Trung Quốc - “thịnh vượng chung” hay cào bằng tất cả
"Thịnh vượng chung" mà ông Tập khởi xướng là sử dụng sức mạnh từ các tập đoàn kinh tế tư nhân khổng lồ.
Thời ông Đặng Tiểu Bình chủ trương tạo điều kiện cho một số bộ phận làm giàu trước, đóng vai trò như các “đầu tàu” tạo ra việc làm, của cải, thu nhập cho đại bộ phận còn lại.
Đó là thời điểm từ những năm 80, kết quả bùng nổ tầng lớp người giàu và siêu giàu, trong 30 năm Trung Quốc xuất hiện 1058 tỷ phú dollars theo xếp hạng của Tạp chí Forbes, nhiều hơn bất cứ đâu trên thế giới.
Ông Đặng đã đúng khi những tỷ phú đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, ngoài công ăn, việc làm trong nước, còn đại diện cho hình ảnh một Trung Quốc cường thịnh, nếu thế giới có Facebook, Google, Youtobe, Apple, Samsung; Trung Quốc có Weibo, Baidu, Tiktok, Huawei, Oppo, Xiaomi.
Nhưng ông Tập Cận Bình thì khác, trong con mắt của Bắc Kinh ngày nay các đại doanh nghiệp và những cá nhân như Jack Ma là nguy cơ làm chệch hướng nền kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa; bất công bằng xã hội, cản trở tái phân phối,…
Khái niệm “thịnh vượng chung” được Chủ tịch Trung Quốc nhắc lại hồi tháng 7, nhưng nội hàm đã khác trước, đã đến lúc tầng lớp giàu có phải chia lại của cải cho người nghèo.
Như vậy, việc “bẻ” bớt tay chân của BigTech và những doanh nghiệp khổng lồ không chỉ nhằm mục đích kiểm soát dữ liệu, mà còn phục vụ lý do chính trị đặc trưng tại Trung Quốc.
Rằng, một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa đúng chuẩn phải dựa trên sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất, nhà nước phải nắm vai trò tái phân phối của cải xã hội, hạn chế tối đa bất bình đẳng. Đây cũng là cách mà Đảng cộng sản Trung Quốc nắm giữ quyền lực.
Trung Quốc từng có chính sách khá thoáng với kinh tế tư nhân, nhiều nhà quan sát chính trị bình luận “Trung Quốc là nền kinh tế tư bản trong cái vỏ xã hội chủ nghĩa”. Đánh giá này là có cơ sở!
Cũng rất thú vị với các toan tính chiến lược dài hơi của lãnh đạo Trung Quốc qua các thời kỳ, việc sử dụng nguồn lực tư nhân làm “pháo đài” xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội là chưa có tiền lệ, kể cả thực tiễn Liên Xô hay trong lý thuyết của Marx, Engels đều chưa thấy bàn đến.
Đây chính là một trong những “đặc sắc” cụ thể trong mô hình “xã hội chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc”. Phần nào đó là sự sáng tạo, phát triển lý thuyết Marx trên nền tư tưởng nội địa, từ Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình.
Dĩ nhiên, Bắc Kinh không hề “đào tận gốc trốc tận rễ” những tập đoàn tư nhân, chỉ là buộc họ chơi theo luật mới, khuôn khổ mới, chật hẹp hơn do Đảng cầm quyền chủ trương. Đây có phải là hướng đi đúng hay không? Còn phải chờ thời gian trả lời.
Có nghĩa, những doanh nghiệp như Alibaba, Ant, Tencent,… phải có trách nhiệm chính trị nhiều hơn, là những cánh tay đắc lực để giảm áp lực chi trả an sinh xã hội, đài thọ các dự án cộng đồng mà trước đây ngân sách cáng đáng.
Biện pháp đầu tiên là tăng thuế thu nhập cá nhân, thuế sở hữu tài sản và thuế thừa kế tài sản, không gian nội địa không còn là nơi lý tưởng để giới nhà giàu Trung Quốc an tâm nương náu. Dòng tiền sẽ chảy ra nước ngoài thông qua các dự án đầu tư, các “thiên đường thuế” hẳn nhộn nhịp hơn!?
Có thể bạn quan tâm