“Sinh mệnh” người Việt trẻ nơi xứ Phù Tang
Người Việt trẻ mưu sinh bên xứ sở “Hoa anh đào” phần lớn đi theo xuất khẩu lao động, du học mong được “đổi đời” và có biết bao bi kịch đã diễn ra mà người ở nhà không hay, chỉ nghe nói “bên bển”.
Xuất khẩu lao động hay du học bên Nhật là lựa chọn phần lớn của người Việt muốn được “đổi đời”. Lý do được ưu tiên là thượng, hạ tầng của Nhật đều rất cao, lương cơ bản lại tốt, “thu hồi” vốn đi ban đầu nhanh. Nhưng cuộc mưu sinh nào chẳng khốc liệt, chẳng cay đắng và đôi khi là đánh đổi cả sinh mệnh của mình.
Người Việt bên Nhật thường là lứa tuổi trẻ, một phần vì nhu cầu tuyển dụng của các công ty đối tác, một phần vì sức trẻ mới có thể lao động theo cường độ mà phía họ yêu cầu. Hiếm hoi lắm mới có người Việt đổi đời nơi xứ Phù Tang, còn đại đa số hết hạn Visa là về nước và cầm theo một số vốn tích lũy những năm lao động để khởi nghiệp lại từ đầu ở quê hương.
Đi lao động xuất khẩu thì dù ở Nhật hay ở bất kỳ nước tư bản nào cũng đều nhọc nhằn, họ phải đánh đổi thanh xuân, sức khỏe, nỗi cô đơn để mong được thoát nghèo khi trở về quê hương. Bất kỳ người lao động nào cũng đều mang theo gánh nặng tài chính nơi quê nhà nên phải chăm chỉ làm việc để có tiền gửi về trả nợ và tích lũy cho bản thân.
Nhưng “cơm nước người” đâu thể vừa cười vừa ăn, người Việt đến Nhật với vai trò là đi làm thuê thì đâu được xem trọng, thậm chí còn có điều tiếng là người Việt hay “hách” đồ (một thuật ngữ dành cho những người đi lấy trộm đồ ở công ty và siêu thị), tại sao người Việt lại trở nên “xấu xí” như vậy bởi quyền lợi bên đó của ta không có, nghiệp đoàn mang người Việt sang như đem con bỏ chợ.
Mỗi một người Việt khi đi bỏ ra 200-300 triệu đồng mà lương tháng được 20 - 30 triệu đồng thì “bần cùng sinh ra đạo tặc”. Bị chủ ép, làm vất vả nên phải bỏ trốn ra ngoài, khi ra ngoài không có ăn, không có việc làm, người Việt lừa người Việt, rồi bị cảnh sát truy lùng vì sống bất hợp pháp. Không có ai nương tựa nên phải kiếm kế sinh nhai và duy trì sự sinh tồn. Ai không may bị phát hiện và trục xuất về nước thì đành phải chịu.
Tất cả những thực tế đó là do khi đi không tìm hiểu trước về thực tế bên Nhật như thế nào, thông tin chỉ nghe qua các trung tâm “môi giới” nói. Tiếp đến, bất đồng ngôn ngữ cũng là một trở ngại khiến cho người Việt gặp rất nhiều khó khăn. Sinh mệnh của người Việt nơi xứ người lúc nào cũng mong manh.
Chúng ta thừa nhận rằng người Việt nếu không tự che chở nhau, nương tựa nhau thì rất “đơn độc” nơi đất nước mặt trời mọc. Dù là chuyên gia sang làm việc, hay xuất khẩu lao động thì khi ở nơi xứ người không phải ai cũng được coi trọng. Vết “hằn” này một phần do phân biệt vùng miền, một phần do ý thức họ cho ta là người đi làm thuê.
Điền hình như vụ án chấn động Việt Nam cách đây 4 năm của bé Nhật Linh bị hãm hiếp và sát hại nhưng đến tận 23/3/2021, Tòa án cấp cao đã bác đơn kháng cáo của Yasumasa Shibuya (49 tuổi), kẻ sát hại bé Nhật Linh năm 2017, tuyên y án chung thân mà tòa sơ thẩm Chiba đưa ra hồi tháng 7/2018.
Trong khi đó, công tố viên tiếp tục đề nghị án tử hình đối với bị cáo Shibuya. Gia đình bé Nhật Linh không chấp nhận bản án trên và nói rằng sẽ kháng cáo. 4 năm đã trôi qua nhưng vụ án bé Nhật Linh vẫn khiến nhiều người đau đớn và xót xa tột cùng.
Ở một “thế giới” sinh tồn phức tạp như vậy thì những vụ đánh nhau, giết nhau, lừa nhau xảy ra đương nhiên sẽ nhiều. Gần đây, chúng ta xôn xao về một người Việt trẻ bị sát hại tại Nhật cũng là do bị đưa lên mạng xã hội, chứ việc này đâu có mới mẻ, lạ lẫm gì với người Việt ở Nhật.
Nạn nhân được xác định là nam sinh Trịnh T.A (SN 1999, quê phường Hưng Đạo, quận Dương Kinh, Hải Phòng) du học tại Nhật Bản. Những hình ảnh cuối cùng của T.A bị sát hại được ghi lại bởi những người có mặt tại hiện trường.
Video kéo dài vài phút đã làm nhiều người cảm thấy không thở nổi, khi thấy cảnh T.A bị đấm, giẫm đạp liên tiếp vào người, vào mặt. Hung thủ thậm chí còn cố tình giằng tay nạn nhân (khi đó đang cố bám vào thành cầu) để ném cậu xuống sông rồi dùng chân dìm nạn nhân chìm sâu xuống.
Khi sự việc xảy ra, trên mạng Twitter tại Nhật liên tục có các bình luận: "Tại sao những người chứng kiến sự việc không báo cảnh sát sớm hơn? Ở các nước khác, họ sẽ lao vào cứu nạn nhân ngay lập tức. Tôi nghĩ đây là do hiệu ứng người ngoài cuộc, một dạng tâm lý xã hội thật khó lý giải", một người dùng mạng ý kiến.
Tuy nhiên, anh Đ.T một người Việt sinh sống lâu năm tại Nhật thì cho biết: “Vụ này nổi lên vì có người quay thôi chứ có nhiều vụ lắm vì sinh sống bất hợp pháp, người bản sứ họ mới giải quyết chứ người Việt thì khó lắm. Xảy ra cái gì cũng không quan tâm. Người Việt bên Nhật cũng chơi theo các hội địa phương như: Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa… và thi thoảng cũng có giao lưu. Chuyện cướp bóc, giết hại nhau thì nhiều, nhưng thực sự thấy chua xót cho cảnh nơi xứ người đã không đoàn kết mà lại còn sát hại nhau để họ bình phẩm và đánh giá về người Việt”.
Vậy “tâm lý xã hội” khó lý giải này không phải chỉ là một bộ phận của lớp trẻ Việt Nam mà là chung của rất nhiều các quốc gia có người Việt đang sinh sống. Đây là tâm lý của một “thế hệ” du nhập nhiều dạng văn hóa mà không qua “màng lọc” nên dẫn đến tâm lý chung là “vô cảm”.
Ngoài ra, sự nhọc nhằn mưu sinh và sức ép của gia đình cũng khiến cho những người Việt trẻ xa xứ không còn cảm xúc với nhau, bất kỳ ai cũng là “đối thủ” có thể cướp đi “miếng cơm” của mình.
Và quan trọng hơn cả là thứ cảm xúc thăng hoa khi mình được nhiều người quan tâm biết đến sau những ngày cô đơn với chính mình của lớp trẻ đã tạo thành xu thế.
Không phải là chuyện một “mạng người” mà bất kỳ chuyện gì có thể khiến cho giới trẻ hưng phấn được họ đều có thể làm, không cứ là câu like. Đó là một thế hệ trẻ cô đơn và không “màng lọc”.
Câu chuyện của T.A không phải là câu chuyện “mới” ở lĩnh vực “cũ”, cứ mỗi khi có việc trấn động dư luận thì chúng ta lại luận bàn về vấn đề tâm lý của giới trẻ và cùng tìm hiểu về nguyên nhân.
Nhưng mọi cái đều là kết cục biện chứng xã hội của xu thế hội nhập. Điều này không thể khác được!
Có thể bạn quan tâm
Mạng người sống hay chết đôi khi chỉ bằng trò “câu like”
07:47, 05/08/2021
Vô cảm và hậu quả khôn lường
13:07, 22/06/2021
Cháu bé 3 tuổi rơi từ tầng 12 chung cư và màn quảng cáo VÔ CẢM!
11:00, 04/03/2021
Khi sự vô cảm “len lỏi” giữa bệnh thành tích
18:06, 11/07/2020
Đại biểu Quốc hội lo lắng về sự vô cảm, thờ ơ của nhiều tổ chức, cá nhân
11:01, 05/11/2019
Thói vô cảm giết chết doanh nghiệp!
11:05, 14/02/2019
Xin bớt vô cảm với dân!
01:15, 15/11/2018