Chông chênh hành trình tới “miền đất hứa”

SÔNG HÀN 21/12/2021 05:00

Gian khổ, nguy hiểm, nhưng vẫn còn rất nhiều người không chịu từ bỏ giấc mơ đến “miền đất hứa”.

anh Lê Văn Hậu (29 tuổi), là người Việt tử nạn trong vụ chìm xuồng ở eo biển Manche từ Pháp tới Anh.

Anh Lê Văn Hậu (29 tuổi), là người Việt tử nạn trong vụ chìm xuồng ở eo biển Manche từ Pháp tới Anh.

Những ngày qua, không khí buồn thương bao trùm lên căn nhà nhỏ tại xã Văn Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An). Chị Nguyễn Thị Phương Thảo ôm chặt con gái 4 tuổi, mắt đỏ hoe. Chồng chị, anh Lê Văn Hậu (29 tuổi), là người Việt tử nạn trong vụ chìm xuồng ở eo biển Manche từ Pháp tới Anh.

Theo chị Thảo, sáng 24/11, qua tin nhắn từ mạng xã hội, anh Hậu chào vợ ngắn gọn “chồng bắt đầu đi đây” rồi bặt tin. Một ngày sau, truyền thông đưa tin vụ chìm xuồng khiến 27 người thiệt mạng, gia đình chị Thảo không khỏi bồn chồn, lo lắng. Gia đình ngày đêm chờ một cuộc gọi của anh Hậu, nhưng chìm trong vô vọng. Hơn 20 ngày sau, gia đình liên lạc được với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, biết danh tính người bị nạn là anh Hậu.

Gia cảnh của nạn nhân ở quê rất khó khăn. Mẹ Hậu đang chống chọi với ung thư. Ảnh: T.H

Gia cảnh của nạn nhân ở quê rất khó khăn. Mẹ Hậu đang chống chọi với ung thư. Ảnh: T.H

Sự việc này khiến cho không ít người phải nhớ lại sự kiện đau lòng như thảm kịch 39 người chết trong xe container ở Anh cách đây không lâu. Bản thân gia đình của 39 người này (có thể là cả người nhà chị Thảo nói trên) họ cũng đã chuẩn bị tinh thần để xa nhau ít nhất vài năm. Tại vì đã đi như vậy khó có đường về lắm. Chỉ đến khi nhận được tin dữ là người thân họ chết thì họ mới dám báo lên chính quyền để mang được xác con họ về.

>>Vụ việc 39 người chết trong container: Xử lý nghiêm "đường dây" đưa người trái phép ra nước ngoài

Có thể nói, với mọi quốc gia, mọi nền văn hóa và xã hội hiện đại, việc xây dựng, phát triển đất nước mình trở thành “miền đất hứa”, là nơi hoàn hảo để sinh sống và lập nghiệp cho mọi người, bao gồm cả những người di cư, luôn được xem là đích đến cuối cùng. Nhưng có một điều kỳ lạ, là miền đất hứa thường gắn với những cuộc thiên di.

Xuất khẩu lao động, tìm cơ hội làm việc là điều rất bình thường ở bất cứ đâu, nơi con người khao khát có cuộc sống hạnh phúc và sung túc hơn – ngoài vòng luẩn quẩn ở quê nhà, nhưng câu chuyện là, người ta tuyệt vọng – hy vọng đến mức nào, sẵn sàng trả cái giá nào để có tấm vé đến miền đất hứa.

Mà chẳng cứ người Việt, ở các nước đang phát triển khác, nhiều người cũng đang mơ mộng về miền đất hứa như thế. Họ bằng nhiều cách ôm hy vọng là cứ nhắm mắt vào chịu đựng rồi mở mắt ra đã đến thiên đường.

Bằng chứng là mỗi ngày vẫn có hàng trăm người tìm cách vượt biên theo nhiều cách khác nhau, từ trèo qua hàng rào ở Morocco để tới lãnh thổ Tây Ban Nha, hay chen chân trong xe tải từ Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lên tàu di chuyển sang các nước có “chính sách mềm” với người nhập cư tại EU.

Rất nhiều hình ảnh xót lòng về người tị nạn ở ranh giới, biên giới các nước châu Âu. Tất cả tạo nên khung cảnh hỗn loạn mà chẳng ai trên thế giới này muốn nhìn thấy. Đói nghèo, bệnh tật và xung đột khiến nhiều người phải bỏ xứ tìm đến miền đất hứa.

Nhưng cuộc sống tốt đẹp đâu chưa thấy, họ lại phải bỏ mạng hoặc sống chui sống nhủi, đói đến mức chẳng có gì để ăn hoặc bị dồn vào những trại tập trung. Và, biết đâu đấy, chỉ ít ngày nữa họ lại bị trả về đúng nơi họ đã xuất phát...

>>Vụ việc 39 người bị chết trong container ở Anh: Gióng hồi chuông về công tác quản lý

Theo các chuyên gia, các con đường chính để vào châu Âu hiện nay chủ yếu bằng đường bộ hoặc qua biển Địa Trung Hải, thông qua ba tuyến chính đó là: tuyến đường trung tâm, nối Libya và Tunisia đến Malta và đặc biệt là Italy; Hai là tuyến đường phía Tây, nối Maroc và Tây Ban Nha; Ba là có một số ngả đường khác, đi qua Nga hoặc Ukraine để đến Trung Âu, hoặc trực tiếp từ Bắc Âu và Scandinavia, thường được sử dụng để đưa những người nhập cư bất hợp pháp từ các nước châu Á vào Anh. 

Nhưng dù đi bằng con đường nào, cuối cùng, những người muốn thực hiện “giấc mơ” đến những “miền đất hứa” cũng đều bằng cách trốn trên các con thuyền cao su nhỏ bé và mong manh hoặc trốn trong các thùng xe đông lạnh để tránh việc bị các thiết bị quét tầm nhiệt của an ninh biên giới. Họ bước đi mang theo hy vọng, khát khao mãnh liệt rằng chỉ cần cố qua chặng đường này thôi, sẽ có cuộc sống mới ở lục địa châu Âu.

Từ đây đặt ra  cho chúng ta môt vấn đề:, Dù sống ở đâu, nhiều cơ hội (đồng nghĩa nhiều cạnh tranh, áp lực, nhiều chi phí) hay ngặt nghèo, người ta giàu hay nghèo cũng là do chính bản thân mình, sự nỗ lực, cần cù và trí tuệ của mình.

Chẳng có nơi đâu là “miền đất hứa” nếu ta không vươn lên, và nơi đâu cũng là miền đất hứa, nếu ta thực sự yêu xứ sở ấy đến tận cùng cốt lõi, để thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh, vật vã vì những khó khăn, mất niềm tin vào cuộc đời, ta bắt tay vào dựng xây nó.

Rất mong sự việc lần này là hồi chuông cảnh tỉnh. “Miền đất hứa” đôi khi chỉ là lời hứa suông, đừng ảo tưởng vào những lời mật ngọt và tự huyễn hoặc bản thân phải lựa chọn đánh đổi.

Dù sao đi nữa, những nạn nhân xấu số ở bên kia bán cầu là người Việt Nam hay người nước nào đi chăng nữa, thì ta nên dành cho họ những khoảng lặng để cảm thông vì cuối cùng thì họ cũng được nghỉ ngơi sau quá nhiều khổ cực và đau đớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Vụ việc 39 người chết trong container: Xử lý nghiêm "đường dây" đưa người trái phép ra nước ngoài

    18:02, 04/11/2019

  • Vụ 39 người chết tại Anh: Nghệ An khởi tố vụ án, bắt giam 8 đối tượng

    15:19, 04/11/2019

  • Vụ việc 39 người bị chết trong container ở Anh: Gióng hồi chuông về công tác quản lý

    15:03, 04/11/2019

  • Cảnh sát Anh xác nhận 39 người chết trong container là người Việt Nam

    06:00, 02/11/2019

  • Vụ 39 người chết trong container ở Anh: Đường dây nào đưa người đi nước ngoài trái phép?

    10:00, 29/10/2019

  • Vụ 39 người chết trong container ở Anh: Đã cung cấp mẫu xét nghiệm và thông tin để phía Anh xác minh

    11:55, 28/10/2019

SÔNG HÀN