Tâm thư "tam nông" gửi Bộ trưởng Lê Minh Hoan
Tôi thấy lo lắng vì thẳm sâu trong đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị ở nông thôn đang rạn ra những vết nứt ngày một lớn!
Thưa Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - Lê Minh Hoan!
Vài tuần nay, chứng kiến dòng người lũ lượt, tất tả rút chạy khỏi TPHCM lánh dịch COVID-19. Tôi chợt nghĩ, với vai trò, cương vị, chức vụ hiện tại và kinh nghiệm từ Đồng bằng Sông Cửu Long của Bộ trưởng, ông hẳn sẽ có suy nghĩ gì đó về nông nghiệp, nông thôn, nông dân?
Dòng người tháo chạy, họ là ai? Họ chính là con em nông dân, vì không thể, hoặc rất khó mưu sinh trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên nên buộc lòng ly nông, ly hương tập trung về đô thị, nơi có những khu công nghiệp, khu chế xuất được ví như “con tàu há mồm” có thể thu nạp, sử dụng và đào thải vô kể người lao động. Nếu chỉ chừng đây thôi thì chẳng có gì để trăn trở băn khoăn!
Hàng trăm triệu lượt người đổ về thành phố, làm việc tối tăm mặt mũi và nhận lại đồng lương vừa đủ để tồn tại, nghĩa là họ chỉ giải quyết nhu cầu bức bách trước mắt. Đội ngũ lao động khổng lồ ấy sẽ làm gì? Về đâu? Khi không còn đủ sức trẻ để chạy theo ca kíp, đối mặt với guồng quay chóng mặt nơi đô thị? Đương nhiên, họ sẽ trở về chính nơi từng xuất phát.
Hàng chục năm nay, nông thôn hầu như trống rỗng, bị "rút ruột" thảm hại, đất đai hoang hóa, bạc màu, những làng biển từng trù phú dọc dải đất miền Trung ngày một xác xơ vì công nghiệp hóa, ngư trường cạn kiệt, vì thiếu lao động, sự vô dụng của hàng tá mô hình, và thiếu nhiều thứ khác nữa,…
Ngược lên miền núi, nhiều địa phương bây giờ không còn rừng theo đúng nghĩa của nó. Từ bao giờ một trận mưa nghiễm nhiên mang đến nỗi lo lũ ống, lũ quét, sạt lở đất? Hầu hết nông thôn rẻo cao chẳng còn gì ngoài đồi trọc, rừng tái sinh, rừng nhân tạo thưa thớt, người dân tộc thiểu số đa phần không thể tự túc sinh kế.
Chưa bao giờ đời sống nông dân, nông thôn bấp bênh như bây giờ. Nuôi tôm, cá, cua không thành công - đổ nợ; nuôi heo rớt giá - “ăn” luôn sổ đỏ; trồng tiêu không bán được đành chặt hạ chuyển sang trồng điều, đến lượt điều mất giá phải phá đi trồng cà phê,…
Các nhà quản lý gần như chấp nhận “được mùa mất giá” như một lẽ thường tình! Những gì tốt nhất mà chúng ta làm được là kêu gọi “giải cứu” hết năm này đến năm khác, hết nông sản này tới nông sản khác, hết vụ này đến vụ khác. Liệu còn giải pháp nào căn cơ hơn không?
Chúng ta nói khá nhiều và có nỗ lực triển khai các mô hình liên kết “nhiều nhà”, “cánh đồng lớn”, “nông nghiệp công nghệ cao”,… nhưng về cơ bản, người nông dân vẫn canh tác như cách đây hàng trăm năm. Phần lãi ít ỏi không thể giúp nông dân vươn lên thoát nghèo, ngược lại tầng lớp thương lái kiếm được rất nhiều trên mồ hôi người trực tiếp sản xuất. Đó là nghịch lý quá lớn! Liệu có giải pháp nào giúp tái phân phối của cải xã hội công bằng hơn?
Làng hiếm thanh niên, xóm không trai tráng, những triền ruộng héo hon gầy mòn lại trở thành đích ngắm của biết bao “lợi ích nhóm”, phù phép biến đất nông nghiệp thành đất ở, phân lô bán nền; những “cơn sốt” bất động sản, những triệu phú đất đai đều từ đây mà ra.
Năm 2020, Bộ Quốc phòng cho biết về tình hình doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm đất đai ở khu vực biên giới của 22/44 tỉnh, thành có đường biên giới, tổng diện tích 162.467,7 ha. Trong đó, khu vực biên giới đất liền 943,7 ha, khu vực biên giới biển 5.393,7 ha kể cả mặt biển; tổng vốn đầu tư 30,872 tỉ USD. Tất cả đều là đất tại nông thôn, trong không gian nông nghiệp của người nông dân.
Nếu làm nông nghiệp có thể tạo ra thu nhập tốt, dễ dàng làm giàu, nếu làm biển không quá rủi ro khắc nghiệt thì tôi tin không ai bỏ sót một tấc đất, mét nước nào đâu. Tôi chắc mẩm rằng, từ chính trị gia, tỷ phú quyền lực và giàu có nhất thế giới đến kẻ nghèo mạt hạng nhất, phàm là con người không ai muốn khước từ nơi “chôn nhau cắt rốn”.
Hàng chục triệu nông dân như thế hệ cha mẹ tôi từng còng lưng khai hoang, mở rộng diện tích, tạo ra bờ xôi ruộng mật vì lúc ấy trồng lúa giúp cắt cơn đói kinh niên nên họ hăng say cày cấy. Nhưng đến thế hệ chúng tôi, những người sinh ra sau đổi mới, thật sự chán nản với nghề nông. Vì chúng tôi thấy không có tương lai khi gắn với cây, với đất, cảm thấy thua thiệt, hoang mang nếu không phải là người “xách cặp” mang giày tây, áo sơ mi. Chúng tôi là “nạn nhân” hay “thủ phạm”?
Từ kinh nghiệm đó, tôi thấy rằng nhất thiết phải gắn ruộng đồng với thoát nghèo, tiến lên giàu có, trù phú - giống như cách mà trước đây tiền nhân đã khéo léo gắn chính sách giao ruộng, giải quyết cái đói với người nông dân để họ tuôn hết năng lực. Và kết quả, Bộ trưởng cũng thấy đấy, chúng ta dư ăn, dư để, mang lúa gạo đi bán khắp thế giới.
Nhưng đó là thời của “ăn no mặc ấm”, còn nhu cầu bây giờ hơn cả “ăn ngon mặc đẹp”, mấy tỷ USD bán gạo, hoa màu mỗi năm không giúp ích gì nhiều cho mục tiêu lớn “hóa hổ hóa rồng” của đất nước, trong khi nguồn lực nông nghiệp của nước ta không kém bất cứ ai.
Thưa Bộ trưởng! Tôi rất mừng vì một phát biểu của ông: “biến nông thôn thành nơi đáng sống”. Nhưng hiện nay, nông thôn chỉ đáng sống với người có tiền, người lớn tuổi có địa vị, chức vụ, có thu nhập cao, ổn định không phải từ hoạt động nông nghiệp. Tôi hy vọng, mệnh đề trên đừng chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.
Hạt lúa, hòn đất, cây đa, bến nước, sân đình, con sông quê hiền lành chất phác,... là kho tàng trí tuệ, kinh nghiệm, phương châm sống, phát triển là cội nguồn của mọi nền văn minh từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây - cũng chính là hồn cốt của dân tộc ta. Bởi, nói như các nhà nghiên cứu văn hóa, “đất nước ta được tạo ra từ làng, liên làng và siêu làng”.
“Làng ung thư” và những căn bệnh quái ác chưa từng có đang tàn phá khủng khiếp ở nông thôn. Thực trạng đau xót này có liên quan gì đến hàng vạn tấn thuốc trừ sâu, hóa chất công nghiệp nhập về từ Trung Quốc mỗi năm, sử dụng tràn lan trên mọi cánh đồng từ Bắc chí Nam?
Những lẽ trên, tôi thấy lo lắng vì thẳm sâu trong đời sống kinh tế, văn hóa, chính trị ở nông thôn đang rạn ra những vết nứt ngày một lớn. Kết cấu “siêu làng” vững chãi qua 4.000 năm nay đang rệu rã dần, nếu không giữ được mối rường cột ấy tai họa không hề nhỏ.
Họ, làng xóm không còn í ới nhau uống bát nước chè xanh, ăn củ khoai mì, mặc dù bây giờ cái ăn không đến nỗi như xưa. Họ lạnh nhạt hơn, sống vội vã hơn vì nhiều làng không còn là làng, nửa làng nửa phố, nửa đô thị nửa nông thôn, sự lai tạp khiên cưỡng phát sinh ra nhiều thứ quái đản.
Là con em nông dân, sinh sống ở nông thôn, tôi thực sự muốn "vẽ" ra bức tranh làng quê thật tươi sáng chứ không mang màu sắc u ám như thế này. Song, khi và chỉ khi nhìn thẳng, thật vào thực tế lúc đó mới chiết xuất ra được chính sách đúng đắn, sát thực.
Còn rất nhiều điều nhưng vì hiểu biết hạn chế nên tôi chưa thể viết ra. Thay vì lời kết, xin trích lại một câu đầy hỏi khắc khoải của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lúc ông ấy đối thoại với nông dân Hải Dương năm 2018: Tại sao nông dân chưa giàu lên? Tại sao có đến 70% dân số sống ở nông thôn, chiếm trên 43% lao động mà chỉ đóng góp 18% GDP?
Rất mong mấy dòng thiển ý này có thể được đến với Bộ trưởng. Kính chúc ông nhiều sức khỏe!
Có thể bạn quan tâm