Vương Hỗ Ninh đã làm gì cho Trung Quốc (Bài 2)

TRƯƠNG KHẮC TRÀ 23/02/2022 05:30

Nếu học thuyết "3 đại diện" giải quyết khâu xây dựng Đảng thì học thuyết "phát triển khoa học" giải quyết lý luận về phát triển kinh tế, xã hội.

Vương Hỗ Ninh trở thành 1 trong 7 nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào

Vương Hỗ Ninh trở thành 1 trong 7 nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào

>>Vương Hỗ Ninh đã làm gì cho Trung Quốc (Bài 1)

Sự nghiệp của Vương Hỗ Ninh trở nên cực thịnh dưới triều đại Hồ Cẩm Đào, kể từ mùa thu năm 2004 sau khi đã giúp Giang Trạch Dân có một nhiệm kỳ cơ bản thành công. Xác định khung sườn XHCN đặc sắc Trung Quốc, kiến tạo nền kinh tế đa dạng, đa thành phần, hiệu quả; quyền lực chính trị được củng cố dựa trên thuyết “3 đại diện”.

Năm 2007, họ Vương ngồi vào ghế Bí thư Ban bí thư Trung ương, thường xuyên bên cạnh Chủ tịch nước trong các chuyến công du đó đây. Qua đó ông càng trau dồi thêm nhãn quan chính trị, được mệnh danh “túi khôn lý luận” của Trung ương Đảng.

Thời ông Hồ Cẩm Đào, Trung Quốc đứng trước thách thức hiện đại hóa nền kinh tế, vươn tầm quốc tế, Vương Hỗ Ninh đã nhanh chóng đặt lên bàn làm việc Chủ tịch Hồ kế hoạch “phát triển khoa học” hay còn gọi là “Khoa học phát triển quan”.

Lý thuyết này kết hợp với Chủ nghĩa Marx, tư tưởng Mao, lý luận Đặng trở thành bộ công cụ lý luận toàn diện được Văn kiện hóa tại đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XVII.

Cốt lõi của “Khoa học phát triển quan” là: Lấy thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội làm động lực chính; phát triển hài hòa, bền vững làm yêu cầu căn bản và lấy phát triển toàn diện làm phương pháp căn bản.

Có thể thấy, ĐCSTQ bám chặt học thuyết Marx như thế nào: Lấy phát triển kinh tế làm đầu chính là vận dụng và tôn trọng nguyên lý duy vật biện chứng: “vật chất quyết định ý thức”, “kinh tế quyết định chính trị”, “tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội”. “lực lượng sản xuất quyết định quan hệ sản xuất”,...

Trong tất thảy mọi vấn đề của XHCN đều yêu cầu xây dựng lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại; thời kỳ quá độ chính là giai đoạn tăng tốc xây dựng cơ sở vật chất XHCN, khi tích lũy đủ “lượng” sẽ khiến “chất” thay đổi.

Ông Hồ Cẩm Đào rất tin dùng Vương Hỗ Ninh

Ông Hồ Cẩm Đào rất tin dùng Vương Hỗ Ninh

Có thể tưởng tượng, một phương thức sản xuất như cái cây mà điểm gốc rễ chính là kinh tế (vật chất). Bộ rễ mạnh khỏe thì thân cây mập mạp, đến lượt cành, chi, lá đóng vai trò như các thiết chế văn hóa, tinh thần, tôn giáo, chính trị, đạo đức,...hình thành và phát triển trên đó. Chăm kinh tế cũng như bón phân vào gốc gây.

Bởi thế cho nên, cả Marx, Engels hay Lenin đều không bao giờ muốn tách rời CNTB trong chặng đường xây dựng CNXH. Engels đánh giá “CNTB ra đời và tồn tại chưa đầy 100 năm nhưng đã tạo ra khối lượng của cải vật chất nhiều hơn cả các thời đại trước cộng lại”. Để đạt được trạng thái “hoàn thành quá độ” các nước XHCN phải đạt được năng lực sản xuất cao hơn CNTB hiện tại.

Kế hoạch của Vương Hỗ Ninh còn sử dụng nhuần nhuyễn “nguyên tắc toàn diện” trong triết học Marx. Tức là đòi hỏi chúng ta nhận thức về sự vật trong mối liên hệ qua lại giữa các bộ phận, giữa các yếu tố, giữa các mặt của chính sự vật và trong sự tác động qua lại giữa sự vật đó với các sự vật khác, kể cả mối liên hệ trực tiếp và mối liên hệ gián tiếp.

Quan điểm phát triển khoa học bao gồm tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, đối nội, đối ngoại,... tuyệt đối không xem nhẹ, bỏ quên vấn đề nào.

“Quan điểm phát triển khoa học” không chỉ có ý nghĩa thực tiễn với Trung Quốc mà còn mang lại giá trị lý luận to lớn, ở chỗ: Vương Hỗ Ninh đã giải quyết cho TW Đảng câu hỏi lớn nhất: “Phát triển như thế nào và bằng cách nào”?

Cách đây 15 năm, ở Việt Nam có thói quen gọi tất cả sản phẩm Trung Quốc là “Hồ Cẩm Đào”, từ chiếc xe máy, điện thoại động, thiết bị điện, máy móc cơ giới,... Điều đó phản ánh thực tế Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào phát triển bùng nổ, thể hiện trước hết ở sức mạnh cạnh tranh siêu việt của hàng hóa, lan tỏa giá trị Trung Quốc trên toàn cầu.

Trong hơn 8 năm tại vị, bộ đôi Hồ Cẩm Đào - Ôn Gia Bảo giúp kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trung bình 10%/năm, vượt qua Anh, Pháp, Đức, Nhật trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 toàn cầu, GDP bình quân đầu người tăng gấp 4 lần từ 2.800 USD lên hơn 10.000 USD.

Kinh tế Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào tăng trưởng bùng nổ

Kinh tế Trung Quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào tăng trưởng bùng nổ

Cho dù người ta có nhắc đến nền móng từ Giang Trạch Dân thì vẫn không thể không nói đến học thuyết “3 đại diện” do Vương Hỗ Ninh trực tiếp soạn thảo, tương tự nếu tán đồng với thành tựu của Hồ nghĩa là có Vương Hỗ Ninh.

Từ trước đó, họ Vương đã nuôi dưỡng mối quan hệ thân tình với Tập Cận Bình, lúc đó là cấp dưới trực tiếp của Hồ Cẩm Đào. Điều này càng tôn ông lên như một vị thánh chính trị, đoán biết trước cờ vào tay ai, nên đứng về phe nào!

Một lần nữa Vương Hỗ Ninh có đất dụng võ dưới thời Tổng Bí thư thứ 3 liên tiếp, ông lại là nhân vật trung tâm trong các chuyến công du của Tập, không chỉ lo cho ông Tập về lý luận mà còn hoạch định chiến lược ngoại giao vĩ mô. Người Mỹ gọi Vương là “Kissinger Trung Quốc”.

Với Tập Cận Bình, tham vọng Trung Quốc rất đồ sộ, không còn “giấu mình chờ thời”, cái được gọi tên là “Trung Hoa mộng” - một lần nữa do Vương Hỗ Ninh soạn thảo, hiện đang thử thách.

Còn tiếp...

Có thể bạn quan tâm

  • Vương Hỗ Ninh đã làm gì cho Trung Quốc (Bài 1)

    Vương Hỗ Ninh đã làm gì cho Trung Quốc (Bài 1)

    05:23, 22/02/2022

  • Thấy gì từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2021?

    Thấy gì từ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc 2021?

    07:00, 19/01/2022

  • Tác động trái chiều từ kinh tế Trung Quốc

    Tác động trái chiều từ kinh tế Trung Quốc

    04:00, 19/09/2021

TRƯƠNG KHẮC TRÀ