LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Một bức tranh bị “vẽ bậy” lại bán được 750.000 USD
Người bảo vệ vẽ thêm mắt vào bức tranh trong triển lãm, gây thiệt hại trên 3.000 đô và đối mặt án tù. Nhưng có người vẽ thêm râu cho nàng Mona Lisa và bán được tới 750.000 USD. Khác nhau ở đâu?
>>Đừng dễ dãi với nghệ thuật
Giới nghệ thuật thế giới đang xôn xao vì sự kiện “vẽ mắt cho tranh” dở khóc dở cười ở Nga. Ông Alexander Vasiliev, 60 tuổi, trong ngày đầu tiên đi làm ở trung tâm Boris Yeltsin, thành phố Ekaterinburg, nước Nga, đã dùng bút vẽ thêm mắt vào khuôn mặt trong một bức hình đang được trưng bày.
Rất không may, đây là bức tranh do cố họa sĩ Anna Leporskaya vẽ từ đầu thế kỉ 20 và được bảo hiểm lên đến 1 triệu USD. Phần vẽ thêm khiến bức tranh bị mực xâm nhập nhẹ do tranh không được phủ sơn bóng bảo vệ. Vì hành động này, ông bị sa thải và phải đối mặt với án tù.
Lý do đưa ra cũng khiến người ta dở khóc dở cười. Theo lời kể của ông, một số thiếu niên xem tranh và bàn tán về bức tranh. Một số cô bé trong nhóm đưa cho ông cây bút và nói ông vẽ thêm mắt. Vì tưởng đây là bức tranh do trẻ con vẽ, ông đã vô tư thêm mắt vào khuôn mặt.
Hiện tại bức tranh được trả lại cho Phòng trưng bày Nhà nước Tretyakov ở Moscow. Các chuyên gia ước tính việc phục chế tiêu tốn đến hơn 3.300 USD. Mọi người cũng không biết nên giận hay nên thương người bảo vệ già vì hành động tuy nhỏ nhưng thiệt hại lại quá lớn này.
Thế nhưng, lịch sử nghệ thuật lại từng có một vụ “vẽ bậy” lên tranh rất nổi tiếng. Thậm chí bức “vẽ bậy” đó còn được coi là 1 kiệt tác nghệ thuật. Đó là vụ Duchamp vẽ thêm ria mép cho nàng Mona Lisa.
>>Sun Signature Gallery - Những mảng màu nghệ thuật giữa thế kỷ XX
Dĩ nhiên, đó không phải là bức tranh nguyên bản của Leonardo da Vinci. Mà đó là bản in lại bức tranh nổi tiếng này.
Duchamp, tên đầy đủ là Marcel Duchamp, là một họa sĩ và nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp với khiếu hài hước khá kỳ quặc. Năm 1919, Duchamp mua một loạt bản in rẻ tiền của bức tranh Mona Lisa, thêm vào nụ cười bí ẩn của nàng một bộ ria mép vểnh lên.
Vẫn chưa đủ, ông còn viết thêm vào dòng chữ L.H.O.O.Q. Dòng chữ này khi đọc lên (theo tiếng Pháp) sẽ thành câu có nghĩa là “Nàng đang hứng tình”.
Bức tranh Mona Lisa có ria mép này lập tức nổi tiếng, gây tranh cãi trong toàn bộ giới nghệ thuật thế giới. Duchamp “tiện tay” vẽ thêm rất nhiều “Mona Lisa râu” nữa tung ra thị trường.
Đến giờ thì những bức “Mona Lisa râu” này được giới nghệ thuật coi là một tác phẩm tiêu biểu, một cột mốc lớn, mở đường cho một trường phái mới của hội họa thế kỷ 20. Năm 2017, một trong những bản đó được bán đấu giá tới 750.000 USD.
Vậy thì hai vụ “vẽ bậy” này khác nhau ở điểm gì mà một vụ là phá hoại, còn vụ còn lại là nghệ thuật?
Câu trả lời: THÔNG ĐIỆP.
Duchamp là một nghệ sĩ lớn. Ông được coi là một trong những người khai sinh ra dòng Nghệ thuật Đương đại (Contemporary Art). Ông đưa ra những cách làm tác phẩm, những chất liệu, những ý tưởng nghệ thuật chưa từng có trước đây, đảo ngược lại rất nhiều quan niệm kinh điển về hội họa.
Một trong những cách làm tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là sử dụng những vật liệu có sẵn (ready-made). Hành động vẽ râu cho Mona Lisa là một tuyên ngôn nghệ thuật kiểu mới của Duchamp. Ông coi tranh in Mona Lisa chỉ là một “chất liệu mới”, một “vật liệu có sẵn” để ông làm nên tác phẩm của mình. Việc quẹt râu cho Mona Lisa, một tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật cổ điển, được coi là hành động “phủ nhận” những giá trị kinh viện đã lỗi thời ở thế kỷ 20.
Tuyên ngôn này của Duchamp được rất nhiều nghệ sĩ thời mới hưởng ứng. Từ đó dòng Nghệ thuật Đương đại ra đời và phát triển mạnh suốt thế kỷ 20.
Còn bác bảo vệ? Bác thậm chí còn chẳng hiểu mình đang làm gì. Bác nghe một số cô cậu thanh niên “xúi bậy” rồi vẽ lên tranh của người khác. Thành ra trở thành phá hoại.
Có thể bạn quan tâm
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Khi phụ nữ đá bóng
05:30, 12/02/2022
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Mừng và lo ở Samsung
05:30, 23/01/2022
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Thế nào là cống hiến?
05:38, 09/01/2022
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Ai bảo vệ trẻ em?
08:49, 01/01/2022
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Biết mình rồi hẵng biết ta
05:24, 26/12/2021
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Bao giờ nông sản hết ùn ứ?
05:30, 19/12/2021
LĂNG KÍNH CUỐI TUẦN: Rất cần "Tiên học lễ"
11:00, 27/11/2021