Chuyện buôn lậu giữa đại dịch COVID-19
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, bên cạnh đại đa số công dân có trách nhiệm cùng hệ thống chính trị phòng chống dịch bệnh, vẫn có các cá nhân lợi dụng dịch bệnh để buôn lậu.
Thời gian qua, dịch bệnh COVID-19 diễn ra phức tạp và chúng ta phải đối đầu với không ít những khó khăn, thách thức như người dân phải chịu khổ cực, mất việc làm, cộng đồng doanh nghiệp cũng điêu đứng, kéo theo nền kinh tế chịu những tổn hại nặng nề.
Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 là đại họa nhưng cũng là dịp để kiểm chứng lòng nhân ái, tương thân của người Việt Nam chúng ta. Cũng như bao lần chống thiên tai dịch họa trong lịch sử nhiều nghìn năm dựng nước và giữ nước, khi đại dịch COVID-19 tràn đến thì tình yêu thương, trách nhiệm công dân của hầu hết người Việt lại được phát huy tối đa và cùng chung lưng đấu cật bảo vệ sức khỏe và sự sống của cả cộng đồng.
Với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, hàng chục nghìn thầy thuốc trong cả nước không quản hiểm nguy đã “xung trận” ra tuyến đầu chống COVID-19. Trong cuộc chiến quyết liệt đó, còn có hàng nghìn con người có tấm lòng nhân ái. Họ là những nhà sư, tu sĩ, người lao động, tiểu thương; họ là hàng trăm doanh nhân, nghệ sĩ, nhà hảo tâm… tùy theo điều kiện, khả năng đã có những đóng góp rất thiết thực cùng cả cộng đồng chống dịch.
Ấy thế mà, vẫn có một bộ phận cán bộ ngành này, ngành kia lợi dụng những khó khăn của đất nước, của người dân để cấu kết, tiếp tay trục lợi là điều rất đau đớn.
Tại Hội nghị giao ban quý 3 và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) mới đây, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết 9 tháng qua, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn hết sức phức tạp, gây ảnh hưởng đến phát triển kinh tế trong nước.
Đáng chú ý, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia mới đây đã phải chỉ thẳng tình trạng: “Cán bộ, công chức, sĩ quan tha hóa, biến chất cấu kết, móc nối làm ngơ, bảo kê khi buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng cấm…”. Đây cũng được xem là một trong nhiều nguyên nhân khiến tình trạng buôn lậu, vận chuyển hàng cấm gia tăng thời gian qua.
Cụ thể, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Lê Thanh Hải nhận định, nhiều đối tượng đã lợi dụng tình hình giãn cách xã hội, lợi dụng xe được cấp giấy nhận diện phương tiện ưu tiên theo “luồng xanh” để vận chuyển, mua bán trái phép hàng lậu, hàng cấm.
Đặc biệt là việc sản xuất, buôn bán sản phẩm thiết bị, vật tư y tế phục vụ công tác chống dịch COVID-19 không có hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ như: Khẩu trang, thuốc điều trị COVID-19, máy tạo oxy, que test COVID-19, nước sát khuẩn, găng tay y tế đã qua sử dụng..v..v.
"Các lực lượng chức năng phải phối hợp chặt chẽ, có giải pháp để kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm những vụ việc gian lận, buôn lậu, hàng giả trong thời gian tới, đảm bảo cho môi trường kinh doanh an toàn và thuận lợi. Cần tập trung kiểm soát, kiểm tra hoạt động thương mại điện tử khi kinh doanh online ngày càng phát triển..."
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh
Dĩ nhiên, đây là những thông tin gây bức xúc dư luận, rất đáng để cơ quan chức năng có trách nhiệm phải quan tâm. Qua đó, cũng là cơ hội để hệ thống chính trị soi rõ hơn bản chất, bộ mặt của nhiều cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, để loại ra khỏi bộ máy.
Nói như vậy, bởi khá nhiều vấn đề xung quanh được đặt ra ở đây như: Quy mô, mức độ liên kết các vụ việc như thế nào? Chỉ đơn thuần là móc nối, làm ngơ hay còn tiếp tay, thông đồng, thậm chí còn tham gia vào đường dây đó?
Thậm chí, một khi những người trách nhiệm đã nhận diện rõ sự việc như vậy, thiết nghĩ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cần có văn bản gửi tới các cơ quan, bộ, ban ngành đề nghị vào cuộc thanh tra, kiểm tra, làm rõ để xử lý triệt để cũng là việc nên làm.
Song song, Ủy ban kiểm tra các cấp; các cơ quan quản lý hành chính; các bộ ngành địa phương phải đồng loạt vào cuộc nhận diện và làm cho rõ đúng sai vụ việc này để trả lời rõ với dư luận xã hội. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng phải vào cuộc.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Kiểm tra Trung ương - ông Vũ Quốc Hùng cho biết: “Những thông tin về tình trạng cán bộ bảo kê, móc nối, tiếp tay cho buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm... vẫn thường xuất hiện nhiều trước đó với dạng tin đồn…
Tuy nhiên, khác với những lần trước, lần này là từ chính những cán bộ, lãnh đạo có trách nhiệm nêu lên một cách thẳng thắn, không che đậy hay giấu giếm trước một thực trạng đang diễn ra… đó là cơ sở rất quan trọng để các cơ quan chức năng phải vào cuộc.”
Xin dẫn ra một vụ việc triệt phá hàng giả xảy ra gần đây tại Hà Nội để thấy vấn đề xử lý nhanh hay chậm phần lớn nằm ở quyết tâm của cơ quan và những người có trách nhiệm liên quan.
Đó là, Tổ công tác 304 - Tổng cục QLTT đã phối hợp với Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Công an TP Hà Nội) và Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) đột kích đối tượng nghi vấn. Họ đã phát hiện 1 xe ô tô tải đang nhập hàng trước cửa Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ y tế Đức Anh (số 5, ngõ 178 Tây Sơn, quận Đống Đa).
Chứng kiến một lượng hàng cực lớn như vậy trong toà nhà công ty lại là hàng y tế giả, ngay lập tức, các cơ quan tố tụng đã ra lệnh bắt tạm giam những kẻ có liên quan và khởi tố vụ án.
Từ vụ việc trên cho thấy, chúng ta đang rất khẩn trương, nhanh chóng, kiên quyết chống hàng giả, buôn lậu, đồng thời việc kiên quyết xử lý sai phạm, không chấp nhận sự che chắn chính là cách để ngăn chặn hành vi sản xuất hàng giả, hàng kém chất lượng và buôn lậu nói chung.
Theo ý kiến của người viết, để góp phần ngăn chặn nạn buôn lậu, sản xuất, tiêu thụ hàng giả hàng nhái… thì phải khởi tố hình sự và đưa ra toà để nghiêm trị những kẻ nào dám vi phạm pháp luật lợi dụng lúc dịch bệnh nói riêng và cả thời điểm “bình thường mới” nói chung để trục lợi.
Mà để liều thuốc này thực sự có hiệu quả, yếu tố con người hết sức quan trọng. Ngành QLTT phải có những con người thật, những người trung thực, đạo đức, luôn tận tâm với nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, cần phải liêm chính, chí công vô tư!
Có thể bạn quan tâm
Năm 2021 tội phạm tham nhũng, kinh tế, buôn lậu diễn ra rất phức tạp
12:43, 06/09/2021
Tây Ninh: Buôn lậu hơn 170 tấn đường cát, khởi tố 2 lãnh đạo doanh nghiệp
10:55, 05/08/2021
TPHCM: Bắt cảnh sát chống buôn lậu về hành vi buôn lậu
15:04, 03/06/2021
Chống buôn lậu thuốc lá: Sản xuất thuốc lá giống “gu” hàng lậu
16:03, 28/05/2021
Bắc Giang: Khởi tố Giám đốc Công ty Hà Nội Solar Technogy về hành vi buôn lậu
15:49, 15/03/2021
Vụ buôn lậu, sản xuất hàng giả tại An Giang: Lật tẩy âm mưu dùng tiền chạy điều chuyển Giám đốc Công an tỉnh
21:32, 09/03/2021
Chống buôn lậu, gian lận thương mại: Cần sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp
04:20, 25/02/2021
Ông chủ Nhật Cường đã buôn lậu và rửa tiền như thế nào?
16:10, 14/01/2021