Quy định số 41-QĐ/TW: Luồng sinh khí mới cho "văn hóa từ chức"
Những điểm trong quy định rất cụ thể, đặc biệt tạo ra luồng sinh khí mới cho văn hóa từ chức nếu cán bộ không còn đủ uy tín.
>>Khi nào mới có văn hóa từ chức “trong sáng”?
Mới đây, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 41-QĐ/TW về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ. Quy định này đã nhận được nhiều sự đồng tình của các đại biểu Quốc hội, cũng như ủng hộ sâu rộng của nhân dân.
Đây là Quy định mới thay thế Quy định số 260-QĐ/TW, ngày 2/10/2009 của Bộ Chính trị. Theo tinh thần của Quy định 41, cán bộ luôn phấn đấu vươn lên và sẵn sàng chịu trách nhiệm khi gây hậu quả không tốt.
Bên cạnh đó, Quy định 41 có một điểm đáng lưu ý đó là cụ thể những căn cứ xem xét đối với cán bộ xin từ chức, như cán bộ đó có trên 50% số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định; hoặc xét thấy bản thân không còn đủ uy tín để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ được giao.
Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, cho từ chức trong thời gian 10 ngày làm việc; trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc. Quy định cũng nói rõ “không thực hiện việc cho từ chức đối với cán bộ thuộc trường hợp phải miễn nhiệm”…v..v.
Nhiều chuyên gia đánh giá, Quy định có thể là một sự mở đường cho thời kỳ chỉnh đốn Đảng một cách mạnh mẽ, chống lại những thói hư tật xấu trong cơ quan công quyền. Quy định cũng nhằm tạo ra những thay đổi trong nhận thức của việc đánh giá cán bộ. Mục đích cuối cùng là tăng cường trách nhiệm cán bộ, để lựa chọn cán bộ, để rèn luyện cán bộ theo những yêu cầu về năng lực, phẩm chất đáp ứng tình hình mới.
Nhìn lại, khi chưa có quy định này, việc xử lý cán bộ chỉ xem xét theo cấp độ kỷ luật (có 4 cấp độ kỷ luật là khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm). Nếu cứ theo trình tự xử lý cán bộ theo từng bước, từng cấp độ như thế thì thời gian cán bộ bị kiểm điểm tiếp tục đảm nhiệm công tác vẫn kéo dài. Trong khi đó, chất lượng cán bộ đó không đáp ứng được yêu cầu và việc xử lý rất lâu.
>>Bệnh viện GTVT Hải Phòng: Kế toán trưởng, chủ tịch công đoàn xin từ chức!
Thực tế vừa qua, có khá nhiều vụ việc lùm xùm, dư luận lên tiếng và cũng đặt vấn đề vị này, vị kia nên từ chức nhưng dường như chưa có trường hợp nào từ chức.
Vấn đề này cũng cần thẳng thắn xem xét đúng bản chất của “ngôn từ”. Nhiều người dùng “từ ngữ” để che dấu bản chất như có việc gì lại xin nghỉ trước tuổi, nghỉ do sức khỏe, vì nguyên nhân khác nhau.
Một số trường hợp “từ chức” đúng nghĩa xuất phát từ lòng tự trọng, liêm sỉ của cán bộ như ông Trịnh Văn Khoa (nguyên thiếu tá, cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng) xin ra khỏi ngành để tố cáo nhóm cán bộ, chiến sĩ Công an quận Đồ Sơn làm sai lệch hồ sơ trong vụ việc có dấu hiệu tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy tại quán karaoke.
Hoặc một số cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi để nhường ghế lại cho thế hệ trẻ mỗi khi đến kỳ bầu cử như trường hợp ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An. Trước đây, có trường hợp Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đào Đình Bình có đơn từ chức vì đã không làm tròn trách nhiệm Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, để xảy ra những sai phạm nghiêm trọng kéo dài ở Ban quản lý các dự án 18 (PMU18) và Bộ GTVT…v..v.
Trong di chúc của Bác Hồ có nói: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Nên nói thẳng ra, mặc dù quy định về từ chức đã được ban hành cách đây hơn 10 năm, nhưng dường như câu chuyện cán bộ xin từ chức ở nước ta vẫn còn rất ít. Vì thế, chúng ta phải đi vào bản chất của chữ “thật”, trở về với bản chất của chữ “thật” như lời Bác nói.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) cho rằng: “Quy định về việc miễn nhiệm hoặc từ chức của cán bộ đã nằm trong chủ trương của Đảng về công tác cán bộ hiện nay. Đó là phải xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ”.
Còn đại biểu Vũ Trọng Kim thì cho rằng: “Để Quy định 41 của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống, tạo nên một “văn hóa từ chức” như nhiều người mong đợi thì cần tạo ra một sự chuyển biến về ý thức, trách nhiệm, nhân cách, đạo đức của một con người thì mới làm được. Tức là cán bộ phải đủ bản lĩnh chiến thắng bản thân thì mới thực hiện được; còn chưa rèn được những lớp người như thế thì khó có “văn hóa từ chức”.
Có thể nói, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, trường hợp nào… khi đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý, không chỉ căn cứ vào trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn phải có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu.
Nhưng thực tiễn (như đã nói ở trên) cho thấy việc áp dụng không phải dễ dàng. Nên để thực hiện được quy định này, đòi hỏi ở mỗi cán bộ, đảng viên tinh thần tự giác, tự nguyện, tự chỉ trích, lòng tự trọng và biết liêm sỉ thì mới thực hiện được. Điều đó phải xuất phát từ lòng trung thực, từ nhân cách lớn của cán bộ, đảng viên.
Mỗi cán bộ, đảng viên trước hết phải tự nhận thấy được ý nghĩa của quy định này để có những nhận thức đúng đắn trong hành xử của mình. Đồng thời, đòi hỏi một tinh thần mới của người cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Có lẽ, đã đến lúc cần nhất trí với nhau quan điểm nếu cán bộ không đủ phẩm hạnh, năng lực, không hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng giao cho thì cần phải dừng lại để nhường cho người khác. Đó vừa là văn hóa, vừa là sự tự trọng của người đảng viên.
Có thể bạn quan tâm
Thủ tướng Nhật Bản dự định từ chức
13:06, 03/09/2021
Nóng: Thủ tướng Malaysia tuyên bố từ chức
16:38, 16/08/2021
Bộ trưởng Y tế Anh từ chức chỉ vì nụ hôn?
06:40, 29/06/2021
Vì sao CEO của start-up giá trị nhất thế giới từ chức ở tuổi 38?
05:05, 25/05/2021
Vì sao Giám đốc thương mại điện tử của Walmart từ chức?
03:00, 19/01/2021
Thủ tướng Abe từ chức và sự đặc biệt của nước Nhật
12:00, 03/09/2020
Khi nào mới có văn hóa từ chức “trong sáng”?
05:00, 29/06/2020
Bệnh viện GTVT Hải Phòng: Kế toán trưởng, chủ tịch công đoàn xin từ chức!
13:36, 23/06/2020