Thu phí xe ô tô vào nội đô: Muốn thu thì giao thông công cộng phải tốt!

SÔNG HÀN 02/11/2021 05:00

Để thu phí hạn chế xe cá nhân vào nội đô thì hai yếu tố quan trọng nhất là hạ tầng và vận tải công cộng phải đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Mới đây, thông tin hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng các trạm thu phí dành cho phương tiện ô tô đi vào nội đô đã và đang thu hút sự quan tâm đặc biệt không chỉ của người dân, mà còn các chuyên gia với nhiều không ít ý kiến trái chiều.

Đề án đã được thống nhất?

Theo đó, tại Hà Nội, “Đề án thu phí phương tiện vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế xe cơ giới đi vào” do Sở Giao thông Vận tải (GTVT) và đơn vị tư vấn thực hiện thì ranh giới khu vực thu phí ô tô được giới hạn bởi các đường Vành đai 3 - cầu Thanh Trì - Pháp Vân - Mai Dịch - Phạm Văn Đồng - Tây Hồ Tây - Võ Chí Công - cầu Nhật Tân - Hoàng Sa - Trường Sa - Lý Sơn - Nguyễn Văn Linh - Vành đai 3.

Khung mức phí đối với xe vào trung tâm Hà Nội được xây dựng từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi lượt.

Khung mức phí đối với xe vào trung tâm Hà Nội được xây dựng từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi lượt.

Dự án chia làm 3 giai đoạn, giai đoạn 1 thí điểm 15 trạm, giai đoạn 2 là 59 trạm và giai đoạn 3 gồm 13 trạm còn lại. Thời gian đề xuất thu phí dự kiến vào năm 2025 và nằm ở khung từ 5 - 21 giờ, trong đó có phân biệt mức phí giữa giờ cao điểm và giờ thấp điểm…

Còn tại TP Hồ Chí Minh, đề án thu phí ô tô vào nội đô TP cũng vừa được tái khởi động và được đẩy nhanh theo chủ trương của Chính phủ và nghị quyết HĐND TP hồi tháng 10/2020.

Với đề án này, Nhà đầu tư đề xuất nếu thực hiện thì thời gian thu phí được tiến hành theo 2 khung giờ: từ 6 giờ đến 9 giờ và từ 15 giờ đến 19 giờ. Số tiền người dân phải trả khi lưu thông vào khu trung tâm là 40.000 đồng cho xe con tiêu chuẩn, 70.000 đồng cho xe tải và xe khách (kể cả xe biển xanh, nhằm bảo đảm sự đồng thuận của xã hội), không thu phí xe đi ra. Taxi có đăng ký tại TP HCM được giảm phí, tạm tính 20.000 đồng/xe. Riêng xe buýt và các loại xe ưu tiên theo quy định trong thu phí sử dụng đường bộ như xe cứu thương, cứu hỏa… sẽ được miễn phí.

Thực tế, việc dùng các chính sách hành chính, kinh tế để giảm lượng xe trong nội đô là cần thiết, nhiều thành phố phát triển trên thế giới đã làm. Như ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội nói rằng, theo khảo sát, nếu một giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm được khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu đi vào nội đô. Với lưu lượng xe hiện nay, nếu vào giờ cao điểm, khu vực nội đô giảm được 20% lưu lượng xe trên đường thì ùn tắc sẽ không còn phức tạp.

Tuy nhiên, cách thực hiện cần được lên phương án, tính toán, nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, khoa học. Sau đó, đề án cần có sự tham gia đóng góp ý kiến của đại diện các tổ chức xã hội.

Cần yếu tố nào mới nên thu phí?

Khách quan mà nói, việc thu phí đem lại nhiều lợi ích rõ ràng cả về kinh tế, giao thông. Chẳng hạn, thu phí sẽ hạn chế lượng ôtô ra vào nội đô, góp phần giảm ùn tắc giao thông. Đồng thời, nguồn phí thu được sẽ được dùng để xây dựng hạ tầng giao thông, đầu tư cho hệ thống giao thông công cộng.

Như nhiều chuyên gia phân tích, nước ta có thể học hỏi Singapore trong việc sử dụng khoản phí này. Ví dụ cụ thể, Singapore họ thu được 10 đồng phí thì sẽ dùng 8 đồng phát triển giao thông công cộng, 2 đồng còn lại tái đầu tư hạ tầng và các giải pháp giao thông khác.

Ban đầu nhiều người cũng không đồng tình nhưng khi triển khai một thời gian thì người dân thấy được mặt tích cực, lượng ôtô vào trung tâm thời gian cao điểm giảm 30-50% nên đa số người dân quay sang ủng hộ.

Vấn đề ở đây là không phải chúng ta không học tập đảo quốc Sư tử, mà là ở thời điểm này chúng ta chưa hội đủ các yếu tố để tiến hành thu phí, đặc biệt là yếu tố hạ tầng và hệ thống vận tải công cộng.

lập 87 trạm thu phí tại 68 vị trí để thu phí phương tiện vào nội đô nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường - Ảnh minh họa

Hà Nội lập hương án 87 trạm thu phí tại 68 vị trí để thu phí phương tiện vào nội đô được cho nhằm giải quyết ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường - Ảnh minh họa

Trước tiên, xét về yếu tố hạ tầng và vận tải công cộng.

Hiện tại hai đô thị lớn nhất cả nước, các tuyến đường sắt đô thị “xương sống” để đưa người từ ngoại thành vào nội thành liên tục vỡ tiến độ, thi công mãi không xong. Trong khi các tuyến buýt thành phố vì nhiều nguyên nhân đến nay vẫn chưa khuyến khích, chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân.

Tức là, muốn thực tốt đề án thu phí với xe vào nội đô thì phải gắn với phát triển vận tải hành khách công cộng, tạo thuận lợi cho người dân có thêm lựa chọn mới khi không dùng phương tiện cá nhân.

Liên quan đến vấn đề này, ông Thân Văn Thanh, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, phân tích: “Hiện nay sau cả chục năm phát triển hạ tầng để chuẩn bị cho việc hạn chế xe cá nhân, hạ tầng giao thông (lòng đường, vỉa hè, đường dành cho xe buýt, bãi đỗ xe…) tại Thủ đô đến nay mới đạt khoảng 10%, trong khi yêu cầu là khoảng 24% quỹ đất đô thị. Nhiều tuyến đường, công trình giao thông góp phần làm tăng quỹ đất giao thông như Vành đai 1, Vành đai 2, trục đường hướng tâm thì thi công mãi không xong”.

Thế nên, hai “đầu tàu” của cả nước cũng phải khẩn trương đầu tư, phát triển nhanh và tối ưu nhất phương tiện công cộng, xe buýt, metro… để kịp thời đáp ứng cho người dân.

Thứ hai, vẫn còn nguy cơ “phí chồng phí”.

Những năm gần đây, việc sở hữu một chiếc xe ô tô không còn xa lạ với không ít người nhưng như vậy không có nghĩa cứ có ô tô là giàu có. Thuế phí các loại vốn chồng chất, giá xăng dầu tăng vùn vụt và có thể còn tiếp tục tăng…

 Thật khó có thể giữ được bình tĩnh khi thu nhập thì giảm mà chỉ thấy tăng và tăng, thu và thu… nên việc đưa ra đề xuất trên vào thời điểm này được một số chuyên gia đánh giá là thiếu tế nhị và phản cảm.

Trong khi các doanh nghiệp vận tải hiện nay đã phải gánh rất nhiều chi phí cho quỹ bảo trì đường bộ, các trạm thu phí hình thức BOT trên khắp cả nước. Những khoản phí này là gánh nặng của doanh nghiệp và làm giá thành vận tải tăng cao, giá thành hàng hóa cũng bị ảnh hưởng. 

Việc thu thêm phí khi đi vào trung tâm sẽ khiến doanh nghiệp tốn thêm một khoản chi phí lớn, giảm sức cạnh tranh. Doanh nghiệp chuyên vận tải hàng hóa ra vào trung tâm trong ngày thì càng chịu gánh nặng “phí chồng phí”.

Thứ ba, ảnh hưởng đến tính ổn định của thị trường.

Tình hình hiện nay, trải qua một thời gian dài dịch bệnh, đời sống người dân đang rất khó khăn, việc thu phí sẽ đẩy giá cả lên cao làm ảnh hưởng tới tính ổn định thị trường.

Thậm chí, nhiều ý kiến cho rằng việc thu phí nội đô sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, đẩy giá thành các sản phẩm ra vào trung tâm TP lên cao đồng thời hoàn toàn có thể gây ùn tắc trong quá trình thu phí.

Đó là chưa kể có một số luồng ý kiến trái chiều lo ngại rằng, việc thu phí có thể  sẽ biến nội đô như một “lãnh địa” và đặt câu hỏi, nếu các tỉnh, thành khác cũng học theo Hà Nội và TP Hồ Chí Minh thì sẽ như thế nào?

Thứ tư, minh bạch thu chi với dân.

Nói thẳng ra, quyết tâm triển khai thu phí ôtô vào trung tâm TP cũng là hợp với xu hướng, xu thế của sự phát triển. Nhưng đề án này cần được đem ra phân tích kỹ càng, cho người dân trực tiếp bày tỏ quan điểm nên thu hay không thu. Người dân phải được biết kế hoạch thu, phương án thu, số tiền thu được sử dụng vào mục đích gì.

Phải công khai, minh bạch nguồn thu cũng như sử dụng nguồn thu đúng mục tiêu đề ra là phục vụ chống ùn tắc giao thông, trong đó có việc đầu tư vào hạ tầng và giao thông công cộng. 

Có thể bạn quan tâm

  • Đề xuất lập dự án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm TP.HCM

    01:00, 30/10/2021

  • Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội không giúp giảm tắc đường

    11:00, 01/11/2021

  • Đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô Hà Nội thiếu tính khả thi

    04:10, 01/11/2021

  • Giám đốc Sở GTVT Hà Nội: Cần thiết thu phí ô tô vào thành phố

    11:00, 31/10/2021

  • Đề xuất thu phí vào nội đô Hà Nội: Còn nhiều băn khoăn

    04:10, 29/10/2021

SÔNG HÀN