Vì sao Mỹ là điểm đến của tấn công mạng?
Các cuộc tấn công mạng giữa các cường quốc là mồi lửa có thể thổi bùng xung đột vũ trang!
Tổng thống Joe Biden ngày 27/7 cảnh báo một cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào Mỹ có thể dẫn đến một cuộc “chiến tranh nổ súng thật” với một cường quốc. Ông J. Biden đang ám chỉ ai?
Các cuộc tấn công mạng tăng lên đột biến dưới nhiệm kỳ Joe Biden, các nước cạnh tranh trực tiếp với Mỹ được cho là có liên quan. Người ta đặt ra giả thiết rằng, Trung Quốc và Nga đang thử thách Mỹ trong lĩnh vực an ninh mạng?
Đây có vẻ là lý do xưa cũ, bởi vì tài nguyên số của Mỹ là kho báu khổng lồ về công nghệ mới, chiến lược mới, toan tính mới,… mà tất cả đều muốn biết để phòng ngừa, chẳng phải bây giờ.
Có điều gần một năm ngồi ghế Tổng thống, ông Biden tỏ ra khá kín tiếng, thói quen rất ít khi thấy ở một Tổng thống Mỹ. Điều này khiến Bắc Kinh và Moscow cũng như Teheran cảm thấy sốt ruột.
Ngoài những tuyên bố chung chung về mối liên minh chẳng có gì mới với châu Âu, Nhật Bản, Australia, Nhà trắng rất ít khi đề cập đến mối quan hệ với Trung Quốc, Nga. Người Mỹ đang mưu tính gì?
Moscow vẫn nghi ngờ ông Joe Biden còn “khó chơi” hơn ông Donald Trump, còn Bắc Kinh không biết Washington dự tính gì cho chiến tranh thương mại đang treo lơ lửng!
Là cường quốc kinh tế số 1 thế giới, nơi có hàng ngàn doanh nghiệp siêu khủng, nắm quyền điều hành chuỗi giá trị toàn cầu, ảnh hưởng trực diện đến tình hình thế giới là miếng mồi béo bở cho các tổ chức tin tặc.
Nước Mỹ đạt tỷ lệ số hóa thuộc top cao nhất thế giới, có nghĩa rằng tất cả tài nguyên, tinh túy, bí mật của nước Mỹ đều có thể tìm kiếm trên không gian mạng.
Nhìn vào sự phát triển của Trung Quốc, nhất là khả năng sao chép mẫu mã, tính năng sản phẩm từ vũ khí tối tân đến hàng tiêu dùng từ các cường quốc công nghệ, nhiều người đặt câu hỏi: Thành tựu ấy từ đâu mà có? Vì sao ông D. Trump kiến quyết cấm vận Huawei? Vì sao nhiều sản phẩm Trung Quốc y hệt nước ngoài?
Bộ Tư pháp Mỹ nhiều lần cáo buộc gián điệp Trung Quốc giở trò “hai ngón” với dữ liệu của các hãng công nghệ Mỹ. Mới nhất, ngày 17/7 Mỹ và NATO, EU, Australia, Anh, Canada, Nhật Bản và New Zealand tố Trung Quốc tấn công mạng.
Thật ra chiến trang mạng cục bộ đã diễn ra từ lâu, điển hình xung đột vũ trang ở Kosovo và Nam Ossetia năm 2008, bên cạnh súng ống, tên lửa, thế giới đã chứng kiến màn đọ sức gay cấn Nga - Mỹ trên mặt trận thông tin.
Năm 2020, Mỹ và Nga tiếp tục căng thẳng tột độ sau khi SolarWinds nhà cung cấp dịch vụ quản lý trực tuyến tại Mỹ bị tấn công. Danh sách các nạn nhân được biết cho đến nay bao gồm các Bộ Ngoại giao, Tài chính, An ninh Nội địa, Thương mại và Năng lượng và ít nhất 3 bang.
Đầu tháng 7 năm nay ngay trước thềm quốc khánh Mỹ, Công ty quản lý hệ thống mạng Kaseya ở Florida bị tin tặc khoắng dữ liệu máy chủ đã ảnh hưởng đến 1.500 doanh nghiệp tại ít nhất 17 quốc gia ở 5 châu lục.
Công ty an ninh mạng Cybereason ước tính cứ mỗi 11 giây lại có một vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc nhắm vào các doanh nghiệp trên thế giới. Tổng thiệt hại toàn cầu trong năm 2021 vì các vụ tấn công mạng đòi tiền chuộc sẽ lên đến 20 tỉ USD.
Thiệt hại do tấn công mạng không thua kém bất cứ cuộc khủng hoảng kinh tế nào, dĩ nhiên trong vấn nạn này nước Mỹ luôn là mục tiêu được nhắm đến nên tuyên bố đe dọa của ông Joe Biden là có nguyên nhân.
Có thể bạn quan tâm