Từ tiêu Kampot đến nông sản Việt Nam
Cũng như gạo, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sản lượng nhất nhì thế giới nhưng lép vế vì chưa có thương hiệu. Vì chất lượng kém hay lý do nào khác?
>>Nông sản và nỗi đau của nông dân
Năm 2000, khi Trung Nguyên mới đàm phán với công ty Rice Field tìm cách đưa cà phê Việt Nam sang thị trường Mỹ thì phía đối tác đã đăng ký bảo hộ thương hiệu cà phê Trung Nguyên với cơ quan bảo hộ trí tuệ toàn cầu (WIPO).
Sau nhiều năm thương thảo, Trung Nguyên lấy lại bảo hộ thương hiệu. Song, sự cố này cho thấy nông sản Việt Nam còn quá xa lạ với quy cách làm ăn quốc tế; đồng thời, với kinh tế thị trường không có thương hiệu coi như làm không công.
Hơn 20 năm, số lượng nông sản Việt Nam thực sự có thương hiệu mới đếm trên đầu ngón tay, biểu hiện tổng quan nhất là chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc, giá trị thặng dư ít ỏi, nhiều mặt hàng chủ lực lao đao tìm đầu ra.
Tiêu Campuchia không đặc biệt hơn tiêu Việt Nam, đặc biệt vùng Tây Nguyên đất bazan giàu Feralit cho hạt tiêu rất đượm và thơm nồng, một loại gia vị rất hảo hạng ở các nước xứ lạnh.
Cũng như gạo, hồ tiêu Việt Nam xuất khẩu sản lượng nhất nhì thế giới nhưng lép vế vì chưa có thương hiệu. Vì chất lượng kém hay lý do nào khác?
Cách đây vài năm, trong chuyến công tác về cơ sở cùng vị Trưởng phòng Nông nghiệp một huyện ở Đông Nam Bộ. Chuyến đi cùng các nhà đầu tư nông nghiệp đến từ châu Âu, họ vào vùng trồng tiêu của tỉnh Đồng Nai để đặt hàng tại vườn.
Dĩ nhiên, để hạt tiêu Việt Nam vào được các nhà hàng sang trọng, siêu thị châu Âu cần sản xuất đúng quy trình: Chọn cây giống, làm đất đúng tiêu chuẩn, kiểm soát chặt chẽ lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ thu hoạch, bảo quản, sơ chế, đóng bao bì, nhãn mác theo quy định.
Không một nhà vườn nào có thể đáp ứng hết các tiêu chuẩn trên. Họ thích tự trồng, tự giao dịch với thương lái mùa vụ hơn. Nhưng xét cho cùng có một phần trách nhiệm rất lớn của nhà nước, ở đây là ngành nông nghiệp.
Nông dân Campuchia mới trở lại trồng tiêu vào năm 1990. Sản lượng ban đầu khoảng 4 tấn tiêu mỗi năm, hiện nay là 70 đến 100 tấn, kém rất xa so với 150 nghìn tấn mỗi năm của Việt Nam.
Nhưng ngành tiêu Campuchia “chơi” rất thân với các nhà đầu tư tại châu Âu, một mạng lưới có tên Farmlink kết nối người trồng tiêu với nhau, họ cùng hấp thụ công nghệ, tiêu chuẩn để bán được sang thị trường khó tính nhất.
Năm 2018 Bộ trưởng Thương mại Campuchia trực tiếp tiếp thị với một hãng pho mát Thụy Sĩ Campuchia kiên định mục tiêu hướng đến thị trường đẳng cấp châu Âu và Mỹ.
Tiêu Việt Nam chỉ mới làm tốt khâu sản xuất sao cho thật nhiều mà chưa định hình rõ mục tiêu bán cho ai, thị trường nào, tiêu chuẩn chất lượng ra sao. Đây là điểm chung của toàn ngành nông nghiệp.
>>Xuất khẩu chính ngạch: Từ thông lệ quốc tế
Câu chuyện với gạo cũng tương tự, năm 2016 một phái đoàn ở vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long do GS Võ Tòng Xuân - chuyên gia nông học danh tiếng dẫn đầu sang Campuchia học…trồng lúa!
Giống lúa thơm của Campuchia được Bộ Nông nghiệp Mỹ và Tổ chức BCS Oko - Garantie của Đức chứng nhận hữu cơ. Vấn đề xuất phát từ chiến lược có mục tiêu rõ ràng. Sau khi bình chọn giống, đem đi thi quốc tế, đạt giải nhất, họ nhân rộng diện tích canh tác lên đến 40%.
Giống lúa ST25 của Việt Nam đạt giải ngon nhất thế giới năm 2019 tại cuộc thi World’s Best Rice do The Rice Trader. Không lâu sau gạo giả ST25 tràn ngập, như vậy là tự bắn vào chân mình!
Theo GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, vấn đề của chúng ta là phải xác định rõ ràng mục tiêu sản xuất lúa gạo vì an ninh lương thực hay xuất khẩu. Câu hỏi đó đã được đặt ra cách đây nhiều năm nhưng chưa có câu trả lời.
Có thể bạn quan tâm