[eMagazine] Dấu ấn ngoại giao của Thủ tướng Phạm Minh Chính
Từ khi trở thành người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính hai lần công du ra nước ngoài, và lần nào cũng để lại ấn tượng mạnh.
Trên thảm đỏ tại phi trường Orly, thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Thủ tướng Phạm Minh Chính sải bước trong chiếc áo măng-tô tông đen trông rất bảnh bao, đạo mạo. Loạt hình ảnh do báo chí quốc tế ghi lại nhận rất nhiều lời tán dương trên cộng đồng mạng.
Trước khi thăm chính thức Pháp, Thủ tướng Việt Nam đã đến Glasgow, Vương quốc Anh, cùng hàng trăm nhà lãnh đạo trên toàn thế giới dự COP26, hội nghị được xem là “quan trọng nhất lịch sử”, bàn cách cắt giảm phát thải, cứu trái đất.
Tại COP26, ông Phạm Minh Chính đã có bài tham luận mang tính chất định hướng nền kinh tế Việt Nam trong vài thập kỷ tới; đồng thời cùng hòa vào xu thế chung toàn cầu, cùng nhau bắt tay nói không với năng lượng hóa thạch. Hà Nội cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050, tham gia cam kết giảm phát thải metan toàn cầu và Tuyên bố Glasgow về bảo vệ rừng, sử dụng tài nguyên đất.
Trong một khoảnh khắc hiếm hoi tại hội trường COP26, truyền thông quốc tế đã “bắt” được khung hình Thủ tướng Việt Nam có “cuộc gặp chốc lát” với Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Hình ảnh đó đã nói lên nền tảng sâu xa nhất của ngoại giao - là gần gũi, thiện chí, cầu thị, xóa nhòa khoảng cách địa lý, bỏ qua khái niệm nước lớn nước nhỏ. Và, dĩ nhiên nó không chỉ là tầng nấc quốc gia, dân tộc; không chỉ trên thảm đỏ, bàn đàm phán mà đôi khi đó chỉ là cái bắt tay, chào hỏi nhau giữa các vị nguyên thủ quốc gia, mọi thứ có thể bắt đầu từ đây.
Năm ngoái, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 tờ Independent phát đi video một nguyên thủ nước lớn bị “bơ” đi bởi những người đồng cấp đến từ Canada, Mỹ và Brazil, Australia. Nhắc lại để thấy rằng, có những cái bắt tay có thể thay đổi cả đất nước, cũng có những pha “ngó lơ” nói lên chính xác sự rạn vỡ trong quan hệ quốc tế mà đôi khi hàng nghìn bài báo không thể cắt nghĩa.
Một công nhiều việc, tại Anh Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gặp gỡ song phương với lãnh đạo các cường quốc hàng đầu thế giới như Nhật Bản, Đức, Canada, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan. Hội kiến với Thủ tướng Borris Johnson, thái tử Charles và Thủ hiến Scotland, Wales và Bắc Ireland thuộc Liên hiệp Anh.
Trong bối cảnh dịch bệnh làm hoãn, hủy nhiều kế hoạch ngoại giao ở hàng loạt quốc gia thì những cuộc gặp bên lề là cơ hội quý giá để các mối quan hệ được đặt nền tảng, thúc đẩy nhiều chương trình hợp tác về năng lượng sạch, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế số, đổi mới sáng tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch, công nghiệp hàng không vũ trụ, y tế và phòng chống dịch, giáo dục, nông nghiệp, du lịch,...
Pháp - Việt ra tuyên bố chung lần 2, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác chiến lược ký năm 2013 nhân chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Pháp hồi năm 2013.
Tại Anh và Pháp, Thủ tướng Chính phủ mang về hai thành quả rất quan trọng: Paris tiếp tục ủng hộ Hà Nội 1,4 triệu liều vaccine chống COVID-19, London cam kết chuyển giao cho Việt Nam công nghệ chế xuất vaccine AstraZeneca.
Tổng cộng từ các chương trình hợp tác, ngoại giao nhanh nhạy và mềm dẻo, Chính phủ sẽ mang về hàng chục triệu liều vaccine trong giai đoạn tới, 8 triệu liều trong lô hợp đồng 25 triệu liều từ AstraZeneca, 9,2 triệu liều Moderna và Pfizer thông qua cơ chế COVAX.
Tầm cỡ ngoại giao và mức độ tinh tế của Thủ tướng Phạm Minh Chính còn thể hiện trong chuyến thăm đến Viện Paster Pháp. Có thể nói cơ sở Y tế mang tên bác sĩ Louis Paster là biểu tượng cho quan hệ đa chiều kích giữa hai nước Việt Nam và Pháp. Đặt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 không có dấu hiệu chấm dứt - khơi dậy những điều tốt đẹp để cộng hưởng nguồn lực của nhau là vô cùng cần thiết.
Từ đầu năm đến nay hai chuyến công du nước ngoài của Thủ tướng Chính phủ, một đến Đông Nam Á và một đến Anh quốc - chuyến nào cũng đa nhiệm. Điều đó cho thấy tính năng động, sáng tạo, tận dụng cơ hội ngoại giao một cách triệt để. Với những gì đã được thông cáo, tất cả là vì LỢI ÍCH QUỐC GIA.
Nói tất cả vì lợi ích quốc gia có lẽ chưa đủ, bởi vì, những lợi ích mà chúng ta tìm kiếm đều song hành với trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia, dân tộc ta với thế giới và điều đó hoàn toàn xứng đáng.
Việc cắt giảm phát thải ròng về “0” đến năm 2050 là nhiệm vụ rất nặng nề với nền kinh tế Việt Nam, trong hoàn cảnh than đá, dầu mỏ và thủy điện là những nguồn năng lượng rất khó thay thế trong một sớm một chiều.
Mặc dù là quốc gia được nhận vaccine từ COVAX và nhiều nguồn khác từ quan hệ ngoại giao, nhưng Việt Nam vẫn nâng mức đóng góp cho Liên Hợp Quốc lên 1 triệu USD trong nguồn quỹ phân phối vaccine cho các nước nghèo; đồng thời chúng ta vẫn dùng thiết bị y tế làm tặng phẩm cho Pháp và nhiều nước khác. Tuy giá trị không lớn nhưng điều đó thể hiện trách nhiệm của chúng ta với các vấn đề toàn cầu.
Hơn thế nữa, để chuyển đổi cách thức sử dụng năng lượng cần tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng “xanh”, “sạch”, bắt đầu từ công nghệ, sàng lọc vốn đầu tư để tìm ra những dự án không phát thải khí nhà kính, nói không với nhiệt điện than đang ồ ạt tràn sang từ Trung Quốc và chống chịu trào lưu “xuất khẩu công nghệ lạc hậu” đến các quốc gia đang phát triển.
Việc Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ các chính trị gia hàng đầu thế giới còn cho thấy tầm vóc, vị thế Việt Nam rất có trọng lượng trong con mắt bạn bè quốc tế. Như một nhẽ tất yếu của tâm lý con người - ta có thế nào bạn mới tay bắt mặt mừng, đồng ý hợp tác và nâng “chất” mối quan hệ.
Cùng với hình ảnh uy vệ của các vị nguyên thủ quốc gia, sự xuất hiện của Việt Nam trong các diễn đàn toàn cầu ngày càng đậm nét. Hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch Hội đồng Liên nghị viện ASEAN lần thứ 41; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Một thành tựu đáng chú ý khác là việc hoàn tất đàm phán và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Năm 2020, Hội nghị Thượng đỉnh 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Nhật Bản đã mời Việt Nam tham dự. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi ấy đã tham gia thảo luận hai vấn đề quan trọng: Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm; Xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chống chịu.
Việt Nam ngày nay đóng vai trò là cửa ngõ tại khu vực, là quốc gia có mối quan hệ quốc tế đa dạng. Những đó là thành quả của các chương trình ngoại giao chính thức lẫn không chính thức mà phương pháp tích hợp, đa nhiệm của Thủ tướng Phạm Minh Chính là minh chứng.
Có thể bạn quan tâm
Chuyến công du thành công của Thủ tướng Phạm Minh Chính
04:30, 08/11/2021
COP26 và niềm tin phát triển bền vững
01:05, 06/11/2021
COP26: "Tiễn" than đá vào ký ức?
05:23, 05/11/2021
COP26 vẫn ẩn chứa mầm mống thất bại
05:30, 03/11/2021
Những thắng lợi đầu tiên từ Hội nghị COP26
04:30, 03/11/2021
Việt Nam thúc đẩy hợp tác giải quyết biến đổi khí hậu tại COP26
13:25, 02/11/2021
Áp lực chống biến đổi khí hậu bao trùm G20 đến COP26
04:47, 02/11/2021