Đất đai và mạch nguồn tham nhũng
Trong quy hoạch phải xem đất đai là nguồn lực đặc biệt, tài sản đặc biệt. Bởi thực tế, đất nước nào biết quy hoạch sử dụng đất đai thì đất nước đó phát triển mạnh mẽ.
Cho ý kiến về vấn đề Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) quốc gia tại phiên thảo luận tổ chiều 29/10, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Vừa qua giàu lên nhờ đất rất nhiều nhưng tù tội về đất cũng rất nhiều, kỷ luật đảng cũng rất nhiều. Cho nên, yêu cầu đặt ra là chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai”.
Thực tế, pháp luật hiện hành quy định đất công, bất động sản công thuộc sở hữu toàn dân nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính.
Trong cả lý luận và thực tiễn, người ta đã chỉ ra rằng rủi ro tham nhũng luôn xuất hiện tại những nơi mà quyền lực quyết định không được kiểm soát, nhất là khi thực thi quyền quyết định tạo ra được lợi ích cho một nhóm người nào đó.
Như vậy, khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối, lúc này chỉ trông chờ vào đạo đức của người có thẩm quyền quyết định. Nên mới có chuyện đất đai làm cán bộ “nóng” như lời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chẳng hạn, gần đây câu chuyện Hà Nội vừa có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ giải trình những sai phạm về “đất vàng” của thành phố, trong đó có những sai phạm tài chính lên tới 4.000 tỉ đồng. Vẫn còn nhiều những tranh luận, song người ta thấy lâu nay hàng đống “vàng ròng” chỉ chui vào túi một vài cá nhân, gây thiệt hại lớn cho ngân sách.
Hoặc, nhiều doanh nghiệp Nhà nước sử dụng đất công rất lãng phí và còn chia cho các cá nhân sử dụng; nhiều vị trí đất vàng bị chiếm dụng… Việc chuyển nhượng, tham nhũng tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này. Những vụ việc tham nhũng, tiêu cực trong vụ án Vũ Nhôm, liên quan đến Bình Dương, Khánh Hoà… đều xảy ra liên quan đến đất công.
Thậm chí, nhiều năm nay, các ông trùm bất động sản có máu mặt liên tục tung quân đi săn lùng các vị trí đất vàng để làm dự án nhà ở. Trong lúc hưng phấn, rượu vào lời ra một đại gia bất động sản có tiếng của Hà Nội còn cáo hứng: “Khi dân ở, đất chỉ là nơi đất ở/Sang dự án đất bỗng hóa thành vàng”, xem ra cũng không sai…v…v.
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Giảng viên Đại học Luật Hà Nội cho rằng: “Cần làm rõ việc kiểm soát quyền sở hữu toàn dân là thế nào, bởi ở nước ta có hơn 2 vạn quyền sở hữu, nhiều doanh nghiệp cũng hiện đang chăm chăm vào nguồn lực đất đai của quốc gia. Thế nên mới xuất hiện tình trạng thu hồi đất ruộng của người dân, chuyển mục đích sử dụng rồi mang đi phân lô, bán nền, chênh lệch chia nhau là giàu có”.
Có một vấn đề đáng nói ở đây là, những vụ án lớn khác liên quan đến đất đai như “Phan Văn Anh Vũ và UBND Đà Nẵng, TP.HCM” hay “Thủ Thiêm”… đều thể hiện sự lệch lạc về giá trị đất đai phía sau các quyết định của cán bộ nhà nước có thẩm quyền.
Dù Luật Đất đai 2013 đã có quy định tại điều 199 và 200 về xây dựng và vận hành cơ chế quản trị tốt để kiểm soát quyền lực quyết định về đất đai. Rất tiếc, luật này đã thi hành được 6 năm nhưng 2 điều trên vẫn nằm yên trên giấy. Vậy nên việc các đại án tham nhũng về đất đai đã xuất hiện và còn tiếp tục xuất hiện cũng không phải là chuyện lạ.
GS.TS Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học Xã hội và Nhân văn đặt vấn đề:“Tham nhũng trong đất đai là trầm trọng, nghiêm trọng và kinh khủng nhất, sợ nhất. Một số cá nhân đang dựa vào chỗ hổng của chính sách pháp luật, của thực thi, của vượt thẩm quyền từ địa phương để tham nhũng, trục lợi”.
Với việc quyết liệt chống tham nhũng trong thời gian vừa qua do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động, nhiều vụ đại án tham nhũng về đất đai đã được đưa ra xét xử. Hệ quả là nhiều lãnh đạo ở cả trung ương và địa phương đã bị kỷ luật hoặc ra hầu tòa và rơi vào vòng lao lý.
Từ đây, có thể nhận thấy một số nhược điểm trong hệ thống:
Một là: Quy định phân biệt được 2 loại quyền sử dụng đất: quyền sử dụng đất thuộc tài sản công và quyền sử dụng đất thuộc tài sản tư chưa rõ ràng.
Hai là: Giữa pháp luật đất đai và các pháp luật khác có liên quan (như pháp luật đầu tư, pháp luật xây dựng, pháp luật quy hoạch…) còn rất nhiều xung đột.
Ba là: Thể chế quản lý về đất đai chưa phù hợp cơ chế thị trường.
Bốn là: Trong công tác tuyển dụng, chưa thực sự lựa chọn được các cán bộ có đủ năng lực chuyên môn và đạo đức tốt. Đây là nguyên nhân chính làm cho tài sản công bị “vẫy vùng” thành riêng.
Việt Nam có diện tích chỉ hơn 300.000 km2 nhưng dân số tới 100 triệu người, là một trong những nước có bình quân đất đai rất thấp. Trong khi đó, đất đai là nguồn lực của quốc gia.
Vì vậy, trong quy hoạch đất đai phải là nền tảng quan trọng để phát triển các loại hình khác trong kinh tế -xã hội. Phải xem đất đai là nguồn lực đặc biệt, tài sản đặc biệt.
Bởi thực tế, đất nước nào biết quy hoạch sử dụng đất đai thì đất nước đó phát triển. Chứ không thể để hàng đống “vàng ròng” chỉ chui vào túi một vài cá nhân, gây thiệt hại lớn cho ngân sách là điều khiến người dân không thể chấp nhận được.
Hy vọng trong quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ khắc phục triệt để được những hạn chế của Luật Đất đai hiện hành và sẽ “cắt” được mạch tham nhũng từ đất đai.
Có thể bạn quan tâm
Phải xây dựng được cơ sở dữ liệu đất đai
19:21, 29/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ III): Minh bạch tiếp cận đất đai
14:05, 29/10/2021
Đại biểu Quốc hội nói gì về quy hoạch sử dụng đất quốc gia?
15:41, 30/10/2021
Nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông lâm trường nhờ quy hoạch
05:00, 30/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất đô thị đến năm 2030: Ổn định đất trồng lúa, quản chặt đất rừng
17:30, 29/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ I): Thu hút các nguồn lực để khai thác hiệu quả quỹ đất
13:55, 28/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển (KỲ II): 4 đề xuất từ doanh nghiệp
05:00, 29/10/2021
Quy hoạch sử dụng đất “đón đầu” phát triển: Tăng năng lực quản lý Nhà nước
20:02, 28/10/2021