COVID-19, bệnh đặc hữu và xu hướng ứng xử mới

QUANG NHẬT 05/03/2022 05:00

Phần lớn người dân đã không còn quan tâm tới con số ca bệnh đếm trong ngày của cả nước, bởi họ biết con số thực tế khác xa, nhiều hơn so với con số được thống kê.

>>Phục hồi kinh tế xanh hậu COVID-19 là cấp bách

Việt Nam đang ở đỉnh điểm của dịch bệnh, nhìn xung quanh chỗ nào cũng thấy F0, có công ty sản xuất mà số người đi làm chỉ đạt tỷ lệ 40%. Nhiều cơ quan, công sở người đi làm lưa thưa như đi trực ngày lễ vì từ lãnh đạo đến nhân viên đều mắc COVID-19. Người thân, bạn bè, đâu đâu cũng thấy “khoe” 2 vạch, chụp ảnh que test đưa lên mạng xã hội.

Việc trở thành F0 đã quá phổ biến tại Việt Nam.

Rất nhiều F0 "khoe" 2 vạch trên mạng xã hội.

Người ta trêu đùa nhau đủ kiểu. Nào là “Người nào đến giờ vẫn còn âm là người bất tử, xứng đáng có trăm người yêu”. “Đề nghị cách ly hết người âm lại cho người dương đi lại sinh hoạt, làm việc sẽ đảm bảo nhộn nhịp đông vui”. Rồi là “Cuộc đời sao lắm bất công. Ép một nằm nghỉ, Ép không phải hầu…’’. Những người bị nhiễm khỏe trở lại phấn khởi thông báo như hoàn thành nghĩa vụ “xong sớm, nghỉ sớm, trấn an động viên người còn chưa nhiễm.

Chẳng biết “hậu COVID-19” ghê gớm như thế nào, nhưng thành viên đội bóng của tôi, nhờ thời gian an dưỡng, nghỉ ngơi do cách ly, không bia rượu, chất kích thích, ăn ngủ đúng giờ…, mọi người khoẻ lắm, ra sân chạy ầm ầm, ghi bàn nhanh như gió cuốn, cười khanh khách và luôn mồm bảo “COVID-19 là tuổi tí, sinh giờ tẹo, không mệt bằng trận say rượu”. Thương lắm những người bị nhiễm cũng như bị cách ly tập trung đời đầu, chỉ tiếp xúc qua loa thôi cũng bị “bế đi” trong sự lo lắng, hoảng sợ.

Tới thời điểm này, con số ca bệnh đếm trong ngày của cả nước cũng ít người quan tâm, bởi họ biết con số thực tế khác xa, nhiều hơn so với con số được thống kê.

Nói như vậy để thấy thái độ, cách ứng xử của mọi người đối với căn bệnh này, đến giờ chỉ coi nó là bệnh cúm mùa có khả năng truyền nhiễm cao, chứ không còn sợ sệt thái quá như trước. Đã đến lúc chúng ta kiểm soát khống chế, COVID-19, không để dịch bệnh khống chế, kiểm soát chúng ta.

fff

Hiện nay tỉ lệ chuyển nặng, tỉ vong thấp là do chúng ta được tiêm phủ vaccine diện rộng.

>>Bác sĩ dự báo Hà Nội sẽ đạt đỉnh dịch COVID-19 trong 2 - 3 tuần nữa

Đúng thời điểm ấy thì Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ra yêu cầu: “Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem Covid-19 là bệnh đặc hữu”.

Phải nói là “được lời như cởi tấm lòng”, bao nhiêu doanh nghiệp đang thoi thóp chờ quyết định này để hồi sinh, bao nhiêu trẻ em không phải đến lớp được hôm rồi lại nghỉ. Cách ly, truy vết, xét nghiệm sẽ là chuyện kể trong cổ tích… Chỉ nghe đến thế thôi mà thấy tương lai tươi sáng, rạng rỡ hơn rồi.

Chủ quan thì chắc chắn không rồi, việc thực hiện 5K sẽ vẫn cần phải duy trì, vì thực tế kết quả hiện nay tỉ lệ chuyển nặng, tỉ vong thấp là do chúng ta được tiêm phủ vaccine diện rộng. Chúng ta chưa hoàn toàn đạt miễn dịch cộng đồng tự nhiên, sinh ra kháng thể tự nhiên, trong khi virus chắc chắn chúng cũng sẽ thích nghi để sinh biến chủng mới, tạo ra các làn sống lây lan dịch bệnh mới.

Xét về mặt tự nhiên, virus cũng có quyền sống, quyền biến đổi, thích ứng để tồn tại. Trái đất là ngôi nhà chung của muôn loài, không hề là của riêng loài người. Dịch bệnh đi qua, bao nhiêu bài học để lại, mà có nơi học phí của bài học là quá đắt. Thái độ ứng xử với dịch bệnh quá cứng nhắc, phi tự nhiên, duy ý chí làm cho nhiều người phải tức tưởi ra đi.

Bệnh dịch theo đường hô hấp thì các biện pháp khoang vùng, truy vết, hốt, quây, vây, nhốt… đều chỉ là việc chạy theo. Chốt chặn nào có thể ngăn được gió thổi, điểm cầu nào chặn được mây bay, còn con người có ai sống được mà lại không cần thở?

Bài học sâu sắc nữa là nhiều khi số đông chưa hẳn là chân lý, các biện pháp chống dịch phải do các chuyên gia có chuyên môn cao đưa ra. Chỉ có họ mới cho ra các biện pháp ứng xử thông minh, hợp lý, giảm thiểu được thiệt hại đến mức thấp nhất về người và của.

May mắn cho chúng ta, thượng tầng lãnh đạo sau khi lắng nghe tham mưu, quan sát, tham khảo quốc tế, nhìn nhận thực tế…, đã cho ra những chỉ đạo chính xác, kịp thời, hợp ý trời và thuận cả lòng người.

Vậy cần làm ngay bây giờ là sẵn sàng chuẩn bị cho các hoạt động, chuẩn bị cả tâm lý, tâm thế mới để khi chính thức coi COVID-19 là bệnh đặc hữu, chúng ta có thể làm việc trôi chảy, nhịp nhàng ngay, thay vì lúng túng như chuyện của ngày nào.

Có thể bạn quan tâm

  • Mua thuốc điều trị COVID-19: Đừng để việc “dễ” thành “khó”!

    04:00, 04/03/2022

  • Thứ trưởng Bộ Y tế: "Còn quá sớm để coi COVID-19 là cúm mùa"

    02:00, 04/03/2022

  • Phục hồi kinh tế xanh hậu COVID-19 là cấp bách

    15:00, 03/03/2022

  • Khi nào trẻ từ 5-11 tuổi được tiêm vaccine COVID-19?

    10:00, 03/03/2022

  • Vượt qua di chứng hậu COVID-19 cách nào?

    01:00, 03/03/2022

  • Trừ điểm thi đua vì mắc COVID-19: “Triệt hạ” động lực cống hiến!

    03:52, 02/03/2022

  • COVID-19 không chỉ là “cơn cảm cúm”

    01:58, 02/03/2022

  • Uống rượu có ngăn ngừa được COVID-19?

    02:10, 01/03/2022

QUANG NHẬT