Thiền sư Thích Nhất Hạnh với Đạo - Mẹ và Hạnh phúc
Cây đại thụ nằm xuống, bóng mát sẽ đổ rụi, tàn lụi theo cây. Nhưng một cao tăng nằm xuống, bao nhiêu ý niệm, chính niệm, tư tưởng của ông lại lan toả, lưu truyền mãi cho hậu thế.
>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt bạn bè quốc tế
Thiền sư Thích Nhất Hạnh, nhà thơ, nhà văn, nhà hoạt động hoà bình quốc tế… viên tịch tại Tổ đình chùa Từ Hiếu, thành phố Huế. Nơi đến và cũng là nơi về sau 80 năm xuất gia theo Phật là người như thế.
Trái với sự tĩnh lặng khiêm nhường, giản dị của mình, khi ngài viên tịch, thông tin về ngài lại được lan truyền rộng rãi. Những câu nói bất hủ của ngài được người đời nhắc lại để răn đời, răn mình.
Có nhiều người chỉ nhớ và biết về thiền sư qua bài hát “Bông hồng cài áo” và câu nói “Thấu hiểu nỗi đau của người khác là món quà to lớn nhất mà bạn có thể trao tặng họ. Thấu hiểu là tên gọi khác của yêu thương. Nếu bạn không thể thấu hiểu, thì bạn chẳng thể yêu thương”.
Khi ngài viên tịch họ mới tìm hiểu thêm, càng tìm hiểu, thì họ càng trân trọng, ngưỡng mộ thiền sư hơn.
Quyền lực mạnh mẽ nhất theo thiền sư chính là tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng cao đẹp của thiền sư truyền qua sách, qua thơ, qua các bài thuyết giảng có sức mạnh thần kỳ, lan toả, cảm hoá, dẫn lối bao nhiêu người như thoát hỏi u mê tăm tối, nhận ra chính niệm, định hình ra màu của hạnh phúc, nhận ra hạnh phúc chẳng ở đâu xa.
Ngộ ra chính niệm giống như khi ta mở mắt ra được nhìn thấy ánh sáng, thấy gương mặt của người mình yêu thương, hạnh phúc khi nhận thấy ta còn đôi mắt sáng. Giống như triết lý của người Do Thái: “Bạn sẽ khóc vì không có giày để đi cho đến khi bạn nhìn thấy một người không có chân để đi giày”.
>>Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Nếu không thể thấu hiểu, bạn không thể yêu thương"
Năng lượng từ tấm lòng từ bi, bác ái, từ trái tim quảng đại, bao dung của thiền sư thu hút mọi người hướng theo điều thiền sư muốn mọi người thực hiện. Tri thức uyên bác, đức tính khiêm nhường của thiền sư không chỉ người Việt Nam ghi nhận mà được thế giới công nhận, ngưỡng vọng.
Như ngọn đuốc dẫn đường trong đêm đen, như ngọn hải đăng dẫn tàu thuyền trên biển cả, ánh sáng từ trí tuệ của thiền sư khiến cho người ta phải chắp tay cảm phục. Chỉ có người có tâm hồn sáng trong, thơm ngát giống đoá hoa sen như thiền sư mới có thể khiến nhiều người phát tâm nguyện theo thiền sư trên con đường như hành trình tự tìm lại chính bản thân.
Triết lý của thiền sư không cao siêu, khó hiểu. Ngài răn dạy ta để ta nhận ra triết lý nhân sinh đơn giản: Phật tại tâm, Phật ở trong nhà, chính là cha, là mẹ của mình. Hãy sống hiếu để sau này lỡ mẹ hiền có mất đi, ta cũng không còn gì phải ân hận. “Thứ nhất là tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa”, hãy là người sống tốt, sống tốt và làm việc thiện dù ở bất cứ đâu. Sự răn dạy mộc mà sâu sắc, chân tình của thiền sư giúp chúng ta nhìn ra hạnh phúc của bản thân, thấy hạnh phúc thật gần khi còn có mẹ.
Cả cuộc đời thiền sư đấu tranh không mệt mỏi cho hoà bình, cho hạnh phúc con người. Thiền sư Thích Nhất hạnh đã nhiều lần đến Mỹ để nghiên cứu và diễn thuyết tại Đại học Princeton và Đại học Cornell. Sau này, ông tham gia giảng dạy tại Đại học Columbia. Tuy nhiên, mục đích chính của những chuyến đi ra nước ngoài của ông vẫn là vận động cho hòa bình. Ông trở về việt Nam dẫn dắt hoạt động Phật giáo vì hoà bình.
Mục sư Martin Luther King đề cử thiền sư nhận giải Nobel Hoà Bình với lời giới thiệu: “Vị sư nhỏ bé từ Việt Nam nhưng là học giả có trí tuệ rất lớn. Ý tưởng vì hoà bình của ông, nếu áp dụng sẽ có thể tạo ra động lực cho đối thoại giữa các đạo giáo, vì tính huynh đệ của thế giới, vì nhân loại”.
Thiền sư là người sáng lập Tăng đoàn Phật giáo thống nhất, sau đó là cơ sở Làng Mai nổi tiếng tại miền Nam nước Pháp. Ông cũng là người đưa ra khái niệm "Phật giáo dấn thân" trong cuốn "Việt Nam: Hoa sen trong biển lửa".
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo John Malkin gần hai thập kỷ trước, thiền sư Thích Nhất Hạnh giải thích về Phật giáo dấn thân: "Khi bom dội lên đầu chúng sinh, bạn không thể ngồi trong thiền viện. Thiền là nhận thức về những gì đang xảy ra, không chỉ bên trong mà còn xung quanh cơ thể và cảm xúc của bạn".
"Phật giáo phải gắn liền với cuộc sống thường nhật, với nỗi đau của bạn và những người xung quanh. Bạn phải học cách giúp đỡ một đứa trẻ bị thương trong lúc duy trì hơi thở chánh niệm. Bạn phải giữ cho bản thân khỏi lạc lối trong hành động. Hành động phải đi cùng thiền", ông nói với nhà báo John Malkin.
Với bản thân tôi, điều tôi nhận thấy từ trí tuệ của thiền sư đó là nhận ra mối liên kết giữa đạo (Phật), Mẹ và Hạnh phúc, nhận ra sự thấu hiểu và biết kiềm chế bản thân hơn để tĩnh lặng, để theo bước chân ngài.
Sự giản dị, khiêm cung của thiền sư thể hiện cả qua những di ngôn, thiền sư chỉ muốn đệ tử “tâm tang”, không ồn ào, phúng viếng, không xây toà, dựng tháp.
"Hôm nay chúng ta hãy sống với nhau cho có hạnh phúc, hãy đi đứng, nói cười và tiếp xử với nhau cho có hạnh phúc thì đó mới chính là good continuation (sự tiếp nối thực sự). Điều đó phải xảy ra từng ngày. Đám mây sẽ không có đau buồn gì khi nó không còn mang hình tướng của đám mây tại vì nó biết rằng nó đã thành mưa, mà thành mưa thì nó vẫn tiếp tục đời sống phụng sự của nó. Và khi đám mưa không còn nữa thì mình lại thấy có dòng suối và dòng suối lại tiếp tục sứ mạng của cơn mưa. Và vì vậy cho nên không có cái gì chết, không có cái gì mất đi cả".
Thiền sư muốn mình vẫn luôn trên đường thiền hành cùng mọi người với mỗi “bước đi như thể bạn đang hôn trái đất bằng bàn chân của mình”.
Chính vì vậy, sau khi hay tin thiền sư viên tịch, nhiều tăng ni, phật tử ở Huế đã có mặt tại chùa Từ Hiếu từ rất sớm để hành lễ với vị thiền sư lần cuối. Công tác chuẩn bị cho tang lễ cũng diễn ra trong không khí yên lặng, nhẹ nhàng.
Thành kính nguyện cầu Giác Linh Thiền sư sớm Cao Đăng Phật Quốc.
Có thể bạn quan tâm
Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong mắt bạn bè quốc tế
00:21, 23/01/2022
Thiền sư Thích Nhất Hạnh: "Nếu không thể thấu hiểu, bạn không thể yêu thương"
15:41, 21/10/2021
30 câu nói muôn đời giá trị của thiền sư Thích Nhất Hạnh
12:50, 15/07/2020