Mở cửa kinh tế nhìn từ châu Âu

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 04/09/2021 05:00

Sau thời gian áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội chặt chẽ, nhiều quốc gia nhận thấy đây không phải là cách tối ưu, vì nó sẽ làm kiệt quệ nền kinh tế, không còn đủ nguồn lực chống dịch.

 Hộ chiếu vaccine đang là

Hộ chiếu vaccine đang là "bàn đạp” để khôi phục ngành du lịch khu vực Liên minh châu Âu. Ảnh: EPA

Sau khi nước Anh khởi xướng giai đoạn tái khởi động toàn diện nền kinh tế, một loạt quốc gia Châu Âu đã nối gót.

“Zero COVID” phá sản

Châu Âu đang tiến thêm một bước dài, đồng loạt nới lỏng giãn cách xã hội, tăng tốc tiêm vaccine, cho phép các hoạt động kinh tế trở lại bình thường, mặc dù con số lây nhiễm, tử vong vì COVID-19 ở “lục địa già” vẫn ở mức cao.

Ở Đức, Ý, thậm chí người dân không còn mang khẩu trang; Bồ Đào Nha mở cửa các trung tâm thương mại; Hy Lạp không còn đóng cửa với cư dân Châu Âu; Bỉ cho phép hệ thống giáo dục hoạt động trở lại.

Nếu nhìn vào các con số thống kê, Châu Âu chưa hề chiến thắng dịch bệnh, thậm chí mầm mống lây nhiễm tiềm tàng khi bước sang mùa thu. Tuy nhiên, áp lực suy thoái kinh tế và đặc điểm văn hóa, lối sống không cho phép châu lục này “bế quan tỏa cảng” trong thời gian dài.

Lợi thế lớn nhất của Châu Âu là sức mạnh khoa học, họ nhanh chóng nghiên cứu và sản xuất thành công vaccine ở Anh, Đức. Đến nay, tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 ở Châu Âu cao nhất thế giới.

Sức mạnh công nghệ

Tại Châu Âu, ưu thế khoa học thực nghiệm giúp họ mạnh dạn mở lối tiên phong. Ví dụ, để khôi phục ngành du lịch, đi lại nội khối, 27 thành viên EU cùng thống nhất một “chứng nhận tiêm chủng” có chứa mã QR để xác nhận không mất quá nhiều thời gian, thủ tục.

Ngoài ra, EU bắt đầu cấp chứng nhận quốc gia an toàn ngoại khối để có thể kết nối nối thương mại, du lịch. Danh sách này đã có 7 nước là Úc, Israel, New Zealand, Rwanda, Singapore, Hàn Quốc, Thái Lan và dự kiến sẽ còn nối dài trong thời gian tới.

Chứng nhận này sẽ trở nên quyền lực không khác gì một tiêu chuẩn kỹ thuật đính kèm để mở cửa trở lại nền kinh tế, giống như cánh cửa mới để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19.

Trong khi đó, câu chuyện “giấy đi đường” ở Việt Nam khá phức tạp; quy trình sàng lọc, tạo “luồng xanh” chưa thật sự mềm mại, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Mấu chốt ở đây chính là ứng dụng giải pháp công nghệ. Ngoài ra, mô hình “3 tại chỗ” cũng không phù hợp, nhất là với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may…

Trước thực trạng trên, Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO) kiến nghị cần thiết ban hành Bộ Tiêu chí để doanh nghiệp áp dụng “2 tại chỗ” hoặc “4 xanh” theo tỷ lệ nâng dần công suất từ 30-50-70%, có tính đến thực tế đại bộ phận người lao động trong các ngành xuất khẩu thâm dụng lao động hiện nay chưa được tiêm vaccine, hoặc tỷ lệ phủ mũi 1 rất thấp và sẽ mất nhiều tháng nữa mới phủ được mũi 2. Cùng với đó là Bộ Tiêu chí để doanh nghiệp áp dụng kể cả khi người lao động đã tiêm 1 hoặc đủ 2 mũi vaccine.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ nghĩa thực chứng giúp châu Âu “đè” COVID-19?

    05:29, 30/08/2021

  • Tận dụng “lợi thế đi trước” tại thị trường châu Âu

    02:00, 29/08/2021

  • Tìm cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Âu

    04:00, 10/08/2021

  • Châu Âu và sáng kiến “kết nối toàn cầu”

    06:00, 16/07/2021

  • Nước Anh và thước đo chống dịch COVID-19 ở châu Âu

    06:00, 15/07/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ