Ngành giáo dục lại “đau”?
Lá đơn được gói ghém vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục có phải là “giọt nước tràn ly”?
Câu chuyện thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học An Lợi (xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) làm đơn xin thôi việc đang thu hút sự quan tâm của dư luận trong và ngoài ngành giáo dục những nhày qua.
Cụ thể, trong lá đơn thầy Lê Trần Ngọc Sơn nêu lý do: “Công tác trong ngành giáo dục nhưng có nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá, tôi cảm thấy mình không phù hợp nên nghỉ”.
Và ông Nguyễn Thanh Tùng- Hiệu trưởng, đã ký vào lá đơn này. Trên đơn có ghi dòng chữ: “Qua xem xét đơn của ông Lê Trần Ngọc Sơn, giáo viên Trường Tiểu học An Lợi; Trường Tiểu học An Lợi chấp thuận cho ông Sơn nghỉ việc theo nguyện vọng. Kế toán liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết chế độ chính sách cho ông Sơn”.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn – Trưởng Phòng Giáo dục và đào tạo huyện Long Thành, Đồng Nai – cũng xác nhận vụ việc ông Lê Trần Ngọc Sơn – giáo viên Tiếng Anh, Trường Tiểu học An Lợi gửi đơn xin nghỉ việc là đúng sự thật.
Tuy nhiên theo ông Toàn, lý do xin nghỉ việc của ông Sơn là chưa phù hợp và làm ảnh hưởng đến hình ảnh của ngành giáo dục. Hiện, ông Toàn đã yêu cầu Hiệu trưởng Trường Tiểu học An Lợi có báo cáo cụ thể với phòng về sự việc trên. Đồng thời, yêu cầu nhà trường phải tổ chức một cuộc họp nội bộ trong trường để đưa sự việc ra trước hội đồng nhằm có hướng xử lý phù hợp.
Nhìn nhận một cách khách quan, hẳn nhiều người cùng chung suy nghĩ như cá nhân tôi rằng: Một người đã gắn bó với nghề giáo hơn 20 năm như thầy Lê Trần Ngọc Sơn thì vấn đề không phải là do thu nhập. Tôi nhớ thời những năm 90, có rất nhiều thầy cô đã phải chấp nhận nghỉ dạy để chuyển công việc khác vì vấn đề cuộc sống khó khăn, tiền lương không nuôi đủ bản thân, gia đình.
Dưới góc nhìn cá nhân, việc thầy Lê Trần Ngọc Sơn còn tiếp tục kiên trì, tâm huyết với học sinh, với nghề đến tận hơn 20 năm, ít nhiều cũng khiến tôi rất ngưỡng mộ. Và suốt một chặng đường dài vừa qua, tôi cũng chứng kiến có rất nhiều thầy cô giáo luôn đặt cái tâm, cái chuẩn mực lên hàng đầu thì sẽ không chấp nhận được những điều sai trái, trái với đạo đức của nghề.
Cho nên, sự việc này có thể là đỉnh cao của mâu thuẫn mà không có sự lắng nghe của cả hai bên. Lá đơn được gói ghém vấn đề đạo đức trong ngành giáo dục, đến tính minh bạch… mà lâu nay môi trường giáo dục nơi đó không giải quyết. Để đến mức một giáo viên tận hiến với nghề hơn 20 năm phải viết đơn xin nghỉ với những lời lẽ mà người giáo viên đó nói “tởm” cũng chỉ là “giọt nước tràn ly”.
Thực tế, khi mâu thuẫn không thể giải quyết và theo thời gian tích tụ cho đến khi không còn chịu được thì bật ra xung đột. Đó cũng là quy luật tất yếu thôi. Giả sử, nếu hai bên đối thoại thẳng và cùng nhìn nhận từ hai phía thì mọi thứ sẽ không đi quá như thế này.
Đơn xin thôi việc của thầy giáo Lê Trần Ngọc Sơn
Có điều, nói đi cũng phải nói lại, sự việc này quả thật đã khoét thêm vào nỗi đau của ngành giáo dục bấy lâu là bệnh thành tích. Vấn đề ở chỗ, đơn đề nghị giải quyết thôi việc theo luật định là không phù hợp. Hình thức trình bày không đúng với kỹ thuật trình bày một văn bản. Người viết đơn và Hiệu trưởng ký vào đơn, vì thế, chưa đúng, chưa trúng.
Hơn nữa, cá nhân tôi cũng khá sốc khi đọc nội dung thầy Lê Trần Ngọc Sơn đề cập: “Công tác trong một cơ sở giáo dục nhưng có quá nhiều điều phi giáo dục, tởm nhất là vấn nạn dối trá ...” . Phải chăng, thầy đã quy nạp đến độ nghiệt ngã và dùng từ “đen” đến thế?
“Tởm”, dân gian ít dùng huống chi là nhà giáo và lại viết trong một đơn đề nghị. Thầy cô giáo là trí thức, lời ăn, tiếng nói cần chuẩn mực, đó còn là biểu hiện đạo đức nhà giáo. Ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung luôn mong muốn, mỗi thầy cô là tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Trước hết, đó là gương sáng “học ăn, học nói”. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bức xúc đến đâu cũng phải viết trong sáng.
Thầy hẳn đã biết lá đơn này được chia sẻ khắp trên mạng xã hội và không biết học trò, phụ huynh, đồng nghiệp, dư luận… nghĩ gì về giáo giới? Hãy thử lướt qua một số trang báo chính thống và đọc những bình luận về vụ việc này, có 1.001 kiểu chế nhạo giáo dục.
Chính vì vậy, câu chuyện ở Trường Tiểu học An Lợi nói trên, suy cho cùng nó cũng chỉ là ở một đơn vị cơ sở, ở phạm vị một địa phương nào đó, chứ không nên đánh đồng toàn bộ môi trường giáo dục.
Theo đó, chúng ta không nên phiếm diện đánh giá là thầy Lê Trần Ngọc Sơn đúng hay trường đúng, cá nhân thầy sai hay là trường sai. Vấn đề ở đây là làm sáng tỏ vụ việc này để tường tận dư luận, trả lại sự “trong sạch” cho giáo dục. Chứ không chỉ đơn giản dừng lại ở việc cho thầy nghỉ việc hay không.
Bởi vì, ngành giáo dục là một ngành quan trọng, nghề giáo là một nghề vinh quang. Nhiệm vụ càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề, yêu cầu càng cao thì vinh quang đó càng lớn.
Người giáo viên đang sống và làm việc, cống hiến trong thời khắc mà đất nước, dân tộc đang dâng niềm khát vọng bứt phá, để đưa cơ đồ đất nước lên một vị thế phát triển mới, văn minh và thịnh vượng. Do vậy không có cách nào khác, ngành giáo dục cần tiếp tục kiên trì và tích cực đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.
Có thể bạn quan tâm
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên bị bắt
10:58, 23/09/2021
Chuyển đổi số trong giáo dục Đại học: Thách thức là cơ hội!
23:06, 11/09/2021
Hoài bão và trăn trở với ngành giáo dục
13:49, 05/09/2021
Hải Phòng tổng kiểm tra COVID-19 trong ngành giáo dục
01:04, 04/09/2021
Thủ tướng: Cần giảm "bệnh thành tích" trong giáo dục (*)
19:53, 28/08/2021
Phân bổ vốn đầu tư thấp, giáo dục không thể đột phá
17:21, 27/07/2021
Thanh Hóa: Vì sao cựu giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo bị bắt?
19:20, 16/07/2021
Tham vọng của "ông trùm" giáo dục tư nhân ở Việt Nam Hoàng Quốc Việt
03:10, 05/07/2021
Việt Nam viết tiếp kỳ tích thông qua giáo dục đại học
05:00, 06/06/2021
Ngành giáo dục phải vươn lên mạnh mẽ, đổi mới tư duy quản lý
14:50, 07/05/2021