Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: "Đòn bẩy" phục hồi!
Quốc hội khóa XV tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 vào ngày hôm nay (5/12) được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đánh giá rất cao.
>>Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững
Việt Nam đã bước qua đỉnh dịch và bước vào trạng thái bình thường mới để tiến dần đến việc mở cửa nền kinh tế. Trước mắt nền kinh tế vẫn đang đối diện với rất nhiều khó khăn, thách thức. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể vì ảnh hưởng của dịch, tăng trưởng kinh tế sụt giảm…
Tính chung cả 11 tháng, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 15% về số lượng, giảm 22,6% về vốn đăng ký và giảm 19,2% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Trong 11 tháng cũng vẫn có tới hơn 52.100 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn (tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước); Gần 39.500 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể (tăng 17,4%) và 14.900 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể (giảm 3,7%). Như vậy, bình quân một tháng có gần 9.700 doanh nghiệp rút khỏi thị trường.
Đã vậy, một thách thức mới lại xuất hiện đó là dịch COVID-19 với biến thể Omicron đang là nỗi ám ảnh lớn. Chính phủ trên toàn thế giới đang ráo riết triển khai các biện pháp đề phòng nhằm bảo vệ người dân trước làn sóng lây nhiễm tiềm tàng mới.
Mặc dù phải đối mặt với những thách thức trong việc khởi động lại nền kinh tế sau một đợt bế tắc kéo dài. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có khả năng chống chịu tốt nhất ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương trước những chấn động từ đại dịch COVID-19 toàn cầu.
>>Phục hồi kinh tế Việt Nam với bốn yếu tố then chốt
Số liệu thống kê tính đến cuối tháng 11 có thể thấy: Sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước. Tình hình thành lập mới doanh nghiệp cũng khá khả quan, cả về số lượng (tăng 44,6%), vốn đăng ký (tăng 38%) lẫn số lao động (tăng 30,2%). Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động cũng tăng 15,2% so với tháng trước…
Để khách quan hơn, xin viện dẫn ra nhận định của Ngân hàng Standard Chartered khi Standard Chartered vừa công bố báo cáo “Future of Trade 2030: Trends and markets to watch” (Tương lai thương mại 2030: Các xu hướng và thị trường cần quan tâm), trong đó đặc biệt nhắc đến vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như sự phát triển không ngừng trong việc trở thành một cơ sở sản xuất quan trọng thế giới.
Theo đánh giá của Standard Chartered, có 41% số doanh nghiệp toàn cầu được khảo sát cho là đang sản xuất hoặc có kế hoạch sản suất tại Việt Nam trong 5 đến 10 năm tới. Điều này cho thấy Việt Nam sẽ là một trong những động lực quan trọng của tăng trưởng thương mại toàn cầu trong 10 năm sắp tới. Đồng thời, 31% các doanh nghiệp toàn cầu có kế hoạch tận dụng lợi thế của hành lang thương mại Việt Nam – Ấn Độ.
Hoặc hàng loạt hãng thông tấn uy tín nhất thế giới như Reuters, Guardian… lan toả thông tin từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) nhận định về tình hình Kinh tế Việt Nam. Qua đó, World Bank nhìn nhận sự suy giảm kinh tế ở Việt Nam đã “chạm đáy” và đang có sự hồi phục. Điều này diễn ra sau khi TP HCM và các tỉnh phía Nam khác dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, các chỉ số di chuyển chính đã tăng trở lại và các hoạt động kinh tế được khôi phục.
Thực tế cho thấy, với quyết tâm phòng, chống dịch của Chính phủ và các địa phương trong thời gian qua, tình hình dịch hiện nay cơ bản đã được kiểm soát. Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP để thay thế cho việc áp dụng các Chỉ thị 15, 16, 19 trong giai đoạn hiện nay là hết sức kịp thời và cần thiết. Đây là giải pháp kịp thời, giúp “cởi trói” tinh thần cho doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy khôi phục kinh tế.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội khóa XV tổ chức Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021 vào ngày 5/12 được nhiều chuyên gia đánh giá rất cao. Bởi vì, để tổ chức “Hội nghị Diên Hồng” về kinh tế này, đích thân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các Phó Chủ tịch Quốc hội đã có nhiều cuộc làm việc “từ sớm” với các chuyên gia, nhà kinh tế hàng đầu, đại diện các bộ, ban ngành và địa phương.
Diễn đàn quy tụ đông đảo đại diện cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia kinh tế và lãnh đạo doanh nghiệp để tập trung trí tuệ, hiến kế phục hồi là hết sức cần thiết và kịp thời. Theo đó, những ý kiến tham luận, đóng góp từ các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý có tâm có tầm…được ví như một bước đệm quan trọng để làm nên chính sách linh hoạt, thích ứng với thực tiễn.
Chúng ta cùng hy vọng rằng, từ sau Hội nghị này, một giai đoạn tái khởi động nền kinh tế với sự đồng hành của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, dưới sự lĩnh xướng và điều hành của Thủ tướng sẽ bước vào một giai đoạn phát triển mới.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và phát triển bền vững
05:00, 05/12/2021
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Đánh giá toàn diện nền kinh tế
17:35, 02/12/2021