Cần vaccine cho “tin giả”
Để tránh hoang mang trong cộng đồng, cần phải có một loại “vaccine” mạnh hơn nhằm phòng, chống “tin giả”.
Mới đây, ca sĩ Cẩm Vân đã phải lên tiếng về những thông tin sai lệch về mình, mà ngọn nguồn từ một kênh YouTube, khi kênh này chia sẻ thông tin “Ca sĩ Cẩm Vân qua đời”. Không còn cách nào khác, nữ ca sĩ phải lên tiếng giải thích cho “cái chết của chính mình”.
Hay như hoang tin "Hà Nội cấm người dân ra đường trong 7 ngày" được phát tán trên nhiều trang mạng xã hội chiều 20/8 cũng là tin giả. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đang rà quét các tài khoản đăng tải thông tin sai sự thật này và xử lý nghiêm.
Trước đó, vụ tin giả “dậy sóng” dư luận gần đây nhất là một bài viết trên tài khoản Facebook “Trần Khoa” vào tối 7/8, thể hiện “bác sĩ” này đã rút ống thở người nhà để nhường cho sản phụ song thai tại một bệnh viện ở TP.HCM. Sau đó hàng loạt tài khoản Facebook khác đã chia sẻ nội dung này trên mạng xã hội, trong đó nhiều tài khoản bày tỏ sẽ ủng hộ “bác sĩ Trần Khoa” và hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế nơi bệnh viện xảy ra sự việc. Tuy nhiên, ngày 8/8, Sở Y tế TP.HCM đã vào cuộc kiểm tra, xác minh và khẳng định câu chuyện này là hư cấu, bịa đặt.
Hoặc hồi giữa tháng 7, mạng xã hội đã lan truyền chóng mặt thông tin về việc “lock down từ 0 giờ ngày 15/7”, “lãnh đạo TP bị nhiễm Covid-19” dẫn đến khan hiếm thực phẩm nên kêu gọi mọi người tranh thủ mua sắm, tích trữ hàng hóa”. Kết quả là rất nhiều người dân đổ xô tới các siêu thị, chợ… để mua hàng tích trữ..v..v.
Liên quan đến vấn nạn tin giả, theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, tin giả được chia thành 2 mức độ: Loại thứ nhất là thông tin không có thật, tin bịa đặt, vu khống; Loại thứ hai là tin sai sự thật, những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác, xuyên tạc, bóp méo sự thật, tin không có cơ sở.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì tình trạng đưa tin thiếu trách nhiệm, thậm chí loan tin kiểu “tin nội bộ” từ các cá nhân lộ diện hoặc ẩn mặt đều có tính chất nguy hiểm đối với xã hội, gây hoang mang cho dư luận, cộng đồng trong lúc nỗ lực chống bệnh dịch Covid-19 đang quy tụ được sức mạnh của toàn dân và cả hệ thống chính trị. Chưa kể, còn tạo cớ cho các đối tượng chống phá lợi dụng để thêu dệt, công kích công tác phòng chống dịch.
Có thể nói, tin giả về tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam không còn là điều cá biệt. Vấn đề đặt ra ở đây là: Phát tán tin đồn hoặc đăng tải thông tin sai sự thật, gây hoang mang có bị chế tài không?
Tất nhiên, sẽ được xử phạt theo quy định cụ thể tại điểm d, khoản 1, Điều 8 Luật An ninh mạng. Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin sai sự thật có tính chất vu khống có thể bị bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, tùy vào mức độ xâm phạm của hành vi tung tin, người tung tin có thể phải gánh chịu các mức phạt vi phạm hành chính hoặc bồi thường thiệt hại khác theo quy định.
Dưới góc nhìn chuyên gia luật, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM) khẳng định: “Việc tạo dựng và chia sẻ tin giả là hành vi vi phạm pháp. Tùy theo mức độ vi phạm của hành vi cụ thể, những cá nhân tạo dựng, chia sẻ tin giả có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 - 10 triệu đồng, căn cứ Nghị định 15/2020 của Chính phủ…
Công văn số 45 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, người tung tin giả, xuyên tạc bị xử lý về tội “đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính viễn thông” theo quy định tại điều 288, BLHS 2015 - sửa đổi bổ sung năm 2017 (khung hình phạt sẽ là phạt tiền từ 30 triệu đồng; hoặc phạt tù đến 7 năm); hoặc tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điều 174, BLHS 2015 - sửa đổi bổ sung năm 2017.”
Sự nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 gây ra đại dịch toàn cầu tới nay ai cũng rõ, song còn một loại virus khác mang trong mình độc tố và tốc độ lây lan cũng vô cùng khủng khiếp đó là “virus tin giả”. Nạn nhân của con virus này không phải là các ca dương tính, mà là khủng hoảng niềm tin, bất ổn xã hội và làm xói mòn nỗ lực chống dịch ngày đêm của biết bao con người.
Đúng là, “đất nước im súng bom, lòng người bày trận mạc”, dịch bệnh chưa qua, “nhân họa” đã tới… Vì thế, cho dù với bất cứ mục đích gì, đều cần xử lý nghiêm đến nơi đến chốn. Nếu chỉ xử lý hành chính rồi cho qua, thì “dịch tin giả” sẽ nhờn luật.
Song song, khi tiếp nhận thông tin trên mạng xã hội, mỗi người dân nên kiểm chứng nguồn tin, xem thông tin đó đến từ nguồn nào, nếu đến từ một người lạ, thông tin không rõ ràng cần cảnh giác, thận trọng.
Có thể bạn quan tâm
Chống dịch COVID-19 nhưng cũng cần chống tin giả
13:00, 20/08/2021
Tin giả về tự điều trị Covid-19 tại nhà lan truyền trên mạng xã hội
20:56, 04/02/2021
Tin rút ống thở là “giả” nhưng suy nghĩ bất hiếu là “thật”
05:30, 10/08/2021