Buồn vì lịch sử dân tộc hào hùng nhưng điểm thi lịch sử luôn đội sổ
Môn Lịch sử luôn tạo ra dư chấn xã hội với lượng điểm 0 và các kiến thức sai của học trò, những người sẽ nắm tương lai vận mệnh đất nước.
Ngày 26/7, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả phân tích phổ điểm thi các môn thi kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Đáng buồn khi năm nay, Lịch sử tiếp tục có điểm trung bình thấp nhất nhưng có biến động so với những năm trước.
Cụ thể, môn Lịch sử có 637.005 thí sinh thi, trong đó điểm trung bình là 4,97 điểm, điểm trung vị là 4,75 điểm; Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4,0 điểm. Số thí sinh có điểm nhỏ hơn hoặc bằng 1 là 540 (chiếm tỉ lệ 0,08%); số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 331.429 (chiếm tỉ lệ 52,03%).
Nguyên nhân khiến điểm môn Lịch sử thấp, theo các chuyên gia, là do nhiều thí sinh chọn môn Lịch sử thi chỉ để đủ điểm xét tốt nghiệp. Mặc dù tỉ lệ thí sinh chọn bài thi tổ hợp khoa học xã hội để dự thi, trong đó có môn thành phần là môn Lịch sử, cao hơn môn khoa học tự nhiên, nhưng mục tiêu của sự lựa chọn này là nhằm vào hai môn còn lại trong tổ hợp là Giáo dục công dân và Địa lý.
Môn Giáo dục công dân có nhiều câu hỏi gần gũi với cuộc sống của thí sinh, dễ nhớ, dễ có điểm; môn Địa lý thì được sử dụng Atlat... Với thực trạng như vậy, 52,03% thí sinh đạt điểm Lịch sử dưới trung bình.
Ngoài ra, việc môn thi Sử luôn đứng đội sổ trong các môn thi đang được đánh giá là do việc học Sử đã khó, việc dạy Sử còn khó hơn. Nhiều giáo viên Sử hiện nay vẫn đi theo lối mòn khô khan thiếu linh hoạt vô tình làm cho học sinh chán Sử.
Có điều, môn Sử vẫn không thoát khỏi “những bóng ma” điểm 0 dai dẳng nhiều năm qua. Hằng năm, sau mỗi kỳ thi lại có những thống kê về bạt ngàn điểm 0 môn Sử và những câu hỏi được đặt ra về chất lượng dạy và học môn học ý nghĩa này.
Việc này đặt ra cho chúng ta một số vấn đề tuy mới mà cũ đó là: Dạy và học Lịch sử như thế nào cho hiệu quả? Phải bắt đầu đổi mới từ đâu? Từ nhận thức của giáo viên, những nhà quản lý giáo dục, hay từ việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, công cụ hỗ trợ trong giảng dạy…?
Nhìn rộng ra, ở nước ngoài (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…) người ta giáo dục công dân bằng một cách rất hiệu quả là làm các bộ phim về lịch sử rất hoành tráng để quảng bá lịch sử dân tộc nước mình. Thì nước ta đang tự bỏ dần lịch sử đất nước để chạy theo thành tích của ngành giáo dục.
Trong khi các nhà giáo dục còn đang loay hoay với việc tìm ra phương pháp dạy và học môn Lịch sử, thì có vẻ như ngành giáo dục lại chưa biết tận dụng tối đa các nguồn lực sẵn có để phục vụ công tác giảng dạy và tạo sự hứng thú cho học sinh đối với môn này.
Ví như, theo một thống kê: Nước ta hiện có 161 bảo tàng, trong đó có 82 bảo tàng cấp tỉnh với hàng triệu tài liệu hiện vật được lưu trữ, nhưng lại đón được rất ít khách đến tham quan. Đáng chú ý phải kể đến bảo tàng Thái Nguyên, có năm chưa đón được 1 người/ngày; Bảo tàng Nghệ An hàng chục năm không đón nổi một đoàn khách; Bảo tàng Hải Dương có diện tích hơn 8000m2 là nơi lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị nhưng nhiều ngày không một người ghé thăm…
Theo đó, cần biết kết hợp phương pháp giảng dạy lý thuyết và thực tiễn, trực quan, sinh động thì giá trị của bài học mang lại sẽ rất lớn, đồng thời, còn giáo dục học sinh biết trân trọng và giữ gìn những gì mà cha ông đã để lại.
Nói thẳng ra, môn Lịch sử là một môn không thể không học vì nó là cội nguồn của dân tộc. Muốn xây dựng lòng yêu nước tự hào dân tộc, yêu thương đồng bào thì trước tiên phải học lịch sử dân tộc sau đó học đến môn Văn, vì đó là văn hóa của một đất nước.
Văn hay, chữ tốt mà Lịch sử mù thì không phải lỗi của con trẻ, học sinh, mà là có phần lỗi của người lớn. Thử hỏi mầm non tương lai của đất nước mai kia trở thành lãnh đạo (dù lớn hay nhỏ) mà mù sử ta thì đất nước sẽ đi về đâu? Việc thi Lịch sử tốt nghiệp, chú trọng học lịch sử là khẳng định trách nhiệm của người lớn đối với tương lai của dân tộc.
Điều này cũng có nghĩa, riêng đối với bộ môn lịch sử chúng ta nên ưu tiên lên hàng đầu, bởi đó là cái nôi, cái gốc văn hóa mà bất kỳ mỗi chúng ta ai cũng nên học và hiểu rõ. Xã hội càng xem nhẹ môn Lịch sử bao nhiêu thì giá trị nhân văn của dân tộc đó càng đi xuống bấy nhiêu.
Dân tộc ta có một lịch sử hào hùng, đáng tự hào, nhưng con em chúng ta lại không thích học và tìm hiểu về lịch sử. Đó là một điều đáng buồn!