguy cơ bị bệnh và lây nhiễm cao.
Đối với nền kinh tế, hầu hết các hoạt động vẫn bình thường. Ví dụ, trong những ngày nước sôi lửa bỏng ở TP HCM gần đây thì các quy định về chống dịch, giãn cách, dừng hoạt động chỉ được thực thi nghiêm ngặt đối với những trường hợp, tình huống có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc hiển hiện trước mắt truyền thông, trong khi nhiều hoạt động khác vẫn bình thường.
Nói cách khác, đời sống và mức sinh hoạt cơ bản của rất nhiều người dân vẫn bình thường. Các chợ truyền thống về cơ bản vẫn vậy, các hoạt động bị ảnh hưởng nhiều là các trung tâm mua sắm hoặc một số hoạt động dịch vụ cao cấp cho tầng lớp thu nhập khá trong xã hội mà thôi. Thực tế, số sử dụng các hoạt động dịch vụ cao cấp chưa nhiều nên mức độ ảnh hưởng của chúng là không lớn.
Cuối cùng, dịch bệnh COVID-19 như hiện tại thì các đối tượng yếu thế trong xã hội bị ảnh hưởng nhiều nhất. Đây là việc của nhà nước và cộng đồng. Trên thực tế, Nhà nước có nhiều hạn chế và giới hạn nên các chính sách chăm lo các đối tượng yếu thế trong xã hội chưa thực sự hiệu quả. Đối với cộng đồng, cho dù có những hình ảnh đẹp, nhưng vai trò của trụ cột này trong xã hội, so với nhiều nơi khác trên thế giới, vẫn còn rất khiêm tốn.
Có thể bạn quan tâm
Hơn 200 cán bộ của VCCI được tiêm vaccine phòng COVID-19
18:09, 29/06/2021
TP.HCM xin giữ lại kinh phí ủng hộ phòng dịch COVID-19 để mua vaccine
10:14, 29/06/2021
Vì sao làn sóng COVID-19 nhanh chóng bùng nổ tại Nga?
04:25, 29/06/2021
Lạng Sơn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng giữa tâm dịch COVID-19
02:48, 29/06/2021
Chính sách an dân giữa đại dịch COVID-19
06:48, 28/06/2021
Quảng Ninh chung tay cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19
00:04, 28/06/2021
Đấu thầu gửi tiền Quỹ vắc xin COVID-19, ngân hàng nào sẽ trúng?
15:10, 27/06/2021
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động gặp khó do COVID-19
00:10, 26/06/2021
Đối tượng nào được hưởng gói hỗ trợ COVID-19 tại TP HCM?
13:15, 25/06/2021
TP HCM nỗ lực đẩy tiến độ tiêm vaccine COVID-19
11:00, 25/06/2021