Trung Quốc thiếu điện, xuất khẩu lạm phát ra toàn cầu
Thiếu điện và hệ lụy của nó một lần nữa cho thấy thế giới không thể sống thiếu Trung Quốc!
Đợt cắt giảm điện chưa từng có trong lịch sử tại Trung Quốc đẩy các trung tâm công nghiệp ở phía Đông - Nam vào tình trạng gián đoạn sản xuất. Sự cố này bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.
Nguyên nhân lớn nhất là Bắc Kinh đang “chạy thử” chương trình cắt giảm khí nhà kính nhằm hiện thực hóa mục tiêu không phát thải vào năm 2060; đi kèm với việc “trảm” hàng loạt thủy điện nhỏ gây ảnh hưởng đến môi trường.
Giá than và khí đốt tự nhiên tăng vọt tác động trực tiếp đến những trung tâm sản xuất điện, một mặt cắt giảm công suất, mặt khác tăng giá điện thành phẩm để bù chi phí đầu vào.
Khoảng 75% sản lượng điện hằng năm của Trung Quốc do các nhà máy nhiệt điện than cung cấp. Do đó, khi các nhà máy thiếu than để hoạt động hoặc đóng cửa, khó tránh khỏi tình trạng thiếu điện dẫn đến cúp điện và mất điện.
Theo dữ liệu chính thức được công bố từ ngày 30/9, hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã ghi nhận đà sụt giảm vào tháng 9. Thậm chí một số mặt hàng chiến lược có thể bị “neo giá” vĩnh viễn!
Nỗ lực đổi mới ngành điện tại Trung Quốc có lợi cho môi trường sinh thái, nhưng trong tương lai gần hàng loạt nền kinh tế phải đối mặt với tình trạng lạm phát khi giá cả tăng vọt.
Khoảng 80% sản lượng polysilicon, thành phần quan trọng để sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời được chế tạo tại Trung Quốc. Do thiếu điện giá mặt hàng này tăng gấp đôi trong tháng 9, giá tấm pin mặt trời tăng 10% trong vòng 1 tuần!
Điện năng là lĩnh vực có tính chiến lược, đầu vào của tất cả các ngành khác, khi giá điện tăng, nhà sản xuất sẽ tính vào giá thành sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng.
Apple tại Trung Quốc hoạt động cầm chừng, rất nhiều công ty gia công cho “táo khuyết” chỉ sản xuất nhiều nhất 3 ngày/tuần. Những chiếc Iphone 13 đang là tâm điểm săn lùng của giới hâm mộ khắp toàn cầu vì không thể phân phối đúng hẹn.
Các chiến lược gia tại Bắc Kinh lên kế hoạch “chuyển điện” từ công nghiệp nặng, luyện kim màu sang lĩnh vực điện tử, tiêu dùng, động thái này có thể kéo theo cuộc khủng hoảng giá nhôm - vật liệu xây dựng phổ biến.
Khủng hoảng năng lượng có thể tạo ra “cú đấm có một không hai” khiến đà phục hồi vốn đang mong manh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đi chệch hướng và gây thêm rắc rối cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Rối ren tại Trung Quốc là hồi chuông cảnh tỉnh về năng lượng hóa thạch, rằng đã có dấu hiệu chuyển sang thời kỳ chấm dứt loại hình sản xuất điện năng này. Hàng loạt nhà máy nhiệt điện đang vận hành và xây dựng ở Việt Nam cũng có thể rơi vào tình cảnh tương tự.
Thiếu điện và hệ lụy của nó một lần nữa cho thấy thế giới không thể sống thiếu Trung Quốc! Hay nói cách khác, chuỗi cung ứng “không Trung Quốc” là không khả thi trong vài thập kỷ tới.
Nói xa hơn, một phần trong nỗ lực chống Trung Quốc của Mỹ đã thất bại, Washington không thể triệu hồi doanh nghiệp rời khỏi đại lục, Nhật, Hàn Quốc, châu Âu vẫn cần Trung Quốc để duy trì tăng trưởng kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Đằng sau nỗ lực thúc đẩy dự án "mặt trời nhân tạo" của Trung Quốc
04:01, 02/10/2021
Vì đâu các công ty nhiệt điện Trung Quốc có nguy cơ phá sản?
05:00, 23/09/2021
Tác động trái chiều từ kinh tế Trung Quốc
04:00, 19/09/2021
Trung Quốc - “thịnh vượng chung” hay cào bằng tất cả
05:20, 17/09/2021
Sản xuất vaccine “đặc sắc” Trung Quốc
09:04, 15/09/2021