Nông sản và nỗi đau của nông dân (Bài 3)
“Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của các địa phương… đang là những rào cản khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp..."
>>Nông sản và nỗi đau của nông dân (Bài 1)
Đại hội toàn quốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kết thúc cách đây chưa lâu, Thủ tướng Phạm Minh Chính và cộng đồng doanh nghiệp cùng thống nhất quan điểm: “Doanh nghiệp vững mạnh, đất nước hùng cường, thịnh vượng”.
Logic này đúng với tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực và dĩ nhiên trong đó nông nghiệp góp vai trò cực kỳ quan trọng. Nền nông nghiệp hiện đại là khi có thật nhiều doanh nghiệp lớn được sinh ra từ đây.
Hiện nay cả nước có tổng cộng 836.000 nghìn doanh nghiệp, trong đó theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2021, cả nước có 1.640 doanh nghiệp thành lập mới và trở lại hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng tổng số có trên 14.400 doanh nghiệp nông nghiệp, 80% quy mô vừa và nhỏ.
Tức là chỉ có chưa đầy 1,8% doanh nghiệp ở Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Con số thực sự ngỡ ngàng, bởi vì nông nghiệp là thế mạnh, sở trường, tiềm năng lớn của nước ta.
Xét ở mọi chỉ số, Việt Nam vẫn là nước nông nghiệp, hơn 70% dân số sinh sống ở nông thôn, chiếm 45% lao động, với lực lượng hùng hậu như vậy chỉ tạo ra 18% GDP thêm một lần nữa biểu thị mảng nông nghiệp “làm ăn” không hiệu quả.
Rõ ràng, Việt Nam hoàn toàn không có lợi thế gì về công nghiệp, dịch vụ. Mấy thập kỷ cố gắng công nghiệp hóa nhưng không phát minh ra công nghệ, quy trình gì đáng kể; khả năng tiếp thu chuyển giao công nghệ cũng là dấu hỏi lớn khi Samsung, Toyota, Ford,… đến Việt Nam chủ yếu tận dụng nhân lực giá rẻ.
Năm 2021, xuất khẩu lập kỷ lục mới vượt mốc 660 tỷ USD, nhưng thặng dư thương mại chỉ là 2,1 tỷ USD, bởi vì hầu hết những ngành có tỷ trọng giá trị lớn như điện tử, thiết bị, máy móc là doanh nghiệp FDI.
Đối với nông sản xuất khẩu, năm 2021 đạt được thành quả ẩn tượng 48,6 tỷ USD, nhưng khá buồn cho nông dân Tây Nguyên là không có mặt hàng đặc chủng nào (tiêu, cà phê) của vùng đất trù phú này lọt vào nhóm xuất khẩu chính.
>>Nông sản và nỗi đau của nông dân (Bài 2)
Thử nhẩm tính, 70 triệu người quần quật làm nông nghiệp suốt 12 tháng chỉ thu về 48,6 tỷ USD; và so sánh, chỉ trong 10 tháng 2021, Samsung Việt Nam xuất khẩu 53,52 tỷ USD. Có thể nói nền kinh tế Việt Nam hiện nay mất cân đối trầm trọng, tăng trưởng không dựa vào nội lực, nên không thể xem là bền vững.
Có phải “oai phong” của công nghiệp, vì sự biến hóa khôn lường của vốn đầu tư nước ngoài nên nông nghiệp bị lạnh nhạt chăng? Thực tế cho thấy, đầu tư vào nông nghiệp đã khó, làm nông nghiệp công nghệ cao còn khó hơn.
Nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nói khái quát thế này: “Quỹ đất, nguồn vốn, cơ chế chính sách, sự đồng hành của các địa phương… đang là những rào cản khiến doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn thấp, quy mô còn nhỏ...”.
Như vậy là rõ, hóa ra, bất cứ điều kiện đầu tư nông nghiệp nào ở Việt Nam cũng bị “rào” và “cản”! Câu hỏi là: Ai rào? Ai cản? Cần phá bỏ ra sao? Quỹ đất do cơ quan nào quản lý, chính sách do ai tham mưu, vốn ai nắm? Mấy câu hỏi này ai cũng trả lời được, nghĩa là đã thấy mắc mớ chỗ nào. Nhưng sao gỡ mãi vẫn vướng?
Tháng 8/2020, trong Hội nghị của Chính phủ về công tác xây dựng, hoàn thiện và thi hành pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đặc biệt, trong công tác xây dựng pháp luật yêu cầu phải chống cho được lợi ích nhóm, tránh tình trạng “quyền anh, quyền tôi”, “cơi nới sân bãi” của “ngành tôi, ngành anh” trong xây dựng pháp luật”.
Tôi cho rằng, Đảng, nhà nước rất quan tâm chính sách dành cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, có không ít chương trình lớn, độ phủ toàn quốc nhưng hiệu quả kém. Vậy là do chính sách chưa đúng hay đội ngũ thừa hành “tam sao thất bổn”?
Đơn cử, Nghị định 67 cho ngư dân Miền Trung vay vốn đóng tàu lớn đánh bắt xa bờ, đúng quy trình, tiêu chuẩn. Nhưng ở Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam hầu như thất bại. Nợ xấu ở các ngân hàng Agribank, BIDV Quảng Trị hàng trăm tỷ đồng, lý do là không thể đánh bắt…xa bờ, và ngân hàng không cách nào thu hồi vốn.
Sự thất bại của nhà nước đối với chương trình này như “gáo nước lạnh” làm nhụt chí doanh nghiệp ý định đầu tư làm kinh tế biển. Vô hình dung tạo ra định kiến, đầu tư tàu bè, phương tiện, nhân lực đánh bắt thủy hải sản xa bờ, đúng quy trình thật không dễ ăn!
Chương trình “cánh đồng lớn” ở ĐBSCL triển khai 3 triệu hecta từng hy vọng hấp dẫn nguồn vốn tư nhân. Rút cuộc không ai mặn mà. Cũng không ai giải thích vì sao!
Không tự nhiên mà khi bàn cách để Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhiều lãnh đạo hiện nay nói rất gọn, như lời quyết tâm tuyên chiến “thể chế, thể chế và thể chế”.
Có thể bạn quan tâm