Chiến lược tiêm chủng của Ấn Độ (Bài 2): Xác định trúng đối tượng!
Chính phủ Ấn Độ thành lập Nhóm chuyên gia quốc gia về quản lý vắc xin cho COVID-19 (NEGVAC) để cung cấp hướng dẫn về tất cả các khía cạnh của việc quản lý vaccine và tiêm chủng.
Chiến lược tiêm chủng quốc gia chống COVID-19 của Ấn Độ dựa trên bằng chứng khoa học, dịch tễ học và tập trung vào việc lập kế hoạch từ đầu đến cuối một cách có hệ thống.
Chiến lược này khuyến khích nghiên cứu và phát triển vaccine nội địa; quản lý hiệu quả việc tiêm chủng để bảo vệ và củng cố Hệ thống chăm sóc sức khỏe quốc gia cũng như bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất.
Giai đoạn I của chương trình tiêm chủng quốc gia được bắt đầu vào ngày 16/1/2021 với ưu tiên là nhóm nhân viên y tế, nhóm nhân viên tuyến đầu và nhóm người từ 45 tuổi trở lên hoặc có bệnh nền với độ bao phủ tiêm chủng khoảng 18% dân số từ 18 tuổi trở lên.
Giai đoạn II bắt đầu tư 1/3 và 1/4/2021 và giai đoạn III bắt đầu tư 1/5/2021. Mặc dù ý tưởng “thị trường hóa” vaccine đã được chính phủ đưa ra nhưng sau đó đã phải điều chỉnh để thực hiện tiêm chủng miễn phí cho người dân.
Chính phủ Ấn Độ sẽ mua 50% vaccine được sản xuất, tiếp tục cung cấp miễn phí vaccine cho nhóm ưu tiên. Còn chính quyền các bang và các bệnh viện tư nhân sẽ được trao quyền trực tiếp mua sắm 50% nguồn vaccine còn lại.
Để xác định những ai được tiêm trong Giai đoạn I, chính phủ Ấn Độ đã thành lập Nhóm chuyên gia quốc gia về quản lý vắc xin cho COVID-19 (NEGVAC) để cung cấp hướng dẫn về tất cả các khía cạnh của việc quản lý vaccine và tiêm chủng.
300 triệu người đã được NEGVAC chọn ra theo các tiêu chí liên quan đến vị trí công việc cũng như vai trò trong phòng chống dịch bệnh hoặc tình hình bệnh nền chứ không phải theo ngành nghề hoặc nhân thân.
Đây là cách hiểu về “nhóm dễ bị tổn thương” được rút ra từ việc quan sát tỷ lệ tử vong theo độ tuổi và bệnh lý của các quốc gia đã trải qua các đợt sóng Covid-19 trước đó.
Theo NEGVAC, vaccine sẽ được cung cấp đầu tiên cho nhân viên y tế, nhân viên tuyến đầu và những người trên 45 tuổi (ưu tiên đầu tiên cho những người trên 60 tuổi), tiếp theo là những người dưới 45 tuổi với các bệnh đi kèm.
Chính phủ Ấn độ đã thành lập một ủy ban bao gồm các chuyên gia từ các chuyên khoa khác nhau bao gồm ung thư, thận, mạch máu và tim mạch để xác định các tiêu chí lâm sàng, dựa trên đó những người mắc bệnh đi kèm nên được ưu tiên tiêm chủng Covid-19.
Ủy ban đã khuyến cáo rằng bất kỳ ai bị bệnh tim bẩm sinh, bệnh thận giai đoạn cuối hoặc các bệnh ung thư, các tình trạng suy giảm miễn dịch, và thiếu máu đều phải được đưa vào danh sách ưu tiên Giai đoạn I.
Tính đến hết Giai đoạn II, ngày 15/5/2021, 79,5% số người được tiêm chủng là người từ 45 tuổi trở lên trong đó số người trên 60 tuổi là 38,8% (54,5 triệu người), số người dưới 45 tuổi được tiêm chỉ chiếm 3,43%, số nhân viên y tế và nhân viên tuyến đầu được tiêm chiếm 17,1%. Tỷ lệ người trên 45 tuổi được tiêm mũi thứ hai cũng cao nhất (lên tới 67,6% tổng số người trong nhóm được ưu tiên).
Chiến lược tiêm chủng đó đã phát huy hiệu quả quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong khi nghiên cứu của ICMR chỉ ra rằng cách tiêm chủng này đã giúp tỷ lệ mắc COVID-19 và tử vong của nhóm “dễ bị tổn thương nhất” giảm tới 20,6% và 29,7% ngay cả khi số ca mắc trong cả nước vẫn tăng lên.
Đối với trẻ em và phụ nữ mang thai, thông qua cơ chế Chương trình Tiêm chủng Phổ cập (UIP), chính phủ Ấn Độ đã tiêm chủng cho 26 triệu trẻ em và 30 triệu phụ nữ mang thai.
(Còn nữa)
Có thể bạn quan tâm
Chiến lược tiêm chủng của Ấn Độ (Bài 1): Tự chủ nguồn cung
05:30, 15/09/2021