Mỹ “vồ vập” Đông Nam Á (Kỳ 2): Tình thế ở ngã ba đường

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 17/12/2021 11:10

Manila không còn nhắc đến vụ kiện Trung Quốc liên quan đến bãi cạn Scarborugh. Và tại sao 4 nước còn lại có tranh chấp với Trung Quốc không “thừa thắng xông lên”?

Cục diện Biển Đông cần được đa phương hóa, có Mỹ là một thuận lợi

Cục diện Biển Đông cần được đa phương hóa, có Mỹ là một thuận lợi

>>Mỹ "vồ vập" Đông Nam Á (Kỳ 1): Chuyến đi lịch sử của Joe Biden

Sự “vồ vập” của người Mỹ rất có lợi cho Đông Nam Á, tạo ra một đối trọng với Trung Quốc tại khu vực, như nguyên tắc “tất cả trứng không để vào một giỏ”, giúp phân tán rủi ro, mang đến nhiều lợi ích.

Về kinh tế, Washington đang ấp ủ nhiều chương trình lớn như “B3W” (Xây dựng lại thế giới tốt hơn) trị giá 40.000 tỷ USD. Tầm nhìn kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên 3 trụ cột: Đối tác kết nối số và an ninh mạng; năng lượng và cơ sở hạ tầng. Khung cam kết kinh tế mạnh mẽ gồm 3 nội dung kiểm soát xuất khẩu, trí tuệ nhân tạo và kiểm soát chuỗi cung ứng dự kiến ký kết vào đầu năm sau.

Về an ninh quốc phòng, lực lượng Mỹ và đồng minh có thêm lý do để xuất hiện với tần suất dày hơn trên Biển Đông để bảo vệ an ninh tuyến đường hàng hải quan trọng bậc nhất. Các hành động ngang ngược của Bắc Kinh phải dè chừng.

Sự có mặt của Mỹ giúp hình thành cơ chế đa phương trong giải quyết những vấn đề hóc búa nhất hiện nay ở Đông Nam Á,  buộc Trung Quốc tuân thủ luật pháp, công ước về biển đảo, an ninh hàng hải, ngư nghiệp.

Mấy thập kỷ qua, Đông Nam Á không ngừng thay đổi trên nền tảng đa phương, đa diện, đa lĩnh vực không chỉ nội khối mà còn thiết lập các diễn đàn, Hội nghị thượng đỉnh với Đông Bắc Á, Nga, Ấn Độ, Úc, Mỹ.

Chính đa phương hóa hiện nay cũng là điểm yếu của khu vực, nói cách khác cam kết đa phương chưa đủ mạnh để có tiếng nói chung đủ trọng lượng ngăn chặn âm mưu bành trướng từ Trung Quốc, cũng như xây dựng thị trường thương mại công bằng, lành mạnh.

Nhưng bài học kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy, thương mại, kinh tế và súng ống luôn đi kèm nhau. Kinh tế là “củ cà rốt”, còn súng ống là “cây gậy”. Đông Nam Á phải làm gì để tranh thủ kinh tế, giảm bớt vướng mắc, hệ lụy vào súng ống?

Bên cạnh thuận lợi, sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ còn mang đến thách thức không nhỏ cho khu vực. Trên tất cả là xung đột Mỹ - Trung càng hiện hữu, Đông Nam Á rất dễ rơi vào thế giữa hai gọng kìm, buộc phải lựa chọn. Trong tình thế này, sự lựa chọn ấy không hề dễ!

Tàu cao tốc Lane Xang, một biểu tượng hợp tác Trung Quốcp/- Lào

Tàu cao tốc Lane Xang, một biểu tượng hợp tác Trung Quốc - Lào

>>ASEAN có thể yên bình hợp tác với Quad?

Thứ nhất, sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại khu vực là rất mạnh, bên cạnh các mối quan hệ truyền thống, lâu đời còn là đối tác rất quan trọng của nhau về thương mại, đầu tư. Đơn cử như Malaysia - quốc gia đang cậy nhờ 20 tỷ USD từ Trung Quốc để xây dựng dự án Đường sắt bờ Đông. Lào, Campuchia đã mắc nợ Trung Quốc rất lớn.

Thứ hai, nói đến sự ảnh hưởng của Trung Quốc ở Đông Nam Á không thể không nhắc đến nhân tố người Hoa, cộng đồng này đóng vai trò đặc biệt quan trọng ở các nền kinh tế Singapore, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Philippines.

Hơn 30 triệu người Hoa có mặt khắp châu Á, tạo thành bộ phận dân số quan trọng ở Singapore, Thái Lan, Indonesia, Brunei. Đặc biệt là tầng lớp tinh hoa hải ngoại, nơi tập hợp nhiều nhà kinh doanh, chính trị gia gốc Hoa đại tài. Ở các quốc gia nói trên, người Hoa nắm từ 4,5% - 80% GDP!

Thứ ba, người ta có thể đặt câu hỏi tại sao Manila không còn nhắc đến vụ kiện Trung Quốc liên quan đến bãi cạn Scarborugh, nơi mà Trọng tài Quốc tế đã tuyên Trung Quốc thua cuộc. Và tại sao, 4 nước còn lại có tranh chấp với Trung Quốc không “thừa thắng xông lên”?

BRI đã bao trùm Đông Nam Á

BRI đã bao trùm Đông Nam Á

Tổng thống Philippines, ông Duterte chỉ trích gay gắt Mỹ và khẳng định: “Manila muốn duy trì quan hệ gần gũi với Bắc Kinh, bất chấp những căng thẳng liên quan đến vấn đề Biển Đông. Trung Quốc muốn làm bạn với chúng ta. Họ cho chúng ta vũ khí, đạn được. Tôi đến Trung Quốc vì Mỹ không cho chúng ta những gì chúng ta cần”, ông Duterte nói.

Chính vì thế, nỗ lực đạt được cam kết “mạnh mẽ” của Mỹ với Đông Nam Á không mấy khả quan. Vấn đề Trung Quốc không chỉ là “láng giềng gần” tối lửa tắt đèn có nhau, mà còn do sức ảnh hưởng của nước này là quá lớn để có thể dứt ra.

Có thể bạn quan tâm

  • Mỹ

    Mỹ "vồ vập" Đông Nam Á: (Kỳ 1) Chuyến đi lịch sử của Joe Biden

    05:26, 16/12/2021

  • ASEAN có thể yên bình hợp tác với Quad?

    ASEAN có thể yên bình hợp tác với Quad?

    05:40, 23/11/2021

  • Cơ hội tái định hình ASEAN

    Cơ hội tái định hình ASEAN

    04:00, 30/10/2021

  • ASEAN và tính tất yếu của cơ chế đa phương

    ASEAN và tính tất yếu của cơ chế đa phương

    05:30, 28/10/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ