Cơ hội nào cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam?
Mặc dù Việt Nam được xem là “đất lành” để các hãng đại công nghệ chọn làm nơi phát triển, tuy nhiên ngành công nghiệp hỗ trợ Việt vẫn chưa thể nhập cuộc để tìm cơ hội phát triển.
Hiện tại, Việt Nam đang là địa điểm thu hút nhiều hãng công nghệ chọn làm nơi phát triển chuỗi sản xuất. Trong đó, chuỗi cung ứng của đại hãng công nghệ Samsung và Apple đã hình thành và đang dần mở rộng ở hiện tại và sẽ còn phát triển ở tương lai.
Đối với Samsung, hiện hệ thống công nghiệp hỗ trợ của hãng này đã lên đến 28 nhà cung ứng tại Việt Nam. Tuy nhiên, các công ty cung ứng cho đơn vị này đều là các doanh nghiệp nước ngoài (FDI).
Đặc biệt, các nhà cung ứng này chiếm đến 80% các giao dịch của Samsung và cung cấp 60% linh kiện. Đồng thời, các nhà cung ứng này liên tiếp thu hút, kéo theo nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Trung Quốc chuyển cơ xưởng sang Việt Nam như hai hãng thiết bị viễn thông hàng đầu KMW và Ace Technologies (tháng 10/2020).
Tương tự, số liệu các nhà cung ứng dịch vụ cho Apple tại Việt Nam cũng đã tăng lên con số 22 so với trước đó. Đồng thời, đã có rất nhiều cơ xưởng chuyển từ Trung Quốc, Hồng Kông sang Việt Nam sau thương chiến Mỹ - Trung. Hiện Bắc Ninh và Bắc Giang được xem là 2 địa phương được các doanh nghiệp này ưu tiên lựa chọn.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp như Sam Sung, Apple này lựa chọn Việt Nam làm nơi xây dựng cơ xưởng, nhà máy dựa trên các yếu tố giá lao động, các ưu đãi về đất đai và thuế. Dựa trên các yếu tố có lợi về kinh tế, các doanh nghiệp lớn muốn tiết kiệm chi phí hơn khi hoạt động ở Việt Nam, sau đó mới nghĩ đến việc phát triển thông qua đội ngũ kỹ sư Việt.
Đặc biệt, sau khi có “bản doanh” tại Việt Nam, những doanh nghiệp này sẽ thu hút thêm hàng loạt các doanh nghiệp khác đến Việt Nam để làm chuỗi cung ứng. Vì vậy, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất khó có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng từ các doanh nghiệp FDI này.
Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam đang có rất nhiều ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp FDI. Việc này cũng sẽ là nguồn động lực để các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với nên công nghiệp hiện đại, tiên tiến và nắm bắt cơ hội của mình. Tuy nhiên, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn chưa thể tận dụng tốt lợi thế sân nhà.
Yếu tố mấu chốt đó chính là các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa thể đáp ứng được yêu cầu mà ngành nghề, các doanh nghiệp lớn đề ra. Đồng thời, các cơ quan quản lý vẫn chưa có sự quan tâm sát sao đến cộng động doanh nghiệp này, chưa tập trung đến khó khăn của từng cá thể mà chỉ quan tâm theo kiểu dàn trải.
Bà Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) từng nhận định: Quy mô doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ rất nhỏ, máy móc ít, trình độ quản lý chưa cao nên chỉ đáp ứng được các đơn hàng nhỏ và linh kiện rời. Đồng thời, số lượng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đạt yêu cầu về chất lượng rất ít.
Hiện tại, các doanh nghiệp vẫn chưa có được các sản phẩm là cụm linh kiện hoàn chỉnh nên doanh nghiệp phải chia nhỏ thành nhiều phần, dẫn tới khó cạnh tranh về giá. Ngay tại nhà máy ở Việt Nam, nhiều linh kinh không thể gia công hoàn thiện, phải gửi sang các nước khác rồi sau đó nhập lại về Việt Nam khiến doanh nghiệp tốn thêm rất nhiều thời gian, công sức và chi phí.
Ngoài ra, việc không có nguồn cung ứng nội địa nên hầu hết công cụ sản xuất đều phải được nhập khẩu quốc tế. Đồng thời, hiện nay các doanh nghiệp đang chịu các khoản chi phí vận hành rất cao từ máy móc đến nhân công nên việc đầu tư, sản xuất không thực sự đồng bộ, quyết liệt.
Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định hỗ trợ cho các đối tượng nằm trong ngành công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa thẻ tận dụng tốt những ưu đãi dành cho mình.
Có thể thấy, các đối tượng được hưởng lợi chủ yếu từ Nghị định 57/2021-NĐ-CP chính là doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, hiện nay các doanh nghiệp FDI đang có sự đầu tư quy mô về công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam cho nên việc tận dụng ưu đãi sẽ là yếu tố tiên quyết dẫn đến thành công.
Và, ưu đãi của Chính phủ chia đều cho các doanh nghiệp nội địa cũng như quốc tế. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cần xem xét đầu tư những lĩnh vực thiết yếu, tạo cơ hội hòa nhập cùng cộng đồng doanh nghiệp FDI. Đặc biệt, chú trọng phát triển liên quan đến ngành công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện,...
Có thể bạn quan tâm
Cơ hội cho doanh nghiệp ngành công nghiệp phụ trợ ô tô
03:30, 21/11/2018
Cơ hội để doanh nghiệp Việt "chen chân" vào chuỗi cung ứng ngành công nghiệp phụ trợ
11:10, 25/06/2018
Giải bài toán chuỗi giá trị ngành công nghiệp phụ trợ có dễ?
06:45, 31/05/2018
“Tạo sóng” FDI vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ ngành ôtô
02:17, 16/03/2018
“Chen chân” vào chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ Nhật Bản: Doanh nghiệp Việt cần gì?
08:19, 14/05/2018