Văn bản của Bộ Y tế và góc khuất của "lobby chính sách"?
Loạt diễn biến bất thường từ Công văn 5944 của Bộ Y tế và công ty Sao Thái Dương để lại quá nhiều dấu hỏi!
Năm 2019 bộ phim “Sinh tử” lên sóng VTV, phim lấy đề tài mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ quan công quyền, phản ảnh thực trạng một số cán bộ thoái hóa biến chất cộng hưởng với doanh nghiệp “sân sau” tạo thành nhóm lợi ích phá nát chính sách.
Khán giả được chiêm nghiệm những điều tưởng chừng chỉ được nghe bên cốc trà đá vỉa hè, mường tượng qua truyền thông, báo chí. Khen cho chủ bút kịch bản, hoan hô cho cơ quan kiểm duyệt có phần “dũng cảm” để phim lên sóng, bởi vì nó đã lột tả trần trụi những điều tồi tệ nhất xảy ra ở Việt Nam mấy năm trước.
Xem Công văn số 5944 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn ký ngày 24/7 tăng cường phòng chống dịch COVID-19 bằng sản phẩm cổ truyền đông y; biết bảng giá mới của công ty Sao Thái Dương ngày 19/7 và đọc một bài đăng facebook của bà chủ công ty này vào ngày 17/7.
Ba mốc thời gian trên làm tôi nhớ lại bộ phim “Sinh tử” và ấn tượng sâu sắc hơn với nhân vật Mai Hồng Vũ, một chủ doanh nghiệp có biệt tài “đi ngày đi đêm” để lobby chính sách.
Dự án mới phôi thai Vũ đã biết hết tất tần tật, thầu chưa mở đấu Vũ đã nắm chắc phần trúng, thân thiết săn đón con trai Chủ tịch tỉnh, và sau này đoạn cuối phim khi quyền lực ngút trời, các quan há miệng mắc quai, Vũ bèn thò tay “bổ nhiệm” cả Giám đốc sở là người phe mình!
Khi quan tham hưởng hết vị ngọt từ mối quan hệ với doanh nghiệp dị thường, tất thảy mọi việc lớn nhỏ phải có tiếng nói từ Mai Hồng Vũ. Phim mà đời, ngẫm nghĩ thấy chẳng sai.
Không liên tưởng đến phim ảnh sao được khi Bộ Y tế phát hành công văn… chậm hơn doanh nghiệp công bố sản phẩm của mình được chọn lựa hỗ trợ điều trị COVID-19.
Công văn 5944 có đoạn: “Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế khám chữa bệnh, quảng cáo không đúng nội dung được cấp thẩm quyền phê duyệt, kinh doanh sử dụng dược liệu thuốc cổ truyền không có nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ tăng giá”, “Tăng cường truyền thông sử dụng thuốc cổ truyền”.
Chẳng biết công văn này cấm ai và truyền thông cho ai. Nhưng cho phép hiểu là từ đây, trên phạm vi toàn quốc sản phẩm đông y của Sao Thái Dương đã được quy phạm hóa, được ưu tiên, được bắt buộc, còn tất thảy đều “chống chỉ định”!
Trong hoàn cảnh dịch dã này “trời kêu ai nấy dạ”, nào là sả, gừng, dầu mè… hễ nghe đồn trị được COVID-19 ngay lập tức được săn lùng áp dụng. Sao Thái Dương thật biết cách nắm bắt cơ hội tăng giá 15 viên Kovir lên 1.000.000đ!
Kiếm lời từ thảm họa, ngẫm ra chẳng phải chuyện được "sáng tạo" ở thời hiện đại. Trong cổ tích, thời của Thạch Sùng, ông bà ta đã kể về việc trục lợi từ nước mắt nhân dân.
Thời của chúng ta, khó mà có thể giấu thông tin để trục lợi một mình như Thạch Sùng. Nhưng sự bùng nổ của nỗi sợ hãi bệnh dịch với những con số ca nhiễm nhích lên từng ngày; cũng là lúc cần hơn nữa những tấm lòng của doanh nghiệp.
Ở chiều ngược lại, một văn bản được coi là "sơ xuất" của Bộ Y tế dường như đã làm xói mòn lòng tin của người dân.
Thật khó để tin rằng, việc này chỉ là trùng hợp và cũng khó để tin rằng, cơ quan công quyền và doanh nghiệp hoàn toàn không “biết gì nhau” trong trường hợp này.
Có hay không một cú lobby chính sách? Có hay không các bên bắt tay nhau nâng giá sản phẩm, móc túi người tiêu dùng trong lúc không có nhiều lựa chọn, gây bất bình đẳng môi trường kinh doanh?
Có hay không, có lẽ câu hỏi này là thừa, hy vọng cơ quan chức trách sẽ điều tra làm rõ. Nhưng tôi tin rằng, không ai có thể nghĩ một cách thẳng băng mà chẳng lấn cấn khi tiếp cận được thông tin ngang trái này.
Khi cả nước gồng mình chống dịch, sinh mạng hàng triệu người như đèn trước gió, khi tình đồng bào đồng chí là chỗ níu giữ ấm áp vẫn có người nỡ “ra tay” lạnh lùng vậy hay sao?
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.
Trước đó, trong công văn số 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống bệnh dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu, Bộ Y tế công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị COVID-19 cho F0 nhẹ, không triệu chứng, các y, bác sĩ tuyến đầu và các đối tượng cách ly F1. 1. Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); 2. Viên nang Kovir (Công ty Cổ phần Sao Thái Dương); 3. Bạch địa căn (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); 4. Siro Viêm họng (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an);5. Siro Dưỡng âm bổ phế (Bệnh viện YHCT, Bộ Công an); 6. Siro Ngân kiều (Viện YHCT Quân đội - Bộ Quốc phòng); 7. Hạnh tô (Bệnh viện YHCT Trung ương); 8. Vệ khí khang (Viện YHCT Quân đội - Bộ Quốc phòng); 9. Hoạt huyết Nhất Nhất (Công ty TNHH Dược phẩm Nhất Nhất); 10. Viên nang Imboot; 11. Xuyên tâm liên; 12. Viên nang Nasagast – KG. Bộ Y tế cũng đưa ra một số danh mục sản phẩm khác như: Sản phẩm sát khuẩn; thuốc xịt họng; các sản phẩm hỗ trợ nâng cao sức khỏe, đi kèm với hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng, thành phần, công dụng… của các sản phẩm này. |
Có thể bạn quan tâm
Bộ Y tế thu hồi công văn về 12 loại thuốc y học cổ truyền phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19
16:44, 26/07/2021
Truy nã quốc tế kẻ chủ mưu, cầm đầu vụ thuốc giả VN Pharma
15:30, 20/07/2021
Hà Nội công bố mức xử phạt 16 hành vi vi phạm phòng, chống dịch COVID-19
11:22, 26/07/2021
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: "Ba chìa khóa" kiểm soát các biện pháp chống dịch
00:00, 26/07/2021
Cần sự hợp tác giữa các địa phương để cùng chống dịch COVID-19
20:32, 25/07/2021
Chính quyền và nhân dân đồng lòng "trường kỳ" chống dịch
06:00, 24/07/2021