LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Bao giờ nông sản hết ùn ứ?
“Hàng đi mây về gió, tiền lúc chuyển lúc không” - đó là tất cả quy trình được gọi với thuật ngữ rất thương mại: “xuất khẩu sang Trung Quốc”.
>>LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Chính sách tốt cần con người tốt
Một bãi 5.000 container mắc kẹt tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn vì không thể thông quan sang Trung Quốc. Câu chuyện này không có gì mới mẻ nhưng hàng loạt vấn đề về nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì vẫn rất thời sự.
Để ý xem, một khi phía Trung Quốc vào mùa thu hoạch một loại nông sản nào đó thì y như rằng loại nông sản ấy - phía Việt Nam bị “đè” ra soi, nào là chất lượng, xuất xứ, và lần này còn có cả rà soát COVID-19.
Một số lượng rất lớn nông sản Việt Nam chỉ bán được sang Trung Quốc nhờ thị trường dễ tính. Cả “3 nhà”, nhà nước, nhà nông, nhà doanh nghiệp dường như an tâm với điều đó và dường như năm nào cũng dính “quả đắng” từ thị trường dễ tính nhưng không dễ hiểu!
Thương lái Trung Quốc qua Việt Nam một lần, tìm đầu mối thu gom hải sản, đối tác phía Việt Nam cứ thế gom và gửi hàng ra cửa khẩu rồi có trung gian sang nhận, “hàng đi mây về gió, tiền lúc chuyển lúc không” - đó là tất cả quy trình được gọi với thuật ngữ rất thương mại “xuất khẩu sang Trung Quốc” mà một chủ doanh nghiệp tâm sự với tôi “nhân dịp” 1.000 tấn cá nục khô của ngư dân Quảng Trị bị ùn ứ hồi cuối năm 2019.
Ấy là cái giá của sự dễ dãi, bởi bán sang Trung Quốc thì không cần đáp ứng tiêu chuẩn quá khắt khe, toàn bộ quy trình chế biến, hấp, sấy hải sản hoàn toàn “lộ thiên”: nấu bằng củi, phơi nhờ nắng trên tấm mành tre cách mặt đất khoảng gang tay…!
Sản phẩm “sạch” sản xuất đúng quy trình thì giá cao, không cạnh tranh nổi với hằng hà sa số loại nông sản sản xuất tự phát, dễ dàng phân phối đến tận mọi ngóc ngách. Vâng, bạn có thể đá chân chóng mua rất nhanh bên sạp vỉa hè, chẳng cần vào siêu thị, minimart.
Nông nghiệp với tư cách là lĩnh vực chủ đạo của kinh tế Việt Nam, hiện đang bị phân mảnh: khâu nuôi trồng chưa kết nối liên thông với chế biến, tạo ra nhiều sản phẩm đặc hữu không đụng “hàng” với đối thủ hùng mạnh bên kia biên giới.
Tiên trách kỷ hậu trách nhân, là bởi chúng ta không chịu thay đổi, bao nhiêu bài học xương máu về đa dạng hóa thị trường, sự cấp bách của một nền nông nghiệp công nghệ cao, hơn một chục FTA ký với Mỹ, EU, những thị trường sẽ giúp nông sản Việt Nam tập dượt để tiếp cận với sân chơi đẳng cấp, ổn định, thặng dư cao còn dư địa mênh mông.
Cơ quan chức năng có thể làm gì? Phát văn bản khuyến cáo, hướng dẫn chung chung, na ná nhau rồi đâu lại vào đấy. Khuyến nông, khuyến công, doanh nghiệp “sếu đầu đàn”, chuỗi liên kết mãi không thấy mạnh lên.
Có thể bạn quan tâm