Vương Hỗ Ninh đã làm gì cho Trung Quốc (Bài 1)

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 22/02/2022 05:23

Ông Vương đã làm cách nào để lái Trung Quốc đi ngược chiều gió và giữ vững vị thế "quốc sư 3 đời" tại Trung Quốc?

Vương Hỗ Ninh được mệnh danh là

Vương Hỗ Ninh được mệnh danh là "quốc sư 3 đời" của Trung Quốc

>>Mỹ hạch tội và phát động chống Trung Quốc

Nhân vật Vương Hỗ Ninh gần đây gây chú ý bởi giới quan sát chính trị trên thế giới, đặc biệt khi Trung Quốc chuẩn bị tổ chức đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XX diễn ra trong năm nay.

Ông Vương là người phụ trách mảng lý luận chính trị của Đảng xuyên suốt 3 đời Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc, bắt đầu từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào và bây giờ là Tập Cận Bình. Chức vụ nắm giữ nghe không có thực quyền - Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Uỷ ban kiến thiết Văn minh tinh thần TW.

Di sản Vương Hỗ Ninh để lại rất đồ sộ. Hầu hết trong số đó ảnh hưởng trực tiếp đến đường lối xây dựng và phát triển đất nước tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Hãy bắt đầu bằng Học thuyết “3 đại diện”.

Mùa đông năm 2000, ông Giang Trạch Dân công du đến Quảng Đông thăm lại “chiến trường xưa”, nơi người tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình từng phát động cải cách Trung Quốc trong thập niên 90. Tại đây, ông Giang đã lần đầu tiên đưa ra thuyết “3 đại diện”. Người chắp bút không ai khác chính là học giả trung niên xuất thân từ giảng viên đại học, Vương Hỗ Ninh.

Học thuyết này được tóm lược như sau: (1) đại diện cho phương thức sản xuất tiên tiến nhất; (2) đại diện cho văn hóa tiên tiến nhất; (3) đại diện cho quyền lợi của đại bộ phận dân chúng.

Thuyết này mở đầu cho sự đổi mới tư duy, thế giới quan chính trị của Đảng, họ bắt đầu thực dụng hơn để đạt được mục đích chứ không còn ưa thích vuốt ve “lý tưởng đã định sẵn” từ Marx, Engels, Lenin. Phần nào còn thể hiện tham vọng của các chính trị gia Trung Quốc.

Học thuyết mới kéo Đảng đến gần hơn với đời sống xã hội không chỉ là “đại diện cho giai cấp công nhân, nông dân và trí thức”. Doanh nhân có vai trò là lực lượng sản xuất tiên tiến, kinh tế tư nhân đóng vai chủ đạo và nền kinh tế được chi phối bởi cơ chế thị trường. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đại diện lực lượng sản xuất tiên tiến nhất.

Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu hé cửa kết nạp giới doanh nghiệp tư nhân vào đội ngũ, một số không nhỏ được giao các chức vụ, khối kinh tế tư nhân được tháo “vòng kim cô”.

Trong giai đoạn này chứng kiến hàng loạt công ty tư nhân ra đời như Net Easy (1997), Alibaba (1999), Tencent (1998), Baidu (2000),…sau đó được tạo điều kiện phát triển mạnh mẽ góp phần biến đổi nền kinh tế Trung Quốc. Có thể nói Vương Hỗ Ninh đã tiếp nối tư tưởng Đặng Tiểu Bình “chủ trương cho một số người giàu lên trước”.

Kéo theo đó, vốn đầu tư nước ngoài tìm đường vào Trung Quốc thông qua dòng chảy chính sách mới và nhu cầu mở rộng thị trường của các công ty tư nhân đang lớn tại Trung Quốc biến nước này thành “công xưởng toàn cầu”.

Vương Hỗ Ninh là nười chắp bút học thuyết

Giang Trạch Dân, người góp phần thay đổi Trung Quốc với học thuyết "3 đại diện".

Toàn bộ quá trình này được hình thành từ tư duy kinh tế của Vương Hỗ Ninh, giữa thập niên 80 khi con đường XHCN gặp khủng hoảng, ông Vương đến Mỹ học tập với tư cách là nhà khoa học chính trị. Ông phê phán xã hội Mỹ với con mắt người cộng sản, song ông cũng giành sự kính nể với sự vận hành trơn tru của bộ máy chính trị, kinh tế của quốc gia tư bản lớn nhất thế giới.

Điều ông Vương ngưỡng mộ ở thế giới tư bản là các trường đại học giàu kiến thức, sự đổi mới và chuyển giao quyền lực mượt mà từ Tổng thống này sang Tổng thống khác - nó hoàn toàn khác với bầu không khí chính trị ngột ngạt, thiếu cởi mở trong nước.

Đó là thời kỳ Mao Trạch Đông cai trị Trung Quốc dựa vào ý chí chính trị, tuyệt đối hóa vai trò của chính trị, ngăn chặn triệt để ảnh hưởng từ bên ngoài. Kết quả là thời hậu Mao để lại một Trung Quốc rất lủng củng.

“ĐCSTQ đại diện cho đông đảo nhân dân Trung Quốc” tức là gián tiếp bác bỏ quan điểm “đấu tranh giai cấp” của Mao - một quan điểm rất cổ và cũ có nguồn gốc từ lý luận Marx sơ khai. Như vậy không còn ai bất an sợ đứng về “phía bên kia”.

Bức tranh kinh tế chính trị Trung Quốc ngày nay có bàn tay tạo tác từ cách đây hơn 20 năm của Vương Hỗ Ninh và Giang Trạch Dân. Một ít trong số đó, ngày nay đang được ông Tập lược bỏ, thay thế. Ví dụ như khống chế các tập đoàn tư nhân khổng lồ. Như vậy, vai trò của họ Vương liệu có tiếp tục sau đại hội XX?

Còn tiếp…

Có thể bạn quan tâm

  • Nghĩ về lời tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

    Nghĩ về lời tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình

    05:02, 24/11/2021

  • Thách thức nào đón đợi ông Tập Cận Bình?

    Thách thức nào đón đợi ông Tập Cận Bình?

    11:00, 08/01/2019

  • Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giữ chức sau năm 2020

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể giữ chức sau năm 2020

    16:20, 11/03/2018

TRƯƠNG KHẮC TRÀ