Cuba và những vấn đề của CNXH Mỹ Latin
Marx, Engels, Lenin đều thống nhất quan điểm “quá độ lên xã hội chủ nghĩa bỏ quan giai đoạn tư bản chủ nghĩa” nhưng không có nghĩa là phủ định sạch trơn.
>>Cuba và khát vọng một hình mẫu lý tưởng
Quốc khánh Cuba rơi vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tròn 63 năm cách mạng vô sản Cuba thành công dưới sự lãnh đạo của anh hùng Fidel Castro và phong trào cộng sản ở Mỹ Latin.
Gần đây, tương lai Cuba tiếp tục được đặt ra và ngày một trở nên quan trọng trong chương trình nghị sự chính trị phía Tây bán cầu. Mỹ sẽ tiếp tục dồn Cuba đến đường cùng? Tư duy cách mạng vô sản trong tình hình mới của Havana đủ mạnh để “phá băng” các mối quan hệ sống còn? Thực tiễn này có liên quan gì đến Việt Nam?
Sau khi Liên Xô và Đông Âu tan rã, Mỹ Latin là khu vực mà phong trào cánh tả của các đảng dân chủ xã hội hoạt động rất mạnh, bao gồm 35 đảng cộng sản có vị thế chính trị rất cao tại Brazil, Mexico, Venezuela, Bolivia, Ecuador…
Từ năm 2005, Tổng thống Venezuela nhiều lần công khai tuyên bố đưa đất nước đi lên “CNXH thế kỷ 21”. Tổng thống Bilivia nhiều lần tuyên bố “CNXH là niềm hy vọng của châu Mỹ Latin”. Tổng thống Ecuador giành thắng lợi trong vòng 2 cuộc bầu cử năm 2006 là nhờ tuyên bố sẽ sửa đổi Hiến pháp theo hướng “CNXH thế kỷ 21”.
Xu hướng chính trị mới ở Mỹ Latin không đạt được kết quả vững bền, từ một khu vực kinh tế khá giả dần rơi vào khủng hoảng, mất phương hướng. Ngoại trừ Cuba phần lớn thời gian mắc kẹt bởi lệnh cấm vân phong tỏa của Mỹ, còn lại đều xảy ra sai sót trong quá trình chuyển đổi. Có mấy lý do sau đây:
1. Sự ảnh hưởng rất lớn của Washington. Xu hướng chính trị Mỹ có nhiều điểm không tương thích với thiết chế XHCN. Hầu hết các Tổng thống Mỹ thuộc đảng Cộng hòa đều e ngại phong trào dân chủ xã hội, cánh tả một khi được phổ biến rộng rãi.
Cuba chính là “nạn nhân” rõ rệt nhất của cái gọi là “ngăn chặn làn sóng chủ nghĩa xã hội” đừng làn tràn bán cầu Tây, thậm chí ngay chính tại nước Mỹ. Dễ hiểu khi Mỹ “nhúng tay” vào Venezuela để ngăn chặn ông Maduro tiếp tục cầm quyền hướng đất nước theo CNXH.
Dĩ nhiên, người Mỹ không hề muốn có thêm một Cuba và phong trào cánh tả trở nên hùng mạnh ngay sát bên cạnh mình. Đấy chính là lý do sâu xa để Mỹ không muốn cho Cuba thoải mái phát triển. Lệnh cấm vận rất khó để dỡ bỏ.
Hơn nửa thế kỷ bị kìm kẹp, Havana chịu rất nhiều thiệt thòi, suy thoái kinh tế, khủng hoảng nội bộ, bị cách ly với các tiến bộ của nhân loại. Những gì chúng ta thấy ngày nay là một Cuba cũ kỹ, lạc hậu.
Đổi mới ở Cuba hiện nay là một bài toán, vì bản chất của đổi mới ở đất nước này là bắt tay hợp tác, hòa vào dòng chảy chung nhưng phải giữ gìn chế độ chính trị, không “đổi màu”.
2. Cuba hiện nay gần tương tự với Việt Nam trước đổi mới. Đảng cộng sản Việt Nam đã chứng minh được rằng, XHCN là mô hình có thể tồn tại và phát triển hài hòa, đóng góp cho hòa bình, ổn định trên thế giới; là đối tác tin cậy, bạn hữu với tất cả các quốc gia, dân tộc khác. Trong đó bình thường hóa quan hệ với Mỹ là điển hình.
Có thể nói nếu Cuba mở nút thắt quan hệ với Mỹ - xét về đại cục lợi nhiều hơn hại. Dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận giúp Havana tiếp cận với nguồn vốn đầu tư, công nghệ tân tiến.
Nhưng đằng sau đó Cuba phải chấp nhận luật chơi chung toàn cầu, mở cửa thị trường vốn bị bao cấp bởi nhà nước; cải cách thể chế, luật pháp, làm mới hệ thống chính trị. Việc anh em nhà Castro lùi vào hậu trường nhường chỗ cho thế hệ lãnh đạo trẻ như Chủ tịch Miguel Díaz-Canel là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi.
3. Từ Cuba và Mỹ Latin cho thấy lý luận Marx-Lenin và thực tiễn cách mạng vô sản ngày nay cần được bổ sung, điều chỉnh. Ví dụ: Kinh tế thị trường là sản phẩm chung của nhân loại, mô hình vận hành kinh tế ưu việt nhất không thể không tiếp thu.
Quá độ lên XHCN không có nghĩa là khu biệt với CNTB, đó chỉ là một trong hai phương cách để đạt được mục đích xây dựng cơ sở vật chất, chuẩn bị nền tảng tiến tới công bằng xã hội. Trong tiến trình vận động đi lên, XHCN hay CNTB đều sử dụng chung những nguồn lực, phương pháp. Vấn đề mấu chốt là thể chế chính trị nào điều khiển quá trình ấy mà thôi.
Có thể bạn quan tâm