Cát Bà không được khát nước
Nằm cách Hải Phòng 30 km, Cát Bà (300 km2) là đảo lớn nhất Việt Nam. Nhưng...
Dù không thích phải nhai đi nhai lại như miếng kẹo cao su cụm từ này, vì các nhà báo đã sử dụng rất nhiều lần, tôi vẫn phải nói: “Đấy là một nàng công chúa đang ngủ trong rừng”.
Thực ra, xưa lắm, với tôi Cát Bà đã từng là nỗi buồn chán.
Hôm ấy, một ngày mùa đông xám xịt, tôi đặt chân lên bãi biển Cát Cò bị bỏ hoang cho cô đơn. Thị trấn nhỏ như một ngôi làng chài, sặc mùi cá khô, nước thải. Những ngôi nhà cũ gập mình thấp xuống mặt đất dưới sức nặng của bầu trời. Người đàn bà đảo đầu tiên tôi gặp có mái tóc đã ngả sang màu nước rửa bát, tay khẳng khiu như chân cò. Tài sản không có gì ngoài cái tên của mình. Bà nói:” Nếu tôi có một chiếc thuyền thì tôi đã chèo nó đi khỏi hòn đảo này lâu rồi!”.
>>Hải Phòng quyết đưa Cát Bà ghi danh di sản thiên nhiên thế giới
Du lịch là cơn bừng tỉnh
Con đường ven đảo, từ phà Got đến thị trấn Cát Bà, mới, đẹp và tốt đến nỗi tôi có cảm giác như ô tô nhả ra nó từ dưới bánh xe của mình. Ông Bùi tuấn Mạnh, chủ tịch huyện nói: Đảo đang trồng hơn 2 tỷ đồng hoa ven đường, để biến nó thành con đường hoa giấy đẹp nhất Việt Nam.
Cát Bà ngày nay không phải làng chài ngày xưa. Bà lão thuở ấy mơ có cái thuyền để rời hòn đảo, thì bây giờ người tứ xứ tìm ra đảo để kiếm tiền! Chỉ tiếc một thời, Hải Phòng ăn mất hạt giống thương hiệu mà nó đã được thừa hưởng, thủ tục hành chính nhiêu khê, khiến cho các nhà đầu tư dúm lại như những con nai trước ánh đèn pha ô tô. Họ đành nằm im chờ đợi
Thế rồi xuất hiện một lớp mới nhà lãnh đạo Hải Phòng có tầm nhìn xa và sự quyết liệt. Du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế. Các dự án cũ lại được lôi ra phủi bụi. Tuy nhiên, Hải Phòng hy vọng Sun Group mới là chàng “hoàng tử” đánh thức “công chúa” Cát Bà khi khởi đầu một quần thể du lịch đúng “mốt” nhưng không chạy theo thời thượng, sang trọng mà không xa xỉ, độc đáo song không quá trớn và quan trọng nhất là thân thiện với môi trường.
Tiếc mỗi điều là người đảo còn chưa biết làm du lịch. Một nền du lịch bền vững là phải đậm chất văn hóa. Hy vọng rằng chuyện dưới đây chỉ là hiện tượng cá biệt.
Trên mọi con phố đối mặt với biển là các nhà hàng quảng cáo sặc sỡ. Chúng tôi được một bà chủ đon đả mời chào, song không dấu được nụ cười miễn cưỡng chính hiệu vì thực khách gọi đồ ăn đạm bạc. Chỉ khi chúng tôi gọi nhiều đồ uống, bà ta đột nhiên phấn khích trở lại như vừa mới được thay pin. Vị đại gia đi cùng tôi vốn tiêu tiền nhẹ như cái chớp mắt, nhưng khi cầm bản thanh toán thì thấy ruột mình đứt ra từng khúc. Anh không tiếc của, nhưng không muốn bị bóc lột!
Ông chủ tịch huyện thừa nhận dịch vụ trên đảo chưa hấp dẫn được du khách. Ông khuyên chúng tôi thăm Vườn quốc gia và vịnh Lan Hạ - "Đấy mới chính là Cát Bà”
Chúng tôi ra biển khi bình minh còn xanh mờ. Người lái thuyền mặt đỏ như món cá ngừ nướng, nói rằng: "Lan Hạ là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới. Đấy là “Tây” nó bảo thế” - "Tây” ở đây là Hiệp hội các vịnh biển đẹp nhất thế giời.
Chỉ một lát sau, mặt trời đã như chiếc đĩa phẳng lớn treo thấp và đẹp lộng lẫy trên vịnh Lan Hạ. Dưới nắng mặt trời, biển như tấm thảm lấp lánh ánh bạc. Thuyền chạy lướt qua hàng chục hòn đảo đá đứng trầm ngâm, tựa nhà hiền triết. Không gian yên lặng chỉ có tiếng còi tàu đi ngược chiều lướt thướt bay qua. Cô bạn đồng hành của tôi, tóc đen hơn cả màn đêm, ngắm những cánh buồm dật dờ đang bò chầm chậm về phía biển khơi xa thẳm. Cô cười trong niềm hạnh phúc ngất ngây để lộ hàm răng trắng muốt như sóng biển trước mũi tàu.
Buổi trưa, chúng tôi đổ bộ lên một đảo hoang mà khi thủy triều rút xuống để lộ ra một bãi cát trắng phau rộng chừng 30 m2. Trong lúc chờ cơm, chúng tôi nằm dưới bóng mát của những tảng đá nhìn các con sóng trông như tấm khăn bông trắng viền quanh bờ đảo.
Ông lái thuyền kê bàn ăn, trải khăn trắng. Thực đơn là các con cá mắc lưới lấp lánh, trông như những mảnh gương vỡ và mớ ghẹ tươi từ bè nuôi trồng thủy sản của các ngư dân trên vịnh. Chúng tôi - một đám Robinson trên đảo hoang- nhưng lại được uống vang trắng trong những chiếc ly pha lê chuyên dụng như của nhà hàng 5 sao mà ông chủ thuyền, vô cùng bất ngờ, mang theo!
Bữa cơm ngon đến nứt lưỡi, tiếng cười tràn ra lênh láng.
Cô bạn tôi muốn chèo thuyền Kayak. Cô dỗ ngọt tôi: "Biển phẳng như sa mạc xanh thế này, chẳng cần phải chèo, hai đứa cứ ngồi lên thuyền rồi để mặc gió thổi trôi đi đâu thì đi!”. Song tôi thì muốn buổi chiều vào Vườn quốc gia Cát Bà, khu dự trữ sinh quyển của thế giới.
Con đường xuyên đảo, có từ thời ông nguyên bí thư thành ủy Đoàn Duy Thành, chạy thẳng vào vườn. Mùa này lá rơi rụng đầy trên đường. Có gì sướng bằng đạp chân lên lá vàng khô và nghe tiếng gió ẩm ướt thổi lao xao qua tấm thảm xanh của rừng già, vừa hoang dã vừa thơ mộng. Không khí nhuộm nắng tím hồng, thơm tho dịu dàng,. Sườn núi hắt ánh mặt trời khiến cho hoàng hôn có màu đỏ lựng mãi không chịu nhạt. Tôi đi tìm cây kim giao, nghe nói ngày xưa để làm đũa cho vua ăn, song chỉ thấy trên thung lũng những đám mây lớn trắng như vườn táo nở hoa.
Một vẻ tĩnh lặng run rẩy thấm vào mọi ngóc ngách của rừng già, ngoài tiếng hót của một chú chim hông uyển chuyển, chân linh hoạt như đang nhảy flamenco. Còn các con vọoc đầu vàng nổi tiếng của Cát Bà, mày ở đâu? Người dân địa phương nói rằng nếu chèo thuyền lượn quanh đảo sẽ gặp chúng đu theo những cành cây mọc trên vách đá. Ngày xưa ông “chúa đảo” nói với tôi chỉ đại thượng khách của ông mới được dùng mật ong rừng Cát Bà, vì nó cực quý!
Cát Bà có 272 cơ sở lưu trú du lịch với 4569 phòng khách, 60 du thuyền. Tất cả đang bị héo hon vì “con COVID”. Đêm nay chỉ có mấy ông vừa ta vừa tây ngồi trên “Pháo đài thần công” ngắm vầng trăng đang nhô cao, tròn đầy, rải một lớp sáng bạc xuống mặt biển.
>>Hải Phòng: Nguyên sơ làng Việt Hải, Cát Bà
Bóng đen của cuộc khủng hoảng nước
Bình thường chẳng mấy người nghĩ đến nước. Bởi họ luôn nghĩ nước ngọt là thứ hiển nhiên phải có. Chỉ khi vòi tắm hay bồn vệ sinh đột nhiên mất nước, người ta mới tá hỏa lên. Chuyện đó đã xảy ra ở Cát Bả mùa hè năm 2018.
Năm đó, mùa mưa đến muộn. Các hồ chứa nước Trân Châu, Xuân Đám… cạn kiệt. Nhà máy nước ngọt Cái Giá ( vốn trước đó của huyện đảo) không đủ nước để cung cấp cho 16.000 cư dân và du khách Cát Bà. Trên mạng xã hội có người chửi bậy : "“Ba sao” đ. gì mà thiếu cả nước!”. Công ty cấp nước Hải Phòng hàng ngày phải thuê tàu biển chở 1.000m3 nước ngọt ra đảo. Họ biết rằng nước đối với du lịch như máu đối với con người.
Trên đảo Cát Bà dòng chảy của du khách sẽ phụ thuộc vào dòng chảy của nước. Đặc biệt với sự xuất hiện ngày càng đông của tầng lớp du khách trung lưu (Dự báo của Sun Group mỗi năm sẽ có 10 triệu lượt khách của họ đến với Cát Bà!). Cốt lõi của ngành du lịch chính là lối sống bao gồm giải trí, chơi golf, bể bơi, những bãi cỏ xanh. Tất cả đều cần nhiều nước. Cảnh thiếu hụt nước là điều không thể nhân nhượng với các du khách.
Những nhà lãnh đạo Công ty cấp nước Hải Phòng có trực giác và hiểu biết hiếm có để thấy: Cát Bà không thể miễn dịch trước cuộc khủng hoảng toàn cầu về nước.
Sau sự cố năm 2018, Công ty Cấp nước Hải Phòng đã mua một cụm xử lý nước biển Cát Bà thành nước ngọt của Israel, công suất 1.500m3/ngày. Đây là giải pháp tình thế vì nước này ngon, nhưng… đắt tiền!
Sẽ khôn ngoan hơn nếu Cát Bà lên kế hoạch đối phó tình trạng thiếu nước. Bắt đầu bây giờ thì sẽ không phải là muộn. Phương án đưa nước ngọt từ đất liền ra đảo bằng đường ống ngầm dưới biển là không khả thi. Thực ra Cát Bà không phải hòn đảo khô cạn. Có rất nhiều tầng nước ngầm chất lượng cao nằm trong Vườn quốc gia Cát Bà. Cái thiếu nhất của đảo này chính là không có một hồ chứa nước đủ lớn để “đựng” được lượng nước mưa trung bình hàng năm - 1,8m, để chảy phí hoài ra biển!
Rất ít chính quyền địa phương hứng thú với những dự án nước mới, vì thiếu tiền hoặc bởi một lý do tế nhị. Lợi ích của hồ nước mới chỉ có thể cảm nhận trong tương lai. Biết đâu khi đó nhà lãnh đạo đã về hưu hoặc không còn ngồi ghế cũ. Công lao sẽ được ghi nhận cho người kế nhiệm. Trong khi xây một cây cầu, làm một vườn hoa, họ sẽ lập tức được dân tung hô. Thế nhưng đầu tư hôm nay để cho tương lai mai sau, đấy mới là nhà chính trị vì dân ở tầng cao hơn!
Tuy nhiên, một nguồn cung nước dồi dào đến đâu cũng có thể là ảo tưởng nếu không có cảnh báo về mức độ suy kiệt của nó. Một hồ nước không thể cạn khô trong 1,2 năm, nhưng ô nhiễm, khai thác quá mức hay biến đổi khí hậu có thể báo hiệu một cái chết không thể đảo ngược của nguồn nước trong một thế hệ.
Người Israel đã chấp nhận sự đánh đổi. Họ bỏ sở hữu tư nhân và những lợi ích của nền kinh tế thị trường trong lĩnh vực nước, để đổi lấy một hệ thống cho người dân quyền tiếp cận với nguồn nước chất lượng cao. Họ trao cho chính phủ quyền quản lý, điều tiết, định giá và phân bổ nước với niềm tin rằng người dân sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Việt Nam cũng phải đi con đường đó!
Có thể bạn quan tâm
Du lịch Đà Nẵng "ngóng" khách quốc tế
11:00, 06/12/2021
“Rộng cửa” đón FDI vào bất động sản du lịch
03:00, 05/12/2021
Du lịch Đà Nẵng ảm đạm dù đã mở cửa hơn một tháng
11:45, 01/12/2021
Tìm giải pháp phục hồi bền vững du lịch Việt Nam
10:26, 01/12/2021
CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN: Mở cửa bầu trời, đưa du lịch Phú Quốc cất cánh
11:22, 28/11/2021
Du lịch cần tăng tốc
11:00, 26/11/2021
Vướng mắc của bất động sản du lịch vẫn chờ tháo gỡ
22:08, 25/11/2021
Quảng Ninh: Golf tour - chìa khóa mở cửa du lịch quốc tế
02:19, 24/11/2021
Khách du lịch quốc tế ghé Hội An sau 2 năm dài đợi chờ
11:38, 20/11/2021
Du lịch Phú Quốc trước giờ G
19:39, 19/11/2021